Chàng kiến trúc sư trẻ kể chuyện làm nông ở Israel
(Dân trí) - Chính vì sự tò mò, muốn trải nghiệm những thành công của người Do Thái, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa Tăng Phú Dinh, một sinh viên mới tốt nghiệp đến với Israel...
Không được thiên nhiên ban tặng những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ, với vị trí địa lý nằm giữa ba châu lục, đất đai phần lớn là sa mạc và bán sa mạc, bất chấp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, người Do Thái đã dùng bàn tay và khối óc để hô biến chúng thành những trang trại xanh mát với nhiều loại cây trái. Nhờ đó, đến nay Israel đã trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản trên thế giới.
Chính vì sự tò mò và muốn trải nghiệm những thành công của người Do Thái, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa Tăng Phú Dinh, một sinh viên mới tốt nghiệp ngành kiến trúc Đại học Tôn Đức Thắng đến với Israel.
Dinh sang Israel theo chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp khóa 2019-2020 ký kết giữa trường ĐH Nông Lâm TPHCM và Trung tâm Đào tạo Quốc tế Nông nghiệp Ramat Negev Israel và làm việc thực tế tại trang trại Yiftach Efrat - Kadesh Barnea, khu vực sa mạc Negev, miền Trung Israel.
Chàng sinh viên kiến trúc chia sẻ khi vừa đặt chân tới Israel, cậu đã từng nghĩ đến bỏ cuộc và về quách cho xong, nhưng vì cái sĩ diện đã níu kéo cậu ở lại.
Dinh cho biết trước khi đi đã được cha mẹ cảnh báo làm nông nghiệp cực lắm, nhưng vì bản tính ngông cuồng của tuổi trẻ và đầy nhiệt huyết đã khiến cho chàng thanh niên trẻ quyết tâm lên đường, nên phải hạ quyết tâm vượt qua cho được.
Dinh vẫn luôn tự nhủ phải vượt qua chính mình và chính cái tinh thần ấy đã giúp cậu có tư duy mới, lạc quan hơn. Cái gì không học được từ người này thì sẽ học được từ người khác.
“Em xác định học một lần không được thì học 10 lần. Nghe chửi 1 lần không thấm thì nghe chửi chục lần. Không lẽ một cử nhân đại học lại tệ đến mức nghe hoài không hiểu.
Cái ý chí, suy nghĩ tìm tòi học hỏi đã giúp em vượt qua giai đoạn khắc nghiệt trong hơn 11 tháng hoc tập và trải nghiệm làm nông nghiệp tại Israel”, Dinh tâm sự.
Dinh cho hay những trải nghiệm trong hơn 11 tháng qua tuy có khổ cực và vất vả do thời tiết khắc nghiệt nhưng qua đó em đã học và cảm nhận được tinh thần và cách thức làm việc của người Do Thái, luôn dám nghĩ dám làm và tìm tòi sáng tạo để giải quyết mọi vấn đề và không đổ lỗi hay kêu ca mà phải biết vượt qua mọi khó khăn của thực tế.
Để tìm hiểu thêm những gì Dinh kể về cách làm việc của người Do Thái, chúng tôi đã tìm gặp ông Alon giám đốc Trung tâm. Ông cho biết để làm được những thứ như ngày nay tại Negev, ngay sau khi lập quốc năm 1948, các thế hệ người Do Thái đi trước đã đến khai hoang lập nghiệp tại khu vực này và quyết tâm biến những khu vực sa mạc thành những ốc đảo xanh tươi như ngày nay.
Ông cho biết do đất đai cằn cỗi, không có mưa, nên nước được Israel coi là nguồn tài nguyên quốc gia hay còn gọi là “vàng trắng” mà để làm nông nghiệp thì không thể không có nước.
Vì vậy, để có được nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt tại khu vực này mà các thế hệ cha anh của họ đã phải đào sâu xuống lòng đất hơn 1km để lấy nước và xử lý nước biển thành nước ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày.
Ông cho biết thêm để tạo ra màu xanh tươi tốt của các loại cây trái, các nhà khoa học đã nghiên cứu và áp dụng lắp đặt các mạng lưới đường ống dẫn nước, có các ống nhỏ như mao mạch dẫn tới từng gốc cây. Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tự động đóng mở van tưới khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định.
Ngoài ra do điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt, phương pháp lọc nước biển để tạo ra nước ngọt, phương pháp khử mặn cho đất đã được người Israel áp dụng thành công phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của con người.
Một ngày ở nông trại
Trong những ngày hè cũng như đông, Dinh và các bạn phải dậy từ 5 giờ sáng nấu nướng chuẩn bị bữa sáng. Công việc thường ngày bắt đầu từ 6h sáng bao gồm quấn ngọn, bẻ lá hoặc hái cà chua.
Mùa đông thì việc quấn ngọn mất khoảng 1 ngày rưỡi là xong, tuy nhiên mùa nóng cà chua lớn nhanh nên quấn ngọn lâu hơn và trái cũng ra nhiều hơn. Sau khi thu hoạch xong cà chua sẽ được chuyển lên xe đưa đến khu đóng gói.
Tại đây cà chua sẽ được sàng lọc những quả ngon dành cho xuất khẩu số còn lại để bán trong nước. Trung bình chủ trang trại bán ra khoảng 10 shekels/1 kg cà chua.
Mỗi ngày Dinh và các bạn thu hoạch được khoảng 35-38 thùng cà chua, mỗi thùng nặng khoảng 2.5kg trong thời gian làm việc khoảng 10-11 tiếng.
“Thường thì vào mùa đông các bạn được nghỉ khoảng 1 tiếng để ăn trưa và có thể chợp mắt ít phút. Mùa hè do thời tiết nóng nực và nhiệt độ làm việc trong khu nhà lưới có khi lên tới 45-50 độ, nên mọi người được nghỉ khoảng 3 tiếng để tranh thủ ăn uống và lấy lại sức làm việc.” Dinh nói.
“Hiện thu nhập trung bình mỗi tháng của em ở đây khoảng 4.000-5.000 Shekels. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt và học phí em dành dụm được khoảng hơn 3.000 Shekels/tháng (20 triệu VNĐ). Tháng nào mà làm nhiều ngày công thì dành được khoảng 4.000 Shekels (27 triệu VNĐ)”.
Do thời gian này thời tiết nóng nực, cũng là thời gian cuối mùa vụ của cà chua, chủ trang trại bảo rằng tụi tao cũng tính toán cả rồi, nóng thế này cây không có thể phát triển và cho năng suất tốt được nên tốt nhất là dọn dẹp để chuẩn bị cuối mùa hè thì trồng lứa mới. Thời gian dọn nông trại hằng năm kéo dài từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7.
Dinh tâm sự: “Bình thường giữa tháng 6 là các bạn sinh viên kết thúc chương trình thực tập sinh ở đây và trở về Việt Nam rồi. Nhưng năm nay, do dịch Covid-19 nên các bạn được ở lại và hưởng trọn tất cả quá trình dọn dẹp nông trại.
Dọn dẹp nông trại chỉ 2 chữ nghe rất đơn giản nhưng thật sự là rất mệt. Để vượt qua được khoảng thời gian này, mình phải chiến thắng được suy nghĩ của bản thân, tìm kiếm những điều thú vị của công việc và coi đây là cơ hội để thử thách thể chất lẫn tinh thần của bản thân.”
Dinh cho biết quá trình dọn nông trại là một quá trình kéo dài bắt đầu từ việc nhổ bỏ lứa cây cũ, xử lý đất, tháo dỡ mái và tổng vệ sinh. Công việc đòi hỏi tính nhanh nhẹn, tháo vát, thêm chút khéo léo khi leo mái, phải đi giữa máng nhôm cao 4-5m bạn sẽ hiểu đôi chân cần khéo léo như thế nào.
Công việc đầu tiên, nhổ những cây cà chua cũ đi, trong đó có các gốc cà chua bị bệnh, gây hại cho đất và có khả năng sinh sôi vào mùa tiếp theo thì chủ nông trại sẽ cắt gốc những cây đó và xử lý đất bằng dung dịch gì đó, có khả năng ngấm sâu xuống đất tận 25cm, y như dân gian Việt Nam có câu, diệt cỏ diệt tận gốc vậy.
Và ông chủ dùng một bảng giấy treo đầu hàng để đánh dấu, sang năm xem lại coi việc này hiệu quả đến đâu để điều chỉnh tiếp.
“Sau khi nhổ bỏ cây cũ thì sẽ bắt đầu dọn những gì còn sót lại trên mặt đất, tiếp theo là đến màn trình diễn ấn tượng nhất đó là công đoạn rải phân.
Công việc huyền thoại mà em lần đầu tiên được chứng kiến, một xe tải to đùng chở mẻ phân compost sau khi được ủ và xử lý đến đổ một đống to ngay trước nông trại.
Mùi phân được xử lý thế nào mà như mùi sầu riêng thối, nó kinh khủng khiến mấy thằng tụi em lúc đó chỉ biết đứng nhìn nhau, trong khi ông chủ kêu tụi em vác từng thùng phân đi rải để ủ đất, chuẩn bị cho mùa vụ mới”, Dinh nói.
Dinh trải lòng: “Ai làm nông rồi thì biết, phân được ủ thường nóng đến 60 độ C, kết hợp với cái nóng của sa mạc ngày hè, mình tưởng tượng như được hưởng trọn sự khó khăn của vùng đất này thông qua việc vác phân luôn.
Lúc đó có lúc mình còn nghĩ, biết thế ở nhà là một chàng trai kiến trúc sư mảnh dẻ đi vẽ những ngôi nhà cao cao, xây những khu phố cao cao có phải hạnh phúc hơn không.
Nhưng mình đã kịp thoát khỏi suy nghĩ đó và cắn răng tự dặn lòng rằng "đau đớn để trưởng thành, căng thẳng để lớn mạnh", nhờ đó mà hùng hục làm đến lúc về, người lấm lem, phân dính đầy lên quanh mắt, cổ, tai dù đã có trùm khăn các kiểu rồi.
Vai mình ê ẩm do lần đầu phải khuân vác suốt 8 tiếng đồng hồ. Mình chỉ kịp tắm rửa nấu ăn cho ngày hôm sau rồi leo lên giường đi ngủ để phục hồi năng lượng cho một ngày làm việc mới”.
Dinh nói: “Dù mệt là vậy nhưng đây cũng là thời gian em và các bạn có cơ hội gặp ông chủ nhiều nhất, vì thời điểm này ông chủ phải ra vào nông trại liên tục để kiểm tra tiến độ và hiệu quả công việc.
Bọn em luôn tận dụng cơ hội này hỏi những thắc mắc và được ông trả lời rõ ràng ngay lúc đó. Quan điểm sang đây là phải chủ động học hỏi, nếu không hỏi thì người ta không biết mình dốt để mà chỉ, vậy là tụi em hỏi tới tấp, ông chủ trả lời mệt nghỉ luôn, nhưng vẫn rất nhiệt tình, thỉnh thoảng còn chỉ thêm mấy thứ hay ho khác nữa.
Ông bảo, tụi bay hiếu học, chủ động hỏi vậy là tao ưng. Vậy là ông cho thử đủ việc, quay như chong chóng nhưng mọi người vẫn vui vẻ thích thú vì đều suy nghĩ tích cực, xem đây là cơ hội để học hỏi những kinh nghiệm quý báu mà chắc sẽ rất rất khó có thể có lại được”.
Dinh nói vui nhờ dịch Covid-19 mà em được ở lại Israel lâu hơn, được dọn trang trại từ đầu đến cuối và được trải qua kỳ huấn luyện khắc nghiệt của ông chủ lẫn của thời tiết tại Israel.
Thông qua việc dọn nông trại, em lại nhớ đến câu chuyện ông thợ tiều phu có 5 tiếng để chặt cây thì dùng 4 tiếng để mài rìu. Việc dọn nông trại, ủ đất cũng tương tự vậy, phải làm cẩn thận vì ảnh hưởng đến năng suất của cả năm sau.
Sau mùa dọn nông trại, em thấy bản thân mình đã được nâng lên một tầm cao mới, về cả thể chất lẫn tinh thần và cả những điều hay ho mà ông chủ đã chỉ dạy trực tiếp.
Giờ đây chương trình tu nghiệp sinh đã gần kết thúc, Dinh cùng các bạn đang mong diễn biến của dịch bệnh Covid-19 sẽ theo hướng tích cực để có thể về nước hoàn thành việc học và tiếp tục giấc mơ nông nghiệp của mình.