Chàng sinh viên đến trường trên đôi chân anh trai
Không thể tự đi lại, ngày ngày anh Nguyễn Bá Khanh phải đến trường nhờ đôi chân của người anh trai và những người thân trong gia đình.
Tình cờ đến Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông qua câu chuyện của nhiều sinh viên và thầy cô tại đây, tôi được biết tới anh Nguyễn Bá Khanh một sinh khuyết tật đang theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin.
Không giống với nickname “Chinh Phục Giấc Mơ” mọi người đặt, anh tỏ ra khá e ngại, rụt rè khi lần đầu tiên tiếp xúc với báo chí. Sau một thời gian trò chuyện, anh cởi mở hơn và tâm sự về cuộc đời của mình.
Bản thân anh không phải là một người khuyết tật bẩm sinh. Lúc mới sinh ra, cậu bé Nguyễn Bá Khanh cũng khôi ngô, tinh nghịch như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa.
Tai họa bỗng dưng ập xuống khi cậu bé Khanh lên 9 tuổi. Lúc đó, những bước đi của anh thường hay vấp, một thời gian sau việc bước lên các bậc thềm cao “khó hơn lên trời”. Cơ thể anh cũng yếu dần, hai chân bắt đầu teo lại.
Từ đó, anh Khanh luôn phải chống chọi với căn bệnh quái ác. Điều đáng buồn đã xảy ra khi tròn 18 tuổi cũng là lúc anh không thể tự đi trên đôi chân của mình. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ gia đình giúp đỡ. Tương lai bỗng chốc như sụp xuống trước mắt chàng trai trẻ.
Anh Khanh cũng cho biết, căn bệnh này hiện cũng rất hiếm gặp tại Việt Nam. Đông y gọi căn bệnh này là yếu cơ (nhược cơ) còn Tây y lại gọi là Loạn dưỡng cơ tiến triển. Hiện tại, căn bệnh của anh vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.
Bằng đấy năm sống với bệnh tật cũng là khoảng thời gian gia đình đưa anh đến các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện 108, Bạch Mai, Học viện y học cổ truyền trung ương… nhưng đều vô phương cứu chữa. Trong nhà có bao nhiêu vốn liếng và những đồ vật giá trị bố mẹ đều được bán đi để chạy chữa cho anh.
Bố anh Khanh cũng là một công nhân chở than nhưng đã về hưu. Thương con tật nguyền, ông vẫn đi làm thêm để lấy tiền trang trải và mua thuốc chữa bệnh cho Khanh. Từ ngày bố mất, gia đình Khanh lại càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do mẹ cũng tuổi già lại chỉ trông vào mấy sào ruộng.
"Tủi thân" nghĩ là gánh nặng
Anh Khanh ngậm ngùi kể lại, ngày còn bé do không thể tự đi lại nên anh vẫn thường nhờ người thân hay bạn bè cùng lớp chở tới trường.
“Những lúc phải chờ đợi, anh cảm thấy mình quá vô dụng và làm phiền người khác. Nhiều lúc đến trường thấy mọi người chạy nhảy, bản thân mình cũng thấy tủi thân lắm chứ”, anh Khanh tâm sự.
Thậm chí, nhiều thời điểm bệnh nặng, anh Khanh càng tỏ ra buồn chán và nhiều lúc đã muốn buông xuôi tất cả. Tay anh cũng yếu không thể sử dụng được xe lăn như những người khuyết tật khác nên mọi sinh hoạt cá nhân mẹ và anh trai đều phải đảm nhận.
Không ít lần anh Khanh cảm thấy tự ti cho chính số phận của mình. “Không thể tự đi bằng xe lăn, mình làm việc gì cũng cần phải có người giúp đỡ. Nhiều lúc đi lại vấp ngã anh cũng chán nản vì thấy mình vô dụng quá”.
Tuy nhiên, vì thương em ham học nên anh trai của Khanh cũng không quản mưa nắng, ngày ngày đưa anh đến trường đều đặn trong các đợt học tập trung suốt 5 năm.
Bản thân là người khuyết tật nên anh Khanh cũng xác định mình khó có thể tìm được yêu. Nhận thấy sức khỏe của mình không tốt nên chính anh cũng chưa hề có ý nghĩ sẽ tìm một người bạn đời để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.
Nghĩ về bản thân mình, anh cười nhạt rồi nói: “ Người yêu thì mình chưa có. Ở cuộc đời này, mỗi người đến với nhau đều có một cái duyên. Khi duyên đến thì sẽ tự đến. Có cầu cũng không được”.
Trong suy nghĩ của mình, anh Khanh cũng chưa bao giờ nghĩ tới tương lai sẽ có một ngôi nhà hạnh phúc bên người vợ yêu thương của mình. Lý do đơn giản bởi anh không muốn làm ảnh hưởng với người khác khi bản thân sức khỏe ngày càng yếu.
Tuy nhiên, tấm gương người "không chân không tay" Nick Vujicic khiến anh thêm tự tin. Anh thấy rằng trong xã hội vẫn còn chỗ đứng cho những người khuyết tật như mình.
“Câu chuyện tình yêu lãng mạn của Nick cũng giúp mình có thêm động lực để phấn đấu dù cho sức khỏe không được tốt”, anh Khanh chia sẻ.
Khi được hỏi về gương của anh hùng CNTT Nguyễn Công Hùng, ánh mắt anh như rạng rỡ hẳn lên. Đối với anh Khanh, anh Hùng như một người anh và cũng là biểu tượng để cho những người khuyết tật như anh vươn lên.
Câu chuyện tình yêu của anh Nguyễn Công Hùng cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Dù không dám nghĩ tới việc sẽ có người yêu thương nhưng anh luôn khao khát có được một mối tình đầy lãng mạn như thế.
Giấc mơ “Chinh phục Giấc mơ”
Câu chuyện anh kể không chỉ có nước mắt mà ngập ước mơ và hoài bão. Anh Khanh bồi hồi kể lại: “Đó là vào những năm 2007 khi Khanh được biết tới những tâm gương người khuyết tật như anh Công Hùng, anh Thanh và sau đó là gặp những thành viên người khuyết tật Hà Nội đã thay đổi sâu sắc và thổi bùng lên lòng tự tin và đam mê của Khanh..”.
Qua nhiều đêm suy nghĩ với mong muốn có thể thực sự vượt lên được số phận với điều kiện sức khỏe, anh Khanh nghĩ chỉ có con đường hoàn thiện mình. Đó cũng chính là lúc anh quyết tìm đến công nghệ thông tin.
Lúc đó, anh Khanh vô cùng băn khoăn không biết nên học gì và học ở đâu. Tình cờ qua một người bạn, anh đã tìm đến với công nghệ thông tin và tới lớp công nghệ của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông hệ từ xa.
Bản thân anh luôn tự nhủ: “Mỗi đợt tới trường để học và thi đều là một thử thách thực sự với điều kiện sức khỏe của Khanh. Chỉ có ước mơ và sự động viên của gia đình và đặc biệt người anh trai làm đôi chân cho Khanh mỗi khi tới trường đã giúp Khanh đi tới những ngày cuối cùng tốt nghiệp”.
Tưởng như mọi chuyện yên ổn, ai ngờ vào đúng những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp, người bố - trụ cột của cả gia đình lại mất đi qua một cơn bệnh nặng.
Lúc ốm nặng ông cầm tay Khanh và nói: “Nếu bố có mệnh hệ nào, con cũng cố gắng thi nhé. Bố luôn tự nào về con”. Nói tới đây, anh lại rơm rớm nước mắt.
Hiện tại, anh Khanh đang làm trưởng nhóm Người khuyết tật trên Facebook. Tính tới thời điểm này, nhóm đã có hơn 600 thành viên là người khuyết tật. Anh Khanh cùng các thành viên trong nhóm đã lập ra website để hỗ trợ kinh doanh cho những người cùng cảnh ngộ.
Anh Khanh cũng chia sẻ qua VTC News, mong muốn những người khuyết tật có thể biết và tham gia vào các hoạt động của nhóm người khuyết tật tại địa chỉ https://www.facebook.com/groups/307879869261026/ |
Anh Phạm Đức Trường, giáo viên chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Trong lớp, anh Khanh là người có ý thức học tập rất tốt. Khanh thường xuyên trả lời câu hỏi cho các bạn trên lớp. Trong các buổi học, Khanh đều là người đến đúng giờ và rất chăm chú nghe giảng”.
Anh Trường cũng cho biết thêm, dù kết quả học tập của anh Khanh chỉ là loại Khá nhưng so với những người bình thường khác thì kết quả này là một sự nỗ lực rất lớn.
Chia sẻ về ước mơ của mình, anh Khanh cho biết: “Mình mong muốn ra trường có thể tìm được một công việc phù hợp với kiến thức đã học và có thể nuôi sống được bản thân”.
Hiện tại, sau khi hoàn thành tốt nghiệp khóa học với tấm bằng Khá trong tay, anh Khanh đang phát triển mạnh về SEO. Theo anh, với việc làm về SEO, anh tự tin hoàn toàn có thể cạnh tranh được với những lao động đang làm trong lĩnh vực này.
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, hay SEO (viết tắt của search engine optimization) là quá trình tối ưu nội dung text và định dạng website (hay cấu trúc) để các công cụ tìm kiếm chọn lựa trang web phù hợp nhất phục vụ người tìm kiếm trên Internet.
|
Theo Phạm Thịnh
VTC News