Chất lượng giáo viên sư phạm: Hữu danh vô thực?

(Dân trí) - Được vào ngành sư phạm là điều mà nhiều thí sinh mong muốn, và điểm chuẩn vào các trường sư phạm năm nào cũng rất cao. Ước tính, sinh viên các trường sư phạm và khoa sư phạm nước ta chiếm gần 30% tổng số sinh viên chính quy toàn quốc. Thế nhưng...

... chất lượng đào tạo những người thầy tương lai lại đang là vấn đề cần phải xem lại!

 

Hữu danh vô thực?

 

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng Trường ĐH sư phạm I, Hà Nội (ĐHSP HN), nếu như những năm đầu của thập kỷ 90, ĐHSP HN được coi là trường ĐH trọng điểm của cả nước nhưng cũng chỉ tuyển đầu vào với mức điểm từ 13-16 điểm thì, từ năm 1998 đến nay, điều này đã thay đổi. Chủ trương miễn học phí hoàn toàn cùng cam kết sinh viên sẽ được công tác trong ngành giáo dục khi tốt nghiệp đã tạo nên một sức sống mới cho các trường sư phạm.

 

Vì thế, thi vào sư phạm ngày càng quyết liệt hơn hẳn các trường đại học khác. Ông Báo cũng cho biết, ĐH sư phạm I nhiều năm nay có mức điểm chuẩn luôn đứng trong số những trường có mức điểm chuẩn cao nhất.

 

Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một điều đáng buồn đó là chất lượng của những người thầy. TS. Mai Văn Hưng, ĐHSP Hà Nội 2 đã phải thừa nhận về thực trạng đáng buồn của giáo viên ĐHSP hiện nay, đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên đã trở thành vị hữu danh nhưng vô thực.

 

Nhiều người không phải là giáo viên hoặc là giáo viên kém đã đua nhau đi học thạc sĩ, tiến sĩ để mong lấy cái ISO bằng cấp che đậy sự kém cỏi của tư chất, hoặc tìm kiếm cơ hội để đổi đời. Một vài giáo viên "Tây học"  thì lại  tự coi mình là bề trên, là  "bách khoa toàn thư", nên đã tách mình ra để phán xử kẻ khác. Có người làm luận án bằng tiếng Tây đàng hoàng, nhưng về nước ít năm, nhìn lại luận án, chẳng biết mình viết cái gì...

 

Hậu quả là phần lớn các giáo viên ĐHSP dưới 50 tuổi không viết được hoặc không muốn viết giáo trình giảng dạy cho chính chuyên môn của mình. Trình độ ngoại ngữ chưa tốt cũng là rào cản quan trọng tiếp nhận thông tin từ bên ngoài. Vì thế bài giảng thường quá lạc hậu. Có môn học không có giáo trình tiếng Việt, một số giáo viên thích dạy gì thì dạy...

 

Ì như…sư phạm!

 

Theo ông Lê Đức Thuận, ĐHSP Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân cản trở đến chất lượng giảng dạy của giáo viên và sinh viên các trường sư phạm, đó là, cho dù được Nhà nước ưu đãi 50% lương (các trường ngoài SP là 35%), nhưng nhìn chung thu nhập bình quân thấp hơn nhiều so với giáo viên các trường ngoài sư phạm.

 

Bên cạnh đó, tính chủ động nghề nghiệp của các trường sư phạm lâu nay bị biến thành tính thụ động ngồi chờ. Các lần cải cách giáo dục, lẽ ra phải bắt đầu từ các trường ĐHSP-CĐSP, đằng này chúng ta lại làm quy trình ngược lại...  Chưa kể, tính chuyên sâu của trường sư phạm còn mờ nhạt. Nếu như thầy thuốc được đào tạo 6 năm (ĐH Y - Dược) hay  một số trường ĐH khối kỹ thuật cũng đào tạo tới 4,5 - 5 năm, nhưng trong khi ĐHSP chỉ có 4 năm đào tạo. Do đó, tầm quan trọng và sự uyên bác chuyên sâu của thầy giáo bị giảm sút...

 

Vậy đâu là giải pháp để nâng cao hơn chất lượng đào tạo? Theo bà Phạm Thị Lan Phương, Viện Nghiên cứu giáo dục -ĐHSP TPHCM, để giáo viên sư phạm lên lớp có hiệu quả cao, 100% môn học phải có giáo trình tiên tiến cập nhật và 100% sinh viên chính quy có giáo trình để học ở tất cả các môn (hiện nay tỷ lệ này mới đạt 70-80%). Chỉ khi có đủ giáo trình, các giáo viên mới rèn cho sinh viên khả năng lập kế hoạch học tập, tự học và chấm dứt tình trạng dạy học đọc - chép. 

 

Các trường sư phạm cần sớm chấm dứt việc giảng viên độc giảng một bộ môn / một lớp với thời lượng cố định bắt buộc trên 45 tiết. Bởi vì một giáo viên giảng trong thời gian dài, khiến sinh viên cảm thấy nhàm chán. Cần mời các chuyên gia giỏi dạy một số chuyên đề, để đa dạng hoá, đổi mới phong cách giảng dạy và tư duy. Cần tích cực áp dụng đào tạo theo cơ chế tín chỉ, đồng thời xác lập quy trình và định kỳ đánh giá chất lượng đào tạo qua các phản hồi của SV.

 

Còn PGS-TS Lê Đức Ngọc (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các trường sư phạm cần nhanh chóng áp dụng chương trình đào tạo giáo viên dạy tích hợp, chuẩn bị một đội ngũ giáo viên đa năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô các trường ngoài công lập, thu hẹp các trường công lập.

 

 

Mai Minh