Cảnh giác với thông tin “nhiễu” về đề thi tốt nghiệp THPT
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng các bậc phụ huynh có con em đi thi và các thí sinh không nên dễ tin vào tin đồn lộ đề thi tốt nghiệp THPT, mà nên tập trung vào làm bài thi nghiêm túc.
Dưới đây là toàn bộ nội dung bài viết của TS. Nguyễn Vinh Hiển về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010, diễn ra từ 2-4/6 sắp tới, với 1,1 triệu thí sinh tham dự.
Không nhất thiết phải tổ chức thi theo cụm ở vùng khó khăn
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là công việc thường niên. Tuy nhiên, để kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, hàng năm ngoài việc giữ ổn định căn bản quy chế thi, ngành giáo dục và đào tạo vẫn phải có một số thay đổi cho phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 sẽ có một số điểm mới, trong đó, điểm đáng chú ý là vấn đề tổ chức thi theo cụm trường: vùng khó khăn được lựa chọn phương án tổ chức thi, không nhất thiết phải tổ chức thi theo cụm.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo quyết định điều chỉnh những quy định không lớn về kỳ thi năm nay là vì muốn tạo thuận lợi cho thí sinh.
Mục tiêu thi theo cụm nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, quay cóp bài, thực hiện kỳ thi an toàn, nghiêm túc nhưng quá trình triển khai phương án này cũng gặp phải một số hạn chế, nhất là thí sinh ở những vùng khó khăn. Vì vậy, kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường tiếp tục tăng cường phối hợp các lực lượng của địa phương để giúp học sinh thuận tiện, an toàn trong việc đi lại, sinh hoạt trong những ngày thi.
Đối với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, sở giáo dục và đào tạo được lựa chọn phương án tổ chức thi (có thể một trường là một hội đồng thi) và báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản.
Mặt khác, các cụm trường không xếp danh sách thí sinh theo ban như năm 2009, mà trong mỗi cụm trường, thí sinh trước hết được sắp xếp theo môn thi Ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có), sau đó theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh.
Điều chỉnh quy chế nhằm nâng cao quyền lợi cho thí sinh
Đề thi và điều kiện phúc khảo thi năm nay cũng cởi mở hơn. Trong đề thi, nếu có phần riêng (tự chọn), thí sinh được phép chọn một trong hai phần tự chọn. Riêng môn thi ngoại ngữ, nếu học sinh không được học hết chương trình hoặc có khó khăn thực tế trong quá trình học tập thì có thể chọn thi môn thay thế. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh trong khi ở một số trường còn chưa đủ điều kiện về giáo viên, thiết bị dạy học... ngoại ngữ hoặc một số học sinh là người dân tộc thiểu số có khó khăn nhất định trong học ngoại ngữ.
Sau khi các địa phương công bố kết quả, thí sinh được phép phúc khảo bài thi, nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ một điểm trở lên (trước đây là hai điểm trở lên).
Các thí sinh sẽ được nâng điểm bài thi nếu chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ một điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác.
Một số thay đổi nhỏ về công tác tổ chức thi
Nếu như năm 2009, quy chế thi chỉ quy định giám thị không được mang theo và sử dụng phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang tiến hành thì năm nay quy định này áp dụng đối với tất cả mọi người tham gia tổ chức thi.
Để đảm bảo sự nghiêm túc và ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra trong kỳ thi, công tác thanh tra luôn được coi trọng. Tuy nhiên, việc tổ chức lực lượng thanh tra ủy quyền với số lượng lớn được huy động vào thời điểm cuối năm học khiến cho các trường không thể bảo đảm chất lượng cán bộ được cử.
Hơn nữa, trong một hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, có hai đoàn thanh tra (Sở và Bộ) cùng thực hiện nhiệm vụ giống nhau tạo ra sự cồng kềnh về tổ chức, không nâng cao được trách nhiệm trong thanh tra.
Kỳ thi năm nay, mặc dù giảm số lượng thanh tra điều động từ các trường đại học, cao đẳng, nhưng với việc bố trí thành các đoàn thanh tra lưu động phối hợp với lực lượng thanh tra thi tại chỗ của các sở giáo dục và đào tạo được tăng cường hơn năm trước thì hiệu quả thanh tra sẽ cao hơn.
Mặt khác, số lượng điều động ít hơn thì các trường đại học, cao đẳng sẽ dễ dàng lựa chọn được những cán bộ tốt, có nhiều kinh nghiệm để tham gia công tác thanh tra.
Bên cạnh đó, quy chế thi quy định trách nhiệm cụ thể của giám thị trong phòng thi, giám sát phòng thi, đồng thời mức kỷ luật khi không hoàn thành nhiệm vụ. Việc tăng cường thanh tra lưu động cùng với hoạt động của thanh tra sở giáo dục và đào tạo cũng là những yếu tố đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi.
Ở một khía cạnh khác, sau ba năm triển khai cuộc vận động “hai không,” với việc siết chặt kỷ luật trường thi và xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, ý thức học sinh đã được nâng cao.
Cảnh giác với những thông tin “nhiễu” về đề thi
Việc nhiễu thông tin, nhất là thông tin cho rằng đề thi bị lộ trước khi thi là một thực tế diễn ra trong nhiều năm gần đây, làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức, chỉ đạo kỳ thi, đặc biệt là gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương luôn thực hiện các biện pháp bảo mật một cách nghiêm túc, với sự phối hợp của lực lượng an ninh, đúng theo quy chế. Vì vậy, không thể có chuyện lộ đề thi. Các bậc phụ huynh có con em đi thi và các thí sinh không nên dễ tin vào các tin đồn mà nên tập trung vào làm bài thi nghiêm túc.
Mặt khác, bất cứ ai nếu phát hiện những cá nhân, tổ chức đưa các thông tin sai lệch về đề thi cần báo với cơ quan chức năng để xử lí nghiêm theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, các phóng viên hết sức thận trọng khi đăng tải các thông tin này; tốt nhất nên trao đổi kỹ với các cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin liên quan đến đề thi (lộ đề, đề có sai sót).
Để kiểm tra đúng kiến thức và sự hiểu biết vấn đề của thí sinh, ngay trong năm học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng “mở,” coi trọng khả năng vận dụng kiến thức, tránh yêu cầu học vẹt, nhớ nhiều kiến thức, sự kiện một cách máy móc; các nhà trường ôn tập để học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng, tâm thế tốt trước khi bước vào kỳ thi.
Đề thi, đáp án và thang điểm đảm bảo tính khoa học, năng lực và trách nhiệm của người chấm thi là những yếu tố quyết định nhất đến việc chấm thi chính xác.
Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo cần coi trọng các yếu tố này trong quá trình phân công và tổ chức làm việc của hội đồng ra đề thi, hội đồng chấm thi. Riêng về qui trình chấm thi, năm nay, để khắc phục việc chấm “lỏng”, chấm “chặt”, đảm bảo công bằng, Bộ đã có một số giải pháp đổi mới trong tổ chức chấm thi. Trong đó, tăng số lượng bài chấm chung của mỗi môn (ít nhất 15 bài, năm trước là 10 bài) để giúp cho mọi giám khảo nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều động thanh tra của sở thứ ba (không phải là thanh tra của sở có bài, cũng không phải là thanh tra của sở chấm bài) đến làm nhiệm vụ thanh tra chấm ở các hội đồng chấm thi.
Ngoài ra, Bộ cũng cho phép Sở có bài thi được cử giáo viên đến giám sát việc chấm thi, họ có thể chấm kiểm tra lại một số bài thi, được phản ánh lên cấp có thẩm quyền nếu phát hiện các bất thường nhưng không được can thiệp vào công việc của Hội đồng chấm thi.
Mục tiêu của ngành giáo dục và đào tạo sẽ cố gắng tìm ra các giải pháp tối ưu nhất để bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, nghiêm túc và công bằng, hiệu quả.
Theo Vietnam+