Chấm dứt “tiến sĩ tại gia”

Không đi sâu vào phân tích thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, anh Nguyễn Huy Bích, nghiên cứu sinh Trường ĐH Đài Loan đề xuất bốn phương cách để “giải quyết một cách căn bản trong đào tạo tiến sỹ theo luật của sân chơi toàn cầu”. Dưới đây là bài viết của anh.

Người học là nạn nhân của lỗi hệ thống

 

Thông qua báo chí trong nước, tôi được biết nhiều thông tin về thực trạng đào tạo tiến sỹ (TS) ở ta, đa phần nêu bất cập. Tôi cho rằng thực lực không hẳn như vậy. Chúng ta đã đào tạo được nhiều TS có năng lực thực sự. Nhiều đề tài có chất lượng và đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, có tầm vóc quốc tế.

 

Nhưng cũng còn không ít TS không có công trình nghiên cứu nào trong thời gian dài, không viết nổi một bài báo theo tiêu chuẩn quốc tế, không cập nhật được những  nội dung thay đổi đến chóng mặt của lĩnh vực mình nghiên cứu, không đủ năng lực về chuyên môn và ngoại ngữ cần thiết để tham gia các hội thảo và diễn đàn quốc tế v.v...

 

Lỗi của thực trạng này không phải ở người học mà ở hệ thống đào tạo. Người học đã trở thành nạn nhân.

 

Một điều đơn giản: cũng những con người đó nhưng khi được đào tạo tại ĐH nước ngoài, đều đủ khả năng học vấn và năng lực để theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

 

Điều chính yếu là cần nhìn nhận, mổ xẻ và thảo luận cách thức đào tạo lâu nay. Từ đó, có phương cách giải quyết một cách căn bản trong đào tạo tiến sỹ theo luật của sân chơi toàn cầu.

 

Chấm dứt “tiến sĩ tại nhà”

 

Điều đầu tiên cần cải cách triệt để. Đó là không có kiểu TS “tại cơ quan hay tại nhà” mà bắt buộc phải đến cơ sở đào tạo, vào phòng nghiên cứu hoặc phòng lab để tổ chức và thực hiện nghiêm túc nghiên cứu của mình cùng với giáo sư hướng dẫn.

 

Ít nhất hàng tháng, phải báo cáo kết quả nghiên cứu của mình và kế hoạch tiếp theo trước các NCS cùng bộ môn và giáo sư hướng dẫn. Sau hai năm thực tập nghiên cứu, tiến hành tổ chức sát hạch khả năng của NCS và hướng nghiên cứu có phù hợp hay cần điều chỉnh bởi hội đồng giáo sư đúng chuyên môn của NCS.

 

Yêu cầu bắt buộc là NCS phải công bố và đăng đuợc ít nhất hai bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trên thế giới có uy tín, có thể trước mắt là các tạp chí trong khu vực. Việc làm này có ý nghĩa như là sự phản biện,  kết quả nghiên cứu là mới, không copy, có tính khoa học và đã được thẩm định bởi hội đồng nhận định, bao gồm nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới. Đồng thời, qua đó, khẳng định được trình độ TS của ta theo chuẩn mực chung.

 

Sau khi hoàn thành được những yêu cầu thực chất như trên, NCS chỉ cần bảo vệ công trình nghiên cứu lần cuối của mình và việc bảo vệ không nặng nề khó khăn vì kết quả đã được thẩm định.

 

Như vậy, rõ ràng thời gian đào tạo hoàn toàn do người học tự quyết định, không nhất thiết phải bao nhiêu năm mà lâu nay vẫn ấn định cụ thể (như một mệnh lệnh hành chính và thiếu căn cứ khoa học).

 

Mời nhà khoa học Việt kiều

 

Thứ hai, kêu gọi và tạo mọi điều kiện có thể có để mời các nhà khoa học Việt kiều về chung sức xây dựng ĐH nước nhà. Ngày nay, trong thế giới hiện đại, bằng công nghệ internet, không mấy khó khăn để liên lạc được với các nhà khoa học Việt kiều.

 

Bác Hồ đã rất thành công trong việc kêu gọi trí thức nước ngoài về nước kháng chiến và xây dựng tổ quốc trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Tại sao trong điều kiện thuận lợi như hiện nay, chúng ta chưa làm được điều này? Phải chăng khoảng cách đối xử, sự tin tưởng lẫn nhau và cái tâm xây dựng nước Việt vẫn chưa được nhìn nhận và thông hiểu?

 

ĐH tự kiếm nguồn thu

 

ĐH phải hoạt động chủ yếu bằng nguồn thu học phí và các dịch vụ khoa học công nghệ, bằng việc thực hiện các dự án của quốc gia… Kinh phí quốc gia chỉ đầu tư hạ tầng và các vấn đề khoa học công nghệ ưu tiên phát triển.

 

Hiện nay, phúc lợi mà quốc gia chia sẻ cho hưởng thụ giáo dục đối với mọi người là như nhau. Đây là điều bất hợp lý. Vì vậy, mỗi ĐH tự đề ra mức học phí cụ thể cho trường mình đủ để đào tạo và phát triển, và nhà nước chỉ quản lý bằng mức trần tối đa cho phép và phù hợp từng giai đoạn.

 

Điều này sẽ thúc đẩy các đại học phát triển và cạnh tranh để có nhiều SV theo học bởi một điều đơn giản là người học phải suy nghĩ lựa chọn trường để tương xứng với học phí mà mình đã bỏ ra. Vấn đề hệ lụy của chính sách này là giải quyết như thế nào đối với nhiều SV con em các gia đình nghèo và khó khăn?

 

Nếu dùng kinh phí hàng năm đang cấp phát bình quân cho các trường theo số đầu SV như hiện nay để cấp phát trực tiếp cho SV theo từng hoàn cảnh và khả năng học tập, chúng ta sẽ khắc phục được sự phân phối cào bằng, khắc phục được tư tưởng ỷ lại và không cần cạnh tranh phát triển. Người có thu nhập cao sẽ phải tự trang trải kinh phí học tập, đồng thời tạo động lực để sinh viên phải học nghiêm túc và giỏi….nhằm đạt được kinh phí do nhà nước cấp.

 

Dùng giáo trình tiến tiến sẵn có

 

Nên sử dụng ngay giáo trình của các ĐH hàng đầu thế giới đang giảng dạy, đặc biệt là giáo trình cơ bản và cơ sở đối với khoa học công nghệ bằng tiếng Anh. Chúng ta viết rất nhiều giáo trình nhưng không có gì mới và tốn kém nhưng thiếu hiệu quả, đồng thời tạo tiền lệ cho cả thầy lẫn trò không chịu khó học tiếng Anh dùng cho chính chuyên môn của mình. Khi học sau ĐH ở nước ngoài, nhược điểm này bộc lộ khá rõ ở SV, tạo nên khó khăn và hạn chế rất lớn trong tiếp thu và tranh luận chuyên môn.

 

Biên giới quốc gia không tồn tại hoặc tồn tại rất ít đối với khoa học và công nghệ. Và tiếng Anh không còn là ngôn ngữ riêng của người Anh mà là tiếng nói chung của khoa học và công nghệ, của các diễn đàn toàn cầu về khoa học - công nghệ. Vì vậy, dùng giáo trình tiếng Anh để giảng dạy sẽ mang lại nhiều lợi ích.

 

Nguyễn Huy Bích
(Nghiên cứu sinh, National Central University, Đài Loan)

 

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm