Cậu thủ khoa sắp mất đi... đôi mắt

Nếu biết rằng, một mắt của Long đã hỏng, một mắt thị lực chỉ còn 2/10, hẳn không nhiều người dám tin là cậu học sinh nghèo này lại có một bảng thành tích xuất sắc đến thế. Long là học sinh giỏi 12 năm liền, thủ khoa ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QGHN) năm 2007.

3 lần phẫu thuật hỏng

 

Nguyễn Tiến Long sinh năm 1988 ở Thường Tín, Hà Tây. Từ khi sinh ra, mắt của Long đã rất yếu. Bạn bị hiếng và thị lực 2 mắt chỉ có 2/10. Nhà khó khăn, không có tiền để chạy chữa. Bố Long làm bộ đội, mẹ nội trợ.

 

Cô Đông - mẹ cậu ấy phải rứt ruột để đứa con chưa đầy tuổi ở nhà, lặn lội đi xuất khẩu lao động, mong kiếm được chút ít tiền về chữa bệnh cho con. Năm 1994 cô về, đem Long đi phẫu thuật lần đầu tiên.

 

Hai mẹ con cứ ăn trực nằm chờ trong viện Mắt trung ương mấy tháng giời. Người mẹ cứ sáng cõng đứa con 6 tuổi vào khám, chiều lại cõng con ra ngoài thuê giường để hai mẹ con ngủ qua đêm. Mắt trái của Long được mổ, nhưng vẫn không khá lên chút nào.

 

Lần thứ 2 phẫu thuật, các bác sĩ vẫn bó tay. Mắt trái của cậu ấy hỏng hẳn. Cô Đông kể: “Hồi mới phẫu thuật về, mắt nó cứ yếu dần, mà nó giấu cô, bảo con nhìn rõ hơn. Cô thử giơ tay, bắt nó đoán có mấy ngón, nó toàn đoán trật, cô thương con ứa nước mắt”.

 

Lần thứ 3, năm 2002, làm xong hết các thủ tục phẫu thuật thì bác sĩ khuyên, nếu mổ nữa, mắt phải của Long có thể sẽ hỏng nốt. Cô Đông lại nuốt nước mắt bế con về, sợ nhỡ may con mình mù hẳn thì không biết làm sao. Thôi thì nó nhìn được đến đâu thì nhìn, nhưng còn là người mắt sáng.

 

Hai mẹ con lại đọc được ở đâu đấy, muốn chữa được mắt phải sang tận nước ngoài, chi phí đến cả tỷ đồng. Nghe thế thì mất hẳn hy vọng chữa bệnh cho Long. Nhà khó khăn vậy, sống còn chật vật, mong gì đến việc có một số tiền khổng lồ thế để phẫu thuật. Đành cứ ở nhà, mòn mỏi chờ có người hiến mắt. Và người mẹ thì cứ lo thắt ruột gan không biết khi nào con mình mù hẳn.

 

Từ hồi lớp 10, Long lên Hà Nội học rồi ở cùng với bố trong một căn phòng trọ tạm bợ, cũ nát ở tận Cổ Nhuế. Hồi mới thuê, cái phòng ấy có giá 150 000đ. Bây giờ đã tăng lên thành 250 000đ. Bố cậu làm thêm bằng nghề nặn tượng thạch cao, rồi chăm cho Long luôn. Mẹ vẫn phải ở nhà ở Thường Tín, Hà Tây để chăm ông bà, trông nhà cửa. Lâu lâu cô lại tất tả lên thăm con.

 

Hồi học cấp 3 ở Nguyễn Tất Thành thì còn đỡ. Chứ lên đại học, học ở tận Thanh Xuân, ngày nào Long cũng phải ngồi trên xe buýt 40 phút để đến trường. Mới đi thì sợ, nhưng giờ thì “Tớ quen lắm rồi. Chỉ ngại xe đông, chen chúc, mà mình nhìn không rõ, đụng người này người kia thì cũng phiền cho họ”.

 

Bạn đọc có thể chia sẻ và giúp đỡ cho Long về tinh thần, vật chất, xin được gửi về Nguyễn Tiến Long, lớp Cử nhân tài năng ngành Vật lý khóa 11, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

 

Hoặc bà Bùi Thị Phương Đông (mẹ Long), khu tập thể trường Cao đẳng truyền hình Thường Tín, Hà Tây - ĐT: 034 3853832.

Bảng thành tích đáng “nể phục”

 

Đôi mắt yếu khiến Long phải đi học muộn một năm vì mọi người ở nhà sợ cậu không học nổi. Nhưng thực sự, đôi mắt ấy chưa bao giờ khiến Long bi quan, nhụt chí mà bỏ bê học hành. Thành tích của bạn thì khiến bất cứ ai cũng phải nể phục.

 

12 năm liền, Long đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Tốt nghiệp với số điểm rất cao, sau đó Long cùng lúc thi đỗ 2 trường, Học viện Y học cổ truyền (hơn 26 điểm) và ĐH Khoa học tự nhiên (1 trong 4 thủ khoa - 28,5 điểm).

 

Giờ thì Long đang là một trong 12 SV của lớp Tài năng, trường ĐH Khoa học tự nhiên. Học kì 1, cậu ấy nằm trong top 3 của lớp. Và thậm chí, Long còn nuôi cả ước mơ giành học bổng của trường để đi du học. Cậu ấy vẫn ngày ngày đi học thêm tiếng Anh.

 

Cậu thủ khoa sắp mất đi... đôi mắt  - 1
 Mỗi khi đọc hay viết bài, Long đều phải ghé sát mặt gần quyển vở thì mới có thể nhìn mờ mờ.

 

Long nói đơn giản lắm về việc học của mình: “Tớ cứ nắm chắc kiến thức thầy cô giảng thôi nên lúc đi thi thấy cũng tự tin lắm”. Nhưng để có được cái sự tự tin ấy, người ta cố một thì Long phải cố gấp hàng chục lần. Tới lớp, cậu ấy không thể nhìn lên bảng mà chỉ có thể ngồi nghe thầy cô giảng. Chép bài không kịp, Long thường phải mượn vở bạn sau mỗi buổi học để chép lại. Để nắm được bài học, bạn phải thức cả đêm hôm trước để đọc trước giáo trình, làm trước bài tập.

 

Mẹ Long xót xa kể lại thời khóa biểu một ngày của cậu: “Đi học cả ngày về, nó ăn uống rồi đi ngủ một lúc vì mắt mệt quá. Để đồng hồ 11h đêm dậy rồi thức cả đêm để học. Sáng hôm sau, ra đánh răng rửa mặt, gội đầu cho đỡ đau rồi gần 6h đã có mặt ở bến xe buýt để đi lên trường.”

 

Hàng bao nhiêu năm nay, Long đều học kiểu như thế, để bù đắp cho cái khiếm khuyết về đôi mắt. Dù cả cậu ấy lẫn bố mẹ đều biết rằng thức cả đêm, cứ cắm đầu vào quyển sách như thế là cách nhanh nhất khiến thị lực của cậu yếu đi.

 

“Nhưng chừng nào còn nhìn thấy, dù chút ít thôi thì tớ cũng muốn học, để sau này không phải hối tiếc. Hơn nữa, xung quanh mình toàn những bạn học rất giỏi, họ là động lực để tớ cố gắng”.

 

Mẹ xót con, có hôm cậu đi ngủ, cô lén tắt chuông báo thức để cho Long ngủ cố thêm được 1 lúc, tới 1.30 đêm mới gọi Long dậy. Cậu ấy cáu rồi giận mẹ mãi, vì chừng ấy thời gian đến sáng thì không đủ để Long học hết bài.” Những lần sau, người mẹ đành nuốt nước mắt trằn trọc cả đêm nhìn con chong đèn học.

 

Lạc quan không thể dập tắt

 

Khi đến gặp Long, tôi hình dung về cậu ấy rất khác. Hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như thế, hẳn Long sẽ chững chạc, ít nói, ngại tiếp xúc. Nhưng tôi đã hoàn toàn nhầm. Long là một người bạn đặc biệt lạc quan, cậu ấy cười nói vui vẻ. Mẹ ngồi kể chuyện con học hành vất vả, mắt rơm rớm, Long toàn cười gạt đi: “Mẹ cứ nói quá, làm gì đến nỗi thế”, rồi “Đâu mà mẹ, con vẫn bình thường mà”. Mẹ mỗi lần lên thăm con, cứ cố mua mấy đồ ăn ngon ngon để Long bồi dưỡng, cậu ấy trêu: “Mỗi lần lên, mẹ toàn nhồi cho mình”.

 

Long luôn cố gắng hết sức để mình hòa đồng với mọi người, để có thể sống và học tập một cách bình thường nhất. “Gặp tớ ở ngoài, bạn sẽ chỉ nghĩ là tớ bị cận thôi, chứ không biết là mắt tớ bị nặng thế đâu. Vì tớ luôn cố gắng có thể tự làm mọi thứ như những người bình thường khác”.

 

Long tự làm mọi thứ, từ tự đi xe buýt đến trường, có thể tự nấu ăn cho 2 bố con, vẫn học cả môn Tin học và Thể dục dù thực sự hai môn này là khó khăn lớn nhất của cậu ấy. Luôn hòa đồng, trò chuyện vui vẻ với mọi người ở trong lớp. Thậm chí, bạn còn tham gia cả hoạt động tình nguyện.

 

Quyển học bạ từ hồi tiểu học đến giờ, các cô giáo toàn nhận xét Long dí dỏm, thông minh. Có lẽ sự lạc quan đặc biệt và nghị lực rất lớn đã giúp cậu ấy có thể cố gắng trong một quãng thời gian dài như vậy. Long đang theo ngành Quang học, cậu bảo: “Tớ muốn học ngành này vì muốn tìm ra lối thoát cho cái mắt của tớ và những người như tớ”.

 

Tới hè, mẹ sẽ đưa Long đi khám lại vì dạo này, mắt Long ngày càng yếu, ngồi đọc sách 15 phút là đầu cậu lại bị đau. Nhưng khám là khám thế thôi, chứ không biết kiếm đâu ra tiền để làm phẫu thuật cho cậu…

 

Theo Xuân Lê
Kênh 14.vn