Quảng Trị:
Cách giáo dục Lịch sử trực quan tại ngôi trường vùng cao
(Dân trí) - Những mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, địa đạo Vịnh Mốc, bản đồ Việt Nam, nhà sàn Bác Hồ xếp bằng đá cuội, nhà sàn truyền thống của đồng bào Vân Kiều,… đã tạo nên bức tranh sống động và đầy ý nghĩa cho việc dạy và học. Các mô hình độc đáo này lại được thấy tại một ngôi trường vùng cao giữa đại ngàn Trường Sơn, chứ không phải chốn thành thị.
Lần đầu đến với trường Tiểu học Hướng Phùng (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa), chúng tôi như lạc vào một không gian mới lạ. Những mô hình đầy tính thẩm mỹ và đặc biệt, không nơi nào có lại được quy tụ trong khuôn viên ngôi trường vùng cao này. Ngạc nhiên hơn bởi một ngôi trường đóng tại vùng núi đầy những khó khăn lại được khắp nơi trong tỉnh biết đến như một mô hình điển hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ở đó cũng có đội ngũ giáo viên trách nhiệm, ngày đêm miệt mài bám bản, bám dân để dạy chữ cho học sinh, đưa các em tiếp cận nhiều hơn với tri thức để lớn lên có thể phục vụ quê hương, đất nước.
Sau lời hẹn trước, chúng tôi vượt quãng đường hơn 150 km từ Đông Hà đến xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa để được một lần nữa tìm hiểu về quá trình dạy và học tại ngôi trường này. Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu khái quát: “Trường Tiểu học Hướng Phùng có 32 lớp học với 620 học sinh, trong đó, 2/3 số học sinh là con em dân tộc Vân Kiều. Ngoài điểm chính, trường có 4 điểm lẻ với 46 cán bộ, giáo viên”.
Thầy Trọng cho biết: Điểm nhấn trong hoạt động dạy học của trường là giáo dục biển đảo cho học sinh. Ý tưởng dựng cột mốc chủ quyền, bản đồ Việt Nam bằng đá được tôi vạch ra và thực hiện từ giữa năm 2014, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh, tôi nghĩ rằng cần phải làm điều gì đó để bổ trợ cho việc học tập, ngoài kiến thức sách giáo khoa thì các mô hình như vậy học sinh dễ tiếp cận và nắm bắt hơn. Sau các giờ lên lớp, thầy cô và học sinh lại tìm ra suối nhặt đá cuội về xếp thành tác phẩm bản đồ Việt Nam.
“Khó nhất khi triển khai tác phẩm đầu tay này là việc phóng kích thước lên thực địa, phần này do cô giáo Lê Thị Niềm, giáo viên mỹ thuật đảm nhiệm, còn lại do anh em giáo viên rải đá và xi măng kết dính để tạo hình khối bản đồ, trồng cây cảnh làm viền xung quanh”, thầy Trọng cho hay.
“Tấm bản đồ” bằng đá cuội đặc biệt này được hoàn thành đã cuốn hút các em học sinh vào mỗi giờ học ngoại khóa, bởi trên mô hình giáo dục trực quan, những kiến thức địa lý đối với các em trở nên dễ hiểu hơn. Tiếp đó, hai bức tranh đá mô tả hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt và nhà sàn Bác Hồ nhanh chóng được các giáo viên triển khai thực hiện, lần này có sự góp sức của phụ huynh học sinh.
Trong số các mô hình được các giáo viên dày công thực hiện, mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng nhựa được xem “điểm nhấn” trong giáo dục học sinh. Vào ngày thứ 2, học sinh toàn trường sẽ tập trung trước sảnh để chào cờ và hình ảnh cột mốc chủ quyền nhắc nhở các em ý thức về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Thầy Trọng nói: "Với mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, chúng tôi muốn giáo dục tình yêu Tổ quốc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các em học sinh”.
Dạo bước trong khuôn viên trường Hướng Phùng, chúng tôi còn thấy trên các lối đi cũng được gắn biển tên đường “Trường Sa và Hoàng Sa” để nhắc nhở cho học sinh về hai quần đảo thiêng liêng.
Năm học này, nhà trường đưa vào sử dụng “mô hình địa đạo Vịnh Mốc”, công trình được xây dựng mô phỏng lại làng hầm chiến đấu Vịnh Mốc nổi tiếng tại Vĩnh Linh. Trong công trình này cũng được thiết kế các căn hầm nhỏ phòng họp, phòng ở gia đình, hầm trú… Qua quá trình sưu tầm, vận động, người dân huyện Vĩnh Linh cũng đã thuận tình hiến tặng nhiều hiện vật để trưng bày nhằm nâng cao tính giáo dục cho các em.
Trường Tiểu học Hướng Phùng có 2/3 số học sinh là con em đồng bào Vân Kiều. Chính vì vậy, để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của bà con bản địa và làm không gian sinh hoạt cho các em, trường đã vận động xây dựng nhà sàn truyền thống Vân Kiều. Có hơn 40 hiện vật được trưng bày bên trong nhà sàn, mỗi thứ đều gắn với một tình cảm đặc biệt của người trao tặng.
“Đây là ngôi nhà sàn rất đặc biệt vì được dựng lên bởi những nghệ nhân trong xã, đúng kiểu đặc trưng nhà sàn truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Hơn thế nữa, những hiện vật được sưu tập, trưng bày bên trong ngôi nhà sàn này đều chứa đựng cả tấm lòng ưu ái của đồng bào nơi đây dành cho trường”, thầy Trọng chia sẻ.
Được biết, Trường Tiểu học Hướng Phùng cũng là ngôi trường đi đầu trong số các trường ở vùng khó đầu tư được một dàn máy vi tính 25 chiếc phục vụ cho việc học của các em. Không có kinh phí, thầy hiệu trưởng và cán bộ giáo viên tích cực vận động các mối quan hệ, thậm chí tranh thủ mạng xã hội để kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ kinh phí, với mục đích duy nhất là phục vụ cho việc dạy và học, vì lợi ích của học sinh vùng cao. Trong khuôn viên trường cũng được thiết kế một không gian riêng để các em học sinh đọc sách và vui chơi sau mỗi giờ học. Thư viện xanh được bố trí dưới các tán cây giúp các em đọc tài liệu khá thuận tiện mọi lúc, mọi nơi.
Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với học sinh, ngoài kiến thức từ sách vở thì những hình ảnh trực quan sinh động sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục. Thời gian qua, việc dạy và học cũng trở nên hiệu quả, chất lượng học tập được cải thiện đáng kể. Vào các buổi chào cờ đầu tuần, thay vì dành nhiều thời gian đánh giá kết quả trong tuần thì nhà trường đã lồng ghép để giới thiệu những cuốn sách hay, kể chuyện cho các em nghe…”.
Đăng Đức