Kỳ thi CĐ năm 2008:
Chật vật “chiến đấu” với thí sinh “ảo”
(Dân trí) - Với khoảng 200 nghìn thí sinh “ảo”, thiệt hại ban đầu tính được với các trường CĐ lên tới trên 8 tỷ đồng. Ngoài món tiền tỷ “đi tong” thì tâm lý buồn bã cũng là một khó khăn mà nhiều trường CĐ đang phải đối mặt trong những ngày này.
Năm 2007, tuyển sinh hệ CĐ cũng có trên 170 nghìn thí sinh “ảo”. Trong khi đó, các năm trước, số thí sinh “ảo” chỉ ở mức trên dưới 100 nghìn. Như vậy, trong 2 năm gần đây, các trường CĐ phải đối mặt với tỉ lệ thí sinh “ảo” ngày càng lớn.
Năm 2008, số hồ sơ đăng ký dự thi CĐ lại tăng đột biến thêm hơn 100 nghìn, trong khi số lượng thí sinh về cơ bản không tăng so với năm trước. Sức ép đối với các trường CĐ cũng vì thế mà ngày càng gia tăng.
Bước ngoặt bất ngờ
Nếu như cách đây chừng 4 tháng, thí sinh đã sẵn sàng với tâm lý năm sau không còn kỳ thi ĐH nữa nên đổ xô đến các trường CĐ để tìm cho mình một lối thoát nếu lỡ trượt ĐH. Nhưng hôm 4/7 vừa qua, Bộ GD-ĐT lại thông báo năm 2009 sẽ vẫn tiến hành kỳ thi ĐH, CĐ khiến các em không còn cảm thấy mặn mà với hệ CĐ như những ngày trước đó.
Thúy Nga, thí sinh đến từ Nga Sơn (Thanh Hóa) đã bỏ ngay ý định thi vào trường CĐ Y tế Hà Nội. Em cho biết vì vừa trải qua những ngày thi ĐH căng thẳng, nắng nóng nên mệt quá và nếu tiếp tục thi chỉ để thi chứ cũng không thiết tha với việc trúng tuyển thì cũng không nên phải cố để tự mình làm khổ mình thêm! “Nếu không đỗ ĐH năm nay, khi năm sau vẫn còn tổ chức thi ĐH thì có đỗ CĐ em cũng sẽ không theo học vì sẽ học ôn lại để năm sau tiếp tục thi”- Nga cho biết.
Có rất nhiều thí sinh suy nghĩ giống Nga. Vì thế, tại nhiều Hội đồng tuyển sinh CĐ, có đến quá nửa số thí sinh đăng ký nhưng không đến dự thi như trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TPHCM chưa có đến 50% thí sinh đến làm thủ tục dự thi. CĐ Giao thông vận tải III có khoảng gần 47%...
Cùng với mức giá thuê địa điểm tăng, chi trả cho giám thị cũng tăng hơn nhiều so với năm trước thì mỗi thí sinh vắng mặt càng trở thành nỗi buồn nhiều hơn cho các Hội đồng tuyển sinh.
Theo ước tính sơ bộ tại Hà Nội, giá thuê phòng đã tăng khoảng 30% so với năm trước khi mỗi phòng thi năm nay có giá từ 130 đến 160 nghìn/ phòng, chi phí cho cán bộ coi thi cũng tăng mức tương đương với khoảng 300 nghìn/ người/ 5 ngày. Với mức thí sinh dự thi khoảng trên 50%, mỗi trường CĐ có tổ chức thi tại Hà Nội sẽ phải bù lỗ trên dưới 100 triệu đồng...
Giải pháp hữu hiệu để bù lỗ
Nếu như ở các trường ĐH khối Kinh tế thí sinh ảo thường chiếm nhiều nhất thì ở hệ CĐ, đây lại là khối có ít thí sinh ảo nhất. Hầu hết các trường CĐ tuyển sinh ngành này đều có số thí sinh dự thi đạt ở mức mong đợi: trên dưới 70%.
Trường CĐ Tài chính Hải quan có 78,5% thí sinh đến dự thi; CĐ Kinh tế TPHCM 75,94%. CĐ Kinh tế Công nghệ TPHCM có 70,1% thí sinh...
Để bù đắp lại nỗi chật vật khi phải chiến đấu với hồ sơ ảo, hầu hết các trường CĐ đều gọi thí sinh trúng tuyển vượt nhiều so chỉ tiêu được giao, rất ít trường có số thí sinh trúng tuyển tương đương với số chỉ tiêu, trừ trường hợp họ không thể tuyển đủ do “cạn kiệt” nguồn tuyển.
Trường CĐ Kinh tế TPHCM năm 2007, với 1.300 chỉ tiêu, trường đã gọi trúng tuyển 1.349 thí sinh; CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng đã gọi 1.026 thí sinh trúng tuyển/ 850 chỉ tiêu; Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng gọi trúng tuyển 1.480 thí sinh/ 1.100 chỉ tiêu; CĐ Tư thục Công nghệ Thành Đô gọi trúng tuyển 1.858 thí sinh/ 1.430 chỉ tiêu; CĐ Xây dựng 1 là 1.343/750...
Dù vậy, lâm vào cảnh lao đao và dù áp dụng giải pháp nào cũng hoàn lao đao là “số phận” của không ít trường CĐ. Năm 2007, trường CĐ Kỹ thuật Khách sạn và du lịch chỉ tuyển được 418 thí sinh cho 600 chỉ tiêu; CĐ Cộng đồng Hà Tây chỉ tuyển được 476 thí sinh cho 1.080 chỉ tiêu...
Mai Minh