Cam kết trở thành giảng viên mới được tham dự Đề án 911 đào tạo Tiến sĩ
(Dân trí) - Ngày 17/7, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH,CĐ giai đoạn 2010-2020” được phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án 911 bao gồm đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài; đào tạo trình độ tiến sĩ ở trong nước; đào tạo trình độ tiến sĩ theo phương thức phối hợp; bồi dưỡng ngoại ngữ và kiến thức, kỹ năng nghiên cứu.
Đối tượng tuyển sinh là giảng viên trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Người có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng bao gồm: người mới tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ; nghiên cứu viên đang làm việc tại các Viện nghiên cứu khoa học; những người đang làm việc tại các đơn vị ngoài trường đại học, cao đẳng; không quá 45 tuổi (tính theo năm đăng ký dự tuyển).
Thời gian thực hiện tuyển sinh đến hết năm 2020. Phương thức đào tạo là đào tạo ở nước ngoài: nghiên cứu sinh (NCS) được gửi đi đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; Đào tạo ở trong nước: NCS được đào tạo toàn thời gian ở trong nước, trong đó có thời gian đi thực tập nghiên cứu ở nước ngoài. Đào tạo theo phương thức phối hợp: NCS được đào tạo một phần thời gian ở trong nước và một phần thời gian ở nước ngoài với sự phối hợp đào tạo giữa cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước và cơ sở đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.
Theo đó, các NCS được cấp học bổng và chi phí đào tạo trong toàn bộ thời gian khóa đào tạo; Được trường đại học, cao đẳng cử đi đào tạo tạo điều kiện, bố trí thời gian để thực hiện chương trình đào tạo theo quy định; Được trường đại học, cao đẳng cử đi đào tạo tiếp nhận trở lại làm việc hoặc tiếp nhận tuyển dụng làm giảng viên sau khi tốt nghiệp theo đúng chuyên môn được đào tạo.
Trách nhiệm của NCS là hoàn thành chương trình đào tạo đã đăng ký học tập; Thực hiện các nhiệm vụ của NCS theo quy định của cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài mà NCS theo học; Thực hiện đúng cam kết đã ký với trường đại học, cao đẳng cử NCS đi học.
Nghĩa vụ của NCS là sau khi tốt nghiệp phải trở về phục vụ tại trường đã cử đi đào tạo với thời gian tối thiểu bằng hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo; Bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo nếu không hoàn thành chương trình đào tạo (trừ lý do bất khả kháng), hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng không phục vụ đủ thời gian làm việc quy định tại quy định trên. Việc bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Ngoài những đối tượng quy định được tuyển trên, ưu tiên trường hợp mới tốt nghiệp đại học: có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy (không kể chính quy liên thông) đạt loại giỏi trở lên. Sinh viên theo học chương trình tiên tiến, kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng ở trong nước có bằng tốt nghiệp đại học đạt loại khá trở lên. Trường hợp mới tốt nghiệp chương trình thạc sĩ và phải học nối tiếp ngay sau khi tốt nghiệp đại học: có bằng tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi trở lên đồng thời có kết quả đào tạo thạc sĩ đạt loại khá trở lên. Trường hợp được đào tạo ở nước ngoài thì đánh giá loại tốt nghiệp, kết quả học tập theo quy định về đánh giá và thang điểm của cơ sở đào tạo nước sở tại hoặc chuyển đổi tương đương theo đánh giá xếp loại của Việt Nam.
Về trình độ ngoại ngữ, ứng viên phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ cấp độ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ do một cơ sở quốc tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 2 năm tính đến khi dự tuyển, phù hợp với yêu cầu của cơ sở đào tạo nước ngoài; Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài nay trở lại nước đó học tập hoặc ngôn ngữ đã sử dụng trong học tập ở nước ngoài phù hợp với ngôn ngữ sẽ sử dụng để thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ...
Danh mục định hướng các cơ sở đào tạo tiến sĩ tại từng nước được đăng tải công khai hàng năm trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT (http://www.moet.gov.vn/) và Cục
Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD-ĐT (http://www.vied.vn/).
Hồng Hạnh