Cấm thi tuyển vào lớp 6: Không nên vội vàng

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6 là tốt, để giảm bớt các kỳ thi, nhưng cần lộ trình triển khai, không nên làm vội như hiện nay.

Ông Thạch nói: Mục đích của chủ trương không thi vào lớp 6 là tốt, nhằm giảm bớt các kỳ thi, bớt bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, lại đặt ra một bài toán, không thi thì làm thế nào để các trường tuyển học sinh có chất lượng vào lớp 6.


Bởi một số trường số lượng hồ sơ đăng ký vượt trội nhưng không có chỗ cho học sinh vì vậy trước đây phải thi để loại. Thi là một trong những biện pháp dễ nhất để chọn lọc. Bây giờ không cho thi khiến các trường THCS phải đề ra các tiêu chí để hạn chế các học sinh không phù hợp.

Cấm thi tuyển vào lớp 6: Không nên vội vàng

Theo tôi, các trường đồng nhất xét tuyển, dựa trên hệ tiêu chí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Chẳng hạn như ở Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT ban hành tiêu chí, các trường sẽ dựa trên tiêu chí đó để cụ thể hóa theo từng vùng, từng quận, huyện. Các tiêu chí cần công khai, để đảm bảo công bằng, tránh tiêu cực.


Nhiều ý kiến cho rằng, thi để lựa chọn đầu vào tốt, nếu cấm theo chiều hướng cưỡng ép như vậy thì những trường chất lượng không thể lựa chọn được học sinh tốt?


Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường chất lượng cao, trường chuyên chỉ có ở bậc THPT, không được lập trường chuyên ở cấp THCS. Hiện nay ở cấp THCS, hầu như các đơn vị tự nâng cao để thu hút người học chứ không có công nhận trường chất lượng cao, trường chuyên.


Tuyển đầu vào lớp 6, các trường đều bình đẳng trong mọi đối tượng, sau khi vào trường, các em học sinh giỏi có thể được nhóm lại để bồi dưỡng riêng. Đây cũng không gọi là lớp chọn mà chỉ gọi là nhóm học sinh giỏi.

Việc Sở GD&ĐT Hà Nội không cho thi tuyển vào lớp 6 khiến nhiều trường, phụ huynh lúng túng
Việc Sở GD&ĐT Hà Nội không cho thi tuyển vào lớp 6 khiến nhiều trường, phụ huynh lúng túng.

GS Văn Như Cương cho rằng, đưa ra thêm một lệnh cấm thi tuyển lớp 6 với mục đích chống dạy thêm, học thêm là xa rời thực tế bởi dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn của xã hội lâu nay lại không lệ thuộc quy định cấm thi đối với những trường chất lượng cao?


Trường Lương Thế Vinh là trường dân lập, còn trường chất lượng cao hay không là do xã hội đánh giá. Tất nhiên, không phải toàn bộ xã hội đánh giá như vậy là chất lượng cao. Có thể trước đây cho thi tuyển trường sẽ tuyển chọn học sinh kỹ càng hơn, nhưng nay theo tôi đúng là trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh.


Vậy theo ông tiêu chí nào để các trường có quá nhiều hồ sơ dự tuyển lựa chọn được học sinh vào trường?


Tiêu chí là học bạ cấp dưới, đánh giá của giáo viên chủ nhiệm. Tiêu chí theo vùng, khu vực. Ngoài ra, có những tiêu chí riêng mà cơ sở có thể đưa ra để phù hợp với điều kiện từng quận, huyện bởi cấp THCS là do các quận, huyện quản lý .


Thế nhưng thực tế việc triển khai tại các Sở còn gặp nhiều lúng túng, ví như Sở GD&ĐT Hà Nội phải hủy quyết định mới được ban hành một ngày, không cho phép ba trường được tuyển sinh thông qua khảo sát năng lực?


Đúng là việc thực hiện còn có nhiều bỡ ngỡ vì bước chuẩn bị chưa tốt. Theo tôi, nếu cấm thi tuyển vào lớp 6 cần có lộ trình theo giai đoạn, chỉ đạo từ trên xuống một cách bài bản. Lộ trình có thể thí điểm với vùng nông thôn, vùng không có áp lực về số lượng học sinh vào cấp THCS.


Sau khi làm tốt chủ trương này tại vùng nông thôn và ngoại thành, dần dần đi sâu vào khu vực nội thành với tinh thần là giao sự tự chủ cho các cấp cơ sở. Quy định này có thể áp dụng từng khu vực riêng còn hiện tại đã áp dụng đồng loạt thì phải tìm giải pháp phù hợp nhất.

Cảm ơn ông.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bùi Thị An: Không nên quy định một cách cứng nhắc


Theo tôi, việc không cho các trường được tổ chức khảo sát IQ, EQ để chọn học sinh vào lớp 6 là cứng nhắc. Bởi thực tế cấp tiểu học hiện nay đã bỏ chấm điểm nên hầu hết các em đều được công nhận đạt đủ tiêu chuẩn, không có mấy học sinh không đạt.


Nay, nếu những trường có nhiều hồ sơ xin vào học nếu không cho tổ chức khảo sát, họ sẽ bị “bó tay”, không biết tuyển ai, loại ai. Ví dụ như chỉ tiêu tuyển của trường chỉ là 500 em, nhưng có đến 4.000 hồ sơ và tất cả đều được xếp loại đạt thì chẳng lẽ lại tuyển cả 4.000 em?


Tôi cho rằng, quy định cấm thi tuyển, cấm tổ chức khảo sát để chọn học sinh vào lớp 6 là quá cứng nhắc. Thành phố nên có quy định một cách mềm dẻo theo hướng, đối với những trường đặc thù, có nhiều học sinh đăng ký vào học như trường Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie thì nên cho phép tiến hành trắc nghiệm để lựa chọn học sinh. Còn đối với những trường có số lượng học sinh đăng ký ít thì không nên thi tuyển.


Theo tôi, ngay trong tuần này, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội nên ngồi lại với các trường để thảo luận nhằm tìm ra biện pháp tối ưu cho việc này. Chứ cứ để tình trạng như hiện nay sẽ tiếp tục gây nhiều hoang mang cho phụ huynh, học sinh và không giải quyết được vấn đề mà thực tế đang đặt ra. Thậm chí nếu vướng với chỉ đạo của Bộ GD& ĐT thì có thể kiến nghị Bộ cho phép thành phố được thực hiện một cách mềm dẻo, có tính đặc thù.

Văn Kiên (ghi)

 

Theo Hà Nhân - Trần Hoàng
Tiền Phong