Cám cảnh trước “giờ G”
(Dân trí) - Chỉ cho tôi xem chiếc túi du lịch nhỏ bị rạch một đường dài sắc lẹm, giữa trời nắng chang chang ở bến xe Giáp Bát, Thuỳ Linh, thí sinh đến từ tỉnh Thái Bình đã khóc nức nở khi em biết mình bị mất hết giấy tờ dự thi, mặc dù em đã bỏ gọn trong một túi ni lông và giắt xuống tận đáy túi.
Với trường hợp của Thuỳ Linh, chúng tôi đã gọi điện sang Vụ ĐH và SĐH để hỏi xem có thể giúp gì được em. Một chuyên viên của Vụ cho biết, Thuỳ Linh vẫn được dự thi nhưng phải làm giấy cam đoan, lấy dấu vân tay... kèm theo lá đơn có xác nhận của địa phương có dán ảnh (mất tại địa bàn quận nào thì làm đơn cớ mất tại địa bàn đó).
Nhưng có lẽ trường hợp đầy cám cảnh của Thuỳ Linh cũng chỉ là một trong trong rất nhiều trường hợp cám cảnh mà bất kỳ ai cũng có thể gặp trong những đoàn sĩ tử tất tả “lai kinh” dự thi vào những ngày này.
Nhà chỉ có hai mẹ con, Nguyễn Thị Quy (quê huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) đã phải một thân một mình về Hà Nội dự thi. Bắt đầu từ sáng 25/6, em đã lên xe về Hà Nội tìm nhà người thân nhờ trọ. Ngơ ngác giữa thủ đô, sau khi lên xuống năm lần bảy lượt trước các bến xe buýt, em cũng đã tìm được nhà người bà con họ hàng xa trong khu tập thể cũ ở quận Thanh Xuân.
Tiếp đó là những ngày nắng như đổ lửa quẩn quanh trong căn nhà tập thể tồi tàn và chen chúc. Thay vì được học thi, em trở thành ôsin bất đắc dĩ cho người họ hàng và phải quần quật dọn dẹp từ sáng đến tối vì người họ hàng của em là chủ một cửa hàng phở ngay trong chợ của khu tập thể. Số tiền nhỏ nhoi mẹ em gói ghém đưa cho con gái cũng đã phải nộp cho người họ hàng làm tiền ăn.
Ba ngày trôi qua như vậy. Khi gặp tôi, mắt cô bé ngân ngấn nước và em cho biết chỉ còn vài chục nghìn trong túi. Vậy mà phải gần một tuần nữa mới đến kỳ thi, cứ như thế này không biết em có còn đủ sức khoẻ và nghị lực để chờ đến ngày thi đó.
Khi được hỏi sao em không tìm đến các khu nhà trọ hay các ký túc xá của các trường ĐH, em cho biết ở nhà quê, làm sao biết được những thông tin đó. Hơn nữa, mẹ em cũng chỉ thấy yên tâm khi em đến ở nhờ nhà họ hàng thôi.
Ngược lại với trường hợp của Nguyễn Thị Quy, Thu Hằng đến từ Thanh Hoá có đời sống khá giả bội phần khi cha của cô là một chủ doanh nghiệp lớn ở Thành phố Thanh Hoá.
Sống tại căn nhà riêng của gia đình vừa mua giữa phố Phạm Ngọc Thạch, cô ra Hà Nội ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc. Hai tuần ở lò luyện, Hằng đã gặp một “cú sét ái tình” với một nam sĩ tử đến từ Hải Phòng vì đôi mắt của nam sĩ tử này giống hệt như đôi mắt của một nam diễn viên Hàn Quốc mà cô rất ngưỡng mộ!
Khổ nối, sau vài tối cùng nhau đi uống cà phê thì chàng trai này lại chỉ chăm chăm văn ôn võ luyện đợi ngày ứng thi mà chẳng đoái hoài gì đến cô nữa. Chàng cũng chuyển “lò” để tránh bị cô quấy rầy.
Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho chàng không nhận được trả lời, tập trung truy tìm dấu vết, Hằng cũng túm được chàng sỹ tử này ngay giữa lò luyện, giật điện thoại của chàng thì Hằng mới biết rằng chàng đã có “người ta” ở quê.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa kỳ thi ĐH diễn ra nhưng Hằng chỉ suốt ngày ngôi thu lu trong phòng, nước mắt lưng tròng vì... “kẻ phản bội”.
Còn Quốc Cường (Hà Nội) thì đã không thể đến dự thi được trong ngày 3/7 tới đây vì em vừa gặp phải một tai nạn giao thông làm gãy cả xương đòn. Ngay khi vừa tỉnh dậy, chàng trai 18 tuổi, cao 1m80 và nặng tới 70 kg này đã oà khóc như một đứa trẻ khi em biết được rằng mình sẽ phải nằm bất động trên giường hàng tuần lễ…
M.M