Chàng thủ khoa xứ Thanh yêu nghề y từ bé

(Dân trí) -Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y, ngay từ bé, em Lê Tiến Đạt (ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã yêu nghề y và quyết tâm nối nghiệp bố mẹ. Khởi đầu cho niềm đam mê nghề của Đạt là kết quả đỗ thủ khoa HV Y dược Cổ truyền Việt Nam.

Những ngày qua, từ khi Tiến Đạt biết điểm thi và là một trong bốn thí sinh đỗ thủ khoa vào Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam với 26,5 điểm, trong nhà em lúc nào cũng rộn ràng khi hàng xóm, bạn bè đến chúc mừng và chia sẻ niềm vui với Đạt và gia đình.

Phóng viên Dân trí vừa về thôn 2, xã Trung Thành, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) để gặp gỡ chàng tân thủ khoa Lê Tiến Đạt. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Đạt là một chàng trai khôi ngô, dáng vẻ hơi nhút nhát khi mới tiếp xúc. Trò chuyện với PV, Đạt đã chia sẻ những kinh nghiệm học tập, dự định cũng như niềm vui của em khi đạt kết quả cao trong kỳ thi ĐH vừa qua.

Em Lê Tiến Đạt - tân thủ khoa Học viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam.
Em Lê Tiến Đạt - tân thủ khoa Học viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam.

Kỳ thi đại học vừa qua, Đạt thi vào ngành Bác sỹ Y học Cổ truyền của Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam và đạt số điểm 26,5 trong đó môn Toán 9 điểm, môn Hóa 9 điểm và môn Sinh 8,5 điểm.

Trước đó, suốt những năm học cấp 1 và cấp 2, em đều là lớp trưởng. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi.

Niềm vui của b
Niềm vui của bố mẹ khi hay tin Đạt đỗ thủ khoa.

Đến cấp 3, năm nào Đạt cũng là học sinh tiên tiến. Lớp 12, em còn đạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi tỉnh giải toán trên máy tính Casio và giải Khuyến khích học sinh giỏi toàn tỉnh môn Sinh học.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề y, bố mẹ em đều làm nghề bốc thuốc, châm cứu cho các bệnh nhân nên Đạt được tiếp xúc từ nhỏ với y học cổ truyền. Chị gái Đạt vừa mới tốt nghiệp Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam và hiện công tác tại một bệnh viện của Bộ Công an. Với Đạt, từ năm lớp 7, em đã có niềm đam mê, yêu thích nghề, đó là động lực khi em quyết định chọn ngành Bác sỹ Y học Cổ truyền để theo học.

“Dự định của em là muốn phấn đấu về chuyên môn để sau này cứu giúp bệnh nhân và phát triển đi theo con đường của bố mẹ, phát triển nghề nghiệp của gia đình”, Đạt chia sẻ.
 
Đạt khiêm tốn cho biết phương pháp học tập của em rất đơn giản, đó là từ những kiến thức cơ bản trên lớp, về nhà học bài cặn kẽ, chăm chỉ và đặt quyết tâm cao sẽ có kết quả. Không học quá nhiều sách, tập trung vào một số cuốn sách cơ bản của mỗi môn để hiểu cặn kẽ.
 
“Ở nhà, em thường học đến 1, 2 giờ sáng mới đi ngủ”, Đạt cho biết.

Với Đạt, ở trường em chỉ học thêm các môn Toán, Hóa, Sinh, các môn còn lại chủ yếu em tập trung tiếp thu kiến thức ngay tại lớp, nhưng môn nào em cũng đạt kết quả khá. Ngoài việc học, Đạt cũng thường tham gia các phong trào của lớp, trường, nhất là các môn thể thao, trong đó đặc biệt là môn cầu lông.

Kể về kỳ thi đại học vừa qua, Đạt cho biết, lần đầu tiên được thi trong một môi trường lớn, thực sự nghiêm túc nên em cũng thấy hơi hồi hộp. Nhưng khi vào làm bài thi em khá tự tin, bằng khả năng của mình, em cố gắng đạt điểm càng cao càng tốt. Khi gặp các bài toán khó thì không lúng túng. “Sau khi kết thúc kỳ thi, em đã ước được điểm thi của mình đạt chừng đó, nhưng em không nghĩ mình lại đậu thủ khoa”, Đạt cho biết.

Niềm vui đó không chỉ bản thân em hay gia đình mà cả hàng xóm cũng như bạn bè, thầy cô ở trường cấp 3 em theo học. Đến thời điểm này, ở trường cấp 3, em là người đỗ đại học với số điểm cao nhất. Sau khi biết em đỗ thủ khoa, nhiều học sinh khóa sau còn đến gia đình xin sách vở của Đạt về để "lấy lộc".

Chia sẻ với PV về thành tích của cậu con trai út, anh Lê Thái Học cho biết: “Trước khi đi thi, em nó mới mua một cái sim rác để tiện liên lạc với bố, từ trước đến nay đây là lần đầu tiên em nó dùng điện thoại. Em nó rất hiền, rất biết quan tâm người khác. Thấy em có tâm, có đức lại theo học nghề truyền thống mà gia đình làm nên chúng tôi rất vui và tự hào”.


Một kỷ niệm về cậu con trai mà có lẽ anh Học sẽ không bao giờ quên, đó là kỷ niệm trong những ngày hai bố con lên Hà Nội dự kỳ thi Đại học. Anh Hậu chia sẻ: “Kỷ niệm khiến tôi rất phục và tự hào về con đó là hôm đang đi thi đại học, trời nắng, cả bố và chị nói lên xích lô, nhưng thấy ba người ngồi trên một xe mà trời nắng chang chang, thương bác lái xích lô nên em nó nhất quyết không lên, mà nói bố đi xe ôm hoặc taxi. Điều đó làm tôi cảm động về cái tâm của con”.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm