Cậu bé khiếm thị tặng tranh Phu nhân Thủ tướng Nhật

Khi phu nhân Thủ tướng Nhật đến thăm trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc dịp APEC, bà đã được một em học sinh khiếm thị tặng một bức tranh đặc biệt. Bức tranh đã khiến bà vô cùng xúc động.

Đó là một bức tranh giản dị được vẽ bằng sáp màu trên nền giấy trắng. Trong tranh là cảnh hai em bé đang dắt tay nhau. Bé trai mặc chiếc áo sơ mi màu đỏ, trên ngực có hình sao vàng - tượng trưng cho Việt Nam. Bé gái mặc chiếc áo màu trắng, bên ngực có hình tròn màu đỏ - tượng trưng cho Nhật Bản.

 

Bức tranh đơn giản, nhưng rất có hồn. Tác giả bức vẽ là cậu học sinh khiếm thị Đào Thanh Tuyền.

 

Tuyền mới nhập trường được 3 năm, trong đó mất một năm học dự bị. Năm học dự bị đó, các em được trang bị đầy đủ các kiến thức giúp người khiếm thị có thể “tự thân vận động” mà không cần tới sự trợ giúp của ai, chẳng hạn như học cách định hướng, biết được khi nào đi tới chỗ trống, cửa lớp…

 

Tuyền kể, em bị cận bẩm sinh và vẫn có thể đi học bình thường với các bạn khác. Tới  năm em 8 tuổi thì bị bong võng mạc và không thể nhìn thấy vĩnh viễn. Sau khi chạy chữa các nơi không được, gia đình rất tuyệt vọng. Từ khi biết có trường dành cho người khiếm thị, gia đình đã tới đây xin cho Tuyền được đi học. Đến bây giờ, Tuyền đã tự tin rất nhiều và em rất thích tham gia các hoạt động nghệ thuật như vẽ, đàn, hát…

 

Nhận xét về Tuyền, thầy Hiệu trưởng Phạm Hữu Quỳ cho biết: “Tuyền hiện đang  học lớp 3, em bị mù khi đang học bình thường. Vì thế, Tuyền thường buồn và mặc cảm hơn những học sinh khác. Khi mới vào trường, em rất trầm, ít tham gia các hoạt động chung. Hiện Tuyền rất tích cực tham gia học vẽ, đàn, vi tính dành cho người khiếm thị và học rất chăm chỉ, đặc biệt em có khiếu vẽ.Tuyền là một học sinh ngoan và gương mẫu, luôn tuân thủ mọi nội quy của nhà trường”.

 

Năm 2005, Tuyền là một trong  bảy học sinh của trường được chọn đi giao lưu hội họa tại Thụy Điển. Tại đó, các em đã  có 3 cuộc triển lãm tranh. Các em vẽ rất nhiều tranh và  có vinh dự được tiếp kiến và tặng tranh Hoàng hậu Thụy Điển.

 

Hoàng hậu đã ân cần hỏi chuyện từng em và hỏi các em đã làm thế nào có thể vẽ được những bức tranh đó khi không trông thấy gì cả. Nghe xong những câu chuyện vẽ tranh của các em, Hoàng hậu rất thán phục và cảm động. Hoàng hậu nói: “Người bình thường vẽ tranh đã khó, các em cũng có thể vẽ tranh, quả là  phi thường”.

 

Chuyến đi đó đã để lại cho Tuyền và các thành viên trong đoàn những kỷ niệm khó quên vì được giao lưu với các anh chị học sinh trung học của Thụy Điển, được các anh chị dắt đi chơi phố, ra bãi biển nghe sóng vỗ rì rào…

 

Tuyền bồi hồi nhớ lại: “Em không bao giờ dám mơ rằng một người mù như em lại có thể được chu du ở xứ xở Bắc Âu xa xôi đến vậy. Mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng em có thể cảm nhận được qua âm thanh và những lời mô tả của các anh chị”.

 

Có một câu chuyện vui mà các thầy cô vẫn còn nhớ khi nói về Tuyền. Đó là em rất thích vẽ trâu và vẽ rất nhiều. Các chú trâu mà Tuyền vẽ khá giống, nhưng chú trâu nào cũng… gầy. Mọi người cứ nói vui rằng, trâu của Tuyền trông giống như con chó mọc sừng. Mỗi khi nhận được lời nhận xét đó, Tuyền cười cười và bảo lần sau sẽ rút kinh nghiệm, nhưng rút cục, trâu vẫn… không thể béo ra được.

 

Ngoài việc tham gia các lớp học vẽ năng khiếu vào các buổi chiều thứ 6 hàng tuần, Tuyền cũng tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức như các liên hoan ca múa nhạc hay các ngày hội. Tại các ngày hội đó, bao giờ các bạn cũng có tranh vẽ để triển lãm và bán. Tranh của Tuyền và các bạn cũng bán được kha khá, phần vì người ta muốn ủng hộ các em, phần vì thấy là lạ. Có bức tranh bán được 5 triệu đồng.

 

Có lẽ trường Nguyễn Đình Chiểu là trường học đầu tiên của Việt Nam có phương pháp dạy vẽ cho học sinh khiếm thị. Các thầy cô giáo của trường cũng đã mày mò, thử nghiệm nhiều  phương pháp và cuối cùng đã nghĩ ra phương pháp vẽ dùng lưới chắn. Ngoài giờ học trên lớp, các em cũng có những tiết ngoại khóa. Khi vào Văn Miếu- Quốc Tử Giám tham quan, các em được sờ đầu rùa đội bia tiến sỹ rồi vẽ lại rất ngộ nghĩnh.

 

Thầy Quỳ cho biết, hiện Tuyền còn 6 năm học tại trường, sau đó em cũng như tất cả các em sẽ phải tự ra đời bươn chải. Thầy hy vọng sẽ tiếp tục phát hiện ra những khả năng đặc biệt của Tuyền.

 

Song điều thầy băn khoăn nhất vẫn là vấn đề hướng nghiệp cho học sinh khiếm thị nói chung để sau này ra trường, các em có nghề để sống, bởi một người khiếm thị rất khó có thể xin việc làm.

 

Hiện nay, trường đang có dự án phối hợp với làng gốm Bát Tràng để mở lớp học. Còn Tuyền, cậu vẫn khát khao một ngày nào đó được nhìn thấy ánh sáng. 

 

Theo Lan Anh
Tiền Phong