Nhân chuyến về thăm quê hương dịp đầu năm, anh dành cho TTCT một cuộc trao đổi về giấc mơ đưa văn học Việt vào trường đại học Mỹ.
Tiến sĩ Hà Mạnh Quân (giữa, đeo kính) và sinh viên Trường đại học Montana (Mỹ). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Dịch truyện ngắn chỉ để giới thiệu cho người đọc Mỹ
* Anh vừa dịch một số truyện ngắn Việt Nam và đã được xuất bản ở Mỹ, liệu những tác phẩm đó có được anh đưa vào giảng dạy?
Hà Mạnh Quân: Khi dạy văn học thế giới, tôi nhận thấy sự vắng bóng của văn học Việt Nam so với các quốc gia khác. Nhờ chính sách mở cửa và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ, một số tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn rất khiêm tốn. Tôi nhận thấy nhiều tác giả, tác phẩm của Việt Nam rất hay để đưa vào chương trình giảng dạy ở Mỹ nên quyết định dịch truyện ngắn.
Khi tôi dạy Vợ nhặt của Kim Lân, sinh viên Mỹ rất hào hứng khi biết thêm về lịch sử Việt Nam, về nạn đói năm 1945 làm hơn 2 triệu người chết... Hay khi tôi dạy Từ lý thuyết đến thực hành của Vũ Trọng Phụng, sinh viên hiểu thêm về sự đả kích, chế giễu văn hóa phương Tây ở Việt Nam dưới thời thực dân Pháp thống trị. Tôi hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều giáo sư Mỹ đưa văn học Việt Nam vào chương trình giảng dạy, và điều này tùy thuộc vào số lượng và chất lượng các bài dịch cũng như tầm quan trọng của nó trong một nền văn hóa trao đổi mang tính toàn cầu.
Tuy nhiên, dịch truyện ngắn chỉ là đam mê, không phải là chuyên môn của tôi. Đã dịch thì phải có hứng, nhất là dịch văn chương, chứ không phải cứ ngồi vào bàn là dịch được ngay. Tôi dịch không có nhuận bút và các tạp chí xuất bản bài dịch của tôi đều phi lợi nhuận. Mục đích là để giới thiệu những tác phẩm hay đến người đọc. Đơn giản thế thôi.
* Vì sao anh quyết định dịch và xuất bản Đôi mắt (Nam Cao), Răng con chó của nhà tư sản (Nguyễn Công Hoan), Từ lý thuyết đến thực hành (Vũ Trọng Phụng)?
Theo kinh nghiệm giảng dạy cá nhân, sinh viên Mỹ thường muốn tìm hiểu xem văn hóa phương Tây và các
sự kiện lịch sử lớn trên thế giới có tầm ảnh hưởng thế nào đến các quốc gia và con người châu Á. Nói đến lịch sử hiện đại Việt Nam thì không thể bỏ qua Pháp và Mỹ. Khi chọn tác phẩm để dịch, tôi hay chọn những truyện có tính nhân văn sâu sắc. Tôi cũng thích chọn truyện ngắn về cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ vì sinh viên Mỹ rất muốn so sánh những gì họ học được về Việt Nam qua sách do chính người Mỹ viết.
* Ngoài dịch truyện, anh còn làm gì để sinh viên Mỹ hiểu biết thêm về Việt Nam?
Ngoài chuyên ngành chính là văn học Mỹ, tôi rất quan tâm đến mảng văn học về chiến tranh Việt Nam. Ở Mỹ, môn học này thường chú trọng đến cuộc chiến tranh Việt Nam từ quan điểm của các tác giả người Mỹ, phần lớn đã từng phục vụ quân ngũ ở Việt Nam. Đáng tiếc là những tác phẩm này miêu tả cuộc chiến rất phiến diện và ít đề cập đến nỗi thống khổ, mất mát của nhân dân Việt Nam trong thời bom đạn. Năm tới, tôi dạy một môn về chủ đề này.
Tôi sẽ giới thiệu đến sinh viên Mỹ những tác phẩm như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), song song với các tác phẩm của cựu binh Mỹ và người Mỹ gốc Việt như Monkey bridge (Lan Cao) và When Heaven and Earth changed places (Le Ly Hayslip) để sinh viên có một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử.
Tiến sĩ Hà Mạnh Quân hiện dạy môn văn học Anh - Mỹ tại Trường đại học Montana (Mỹ).
* Dịch sách không hề dễ, vậy mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn anh đã nỗ lực thành người am hiểu ngôn ngữ và văn học Mỹ. Đâu là bí quyết để học nhanh như vậy?
Tôi may mắn hơn rất nhiều du học sinh khác. Trong ba năm đầu sống ở Mỹ (2001-2004), tôi ở chung nhà với giáo sư người Mỹ, tiến sĩ Kaylor (một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về văn học thời Trung cổ). Cũng như bao du học sinh khác, mặc dù đã đậu TOEFL nhưng tất cả đều ngỡ ngàng vì tiếng Anh học trong sách vở khác nhiều so với tiếng Anh sử dụng hằng ngày ở đây.
Ban đầu, mỗi ngày trước khi đi làm, tiến sĩ Kaylor giao cho tôi một hoặc hai bài thơ, hay truyện ngắn. Vì các lớp học của tôi đều vào buổi tối nên ngoài việc chuẩn bị bài vở chính khóa, tôi phải viết ít nhất 3-4 trang mỗi ngày phân tích bài tiến sĩ Kaylor giao. Tối về, ông coi bài và giảng dạy tường tận cho tôi về cách cảm thụ văn học và sửa từng câu chữ trong bài viết.
Sau khi tiến sĩ Kaylor cảm thấy khả năng cảm thụ văn học của tôi đã khá hơn, ông giao những tác phẩm kinh điển khó và dài hơn. Ông nói rằng: “Học tiếng Anh mà chưa đọc qua Cuốn theo chiều gió, Kiêu hãnh và định kiến, Nét chữ ô nhục... thì chưa phải học tiếng Anh thực thụ”. Ông bảo phải đọc và học Kinh Thánh, vì văn học phương Tây chịu nhiều ảnh hưởng của Kinh Thánh. Mỗi lần có một ẩn dụ, hình ảnh nào liên quan đến Kinh Thánh, ông giải thích ý nghĩa tiềm ẩn vì sao tác giả lại viết như thế...
Tôi không bao giờ quên một câu nói của tiến sĩ Kaylor: “Những gì em học được từ thầy ở nhà mới là đúng nghĩa giáo dục, những gì học ở trường chỉ là kiến thức sách giáo khoa”. Vì thế, mỗi lần đi du lịch hay hội thảo ở các tiểu bang khác, tiến sĩ Kaylor bảo tôi đem theo một cuốn sổ tay. Mỗi lần đến các di tích lịch sử, ông bỏ ra rất nhiều thời gian giảng dạy thêm cho tôi về lịch sử và văn hóa Mỹ.
Có rất nhiều ví dụ về chuyện ông dạy học trò. Chẳng hạn, khi đến sông Mississippi, ông giảng vì sao Mark Twain lại viết về người da đen và cuộc sống của họ ở khu vực này. Chính những cơ hội quý giá đó mà kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của tôi ngày một tiến bộ hơn.
Và chuyện nàng Kiều trong Đại học Mỹ
* Theo anh, đâu là điều khó khăn nhất trong dịch thuật, nhất là phải chuyển tải văn hóa của một dân tộc này cho một dân tộc khác hiểu đúng?
Tôi là người cầu toàn, nhưng phải chấp nhận một điều là không bao giờ có bản dịch nào hoàn hảo cả. Đây là một sự thật. Khi chuyển ngữ, bản dịch sẽ mất đi một phần “hồn” so với bản gốc.
Lúc học tiến sĩ, tôi có học môn Lý thuyết dịch văn học nên hiểu phần nào trách nhiệm của người dịch và những điều không thể tránh khỏi khi dịch. Chẳng hạn như làm sao có thể chuyển tải hết được hình ảnh “người phụ nữ quảy đôi quang gánh, đi mon men trên bờ đê nhỏ” ra tiếng Anh. Rất khó để người Mỹ hiểu được nét đẹp giản dị, mộc mạc trong tâm thức người Việt mình qua hình ảnh “quảy đôi quang gánh”.
* Ở trường của anh có nhiều người Việt giảng dạy văn học Mỹ?
Hầu hết là những người Mỹ gốc Việt. Họ qua Mỹ từ bé nên tiếng Anh không phải là rào cản ngôn ngữ. Còn du học sinh, nghiên cứu sinh từ Việt Nam thì số lượng đếm trên đầu ngón tay. Đa số du học sinh chọn các ngành khác như khoa học, kỹ thuật hay kinh doanh. Nếu đi bằng ngân sách nhà nước thì một số chọn giáo dục học, xã hội học hay phương pháp giảng dạy.
* Dạy văn học ở Mỹ khác ở Việt Nam thế nào?
Dạy và học văn học ở Việt Nam mang nặng tính phân tích và chứng minh, trong khi ở Mỹ mang nặng tính lý luận. Ở Việt Nam thường một tác phẩm thầy cô chỉ đưa ra một cách phân tích. Ở Mỹ, giảng viên khuyến khích sinh viên nhìn nhận một tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn ngày trước khi tôi học Truyện Kiều ở Việt Nam, bài giảng xoay quanh việc ca ngợi sự hi sinh và hiếu thảo của nàng Kiều, lòng cảm thông với thân phận người phụ nữ và lên án chế độ phong kiến.
Khi tôi dạy Truyện Kiều (do Huỳnh Sanh Thông dịch ra tiếng Anh) thì một vài sinh viên Mỹ không đồng tình cách phân tích này. Họ lý luận rằng đa số nhân vật chính của tác phẩm có phẩm chất anh hùng. Thúy Kiều là một phản anh hùng vì nàng nhu nhược, yếu đuối, không dám quyết định số phận cho chính cuộc đời mình. Có sinh viên tranh luận rằng Thúy Kiều sống bằng cảm tính hơn là lý trí, vì thế nàng thành nạn nhân của nhiều thế lực.
Dĩ nhiên cách nhìn nhận này khó chấp nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu sinh viên Mỹ dùng lý lẽ logic trong bài luận của mình để thuyết phục người đọc thì giảng viên phải khuyến khích.
Ở Mỹ, dạy và học văn tôn trọng cách suy nghĩ độc lập và giảng viên không muốn thấy tất cả sinh viên của mình đều có một cách cảm thụ văn học như nhau, nhất là khi chấm điểm tiểu luận.
* Xin cảm ơn anh.
Người ta nói “phía sau sự thành công của một người đàn ông là bóng dáng một người đàn bà”. Với tôi đó là mẹ. Chỉ có mẹ mới yêu thương và hi sinh không bao giờ toan tính. Mẹ lúc nào cũng thương nhớ con cái của mình, nhưng mẹ không bao giờ nói lên điều đó và chôn chặt trong lòng. Nhiều bạn bè, người thân hỏi sao mẹ không bảo tôi về chăm sóc và báo hiếu mẹ, mẹ cười và nói: “Sống và làm việc ở đâu cũng được, miễn là con tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và công việc, cũng như làm điều tốt cho đời, và sống đừng để mất chữ tâm”. Mẹ có ước nguyện sau này khi tôi đã tích lũy kinh nghiệm giảng dạy vài năm ở Mỹ sẽ về giúp gì đó cho giáo dục nước nhà. Mẹ bảo: “Con có ngày hôm nay cũng đừng bao giờ quên mình sinh ra từ đâu”. Hà Mạnh Quân |
Theo Lê Nguyên Minh
TTCT