Cách dạy con của gia đình hai chị em thủ khoa là giảng viên
"Hai chị em Mỹ Linh và Thanh Phong đều có tinh thần tự lập và không bao giờ học thêm" - ông Nguyễn Văn Trong, cha đẻ của hai thủ khoa là giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) nói về con.
Không gây áp lực con phải có điểm cao
Câu chuyện về hai thủ khoa Mỹ Linh, Thanh Phong nhận được nhiều quan tâm đặc biệt. Độc giả rất tò mò về cách rèn giũa con của anh chị?
- Tôi làm công ty gỗ, mẹ hai cháu chạy chợ. Từ nhỏ, Linh và Phong ở nhà cùng bà ngoại. Thời điểm hai cháu tới trường (những năm 1994 -1995) khu vực chúng tôi ở chưa phát triển như hiện nay. Hai cháu là học sinh trường làng gần nhà.
Ngày đi làm vất vả, nhưng tối về tôi luôn dành thời gian xem con học hành thế nào. Xu hướng của chúng tôi là ít cho con học thêm, thậm chí hai cháu không học thêm. Nhưng bố mẹ phải theo dõi con học tới đâu. Mảng nào thiếu, yếu thì bổ sung thêm kiến thức. Vấn đề chính là giúp con tự hiểu chứ không dạy để con học vẹt.
Từ thói quen này, khi học xong bài cũ xong, tôi lấy bài mới hướng dẫn trước. Lên lớp cô giáo giảng cháu sẽ hiểu hơn. Vì vậy, suốt các cấp học Linh và Phong không bị mất căn bản. Chúng tôi không gây áp lực cho con được điểm cao.
Linh và Phong có hai tính cách khác nhau. Linh từ nhỏ đã ham học, cháu cũng nhận thức luôn muốn học hơn người khác. Nên hướng dẫn cho Linh rất khó, khi nào cháu hiểu mới đồng ý. Còn Phong ham chơi nhưng trí nhớ tốt. Chỉ hướng dẫn qua cháu đã nhớ và 10 năm sau vẫn còn nhớ.
Dù đứng đầu khối và trường nhưng lên cấp ba cháu bắt đầu hụt hẫng. Gia đình hướng dẫn cháu muốn vào ĐH thì phải vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Sau đó tiếp tục định hướng nếu muốn đỗ ĐH thì phải học lớp chọn…
Ở cấp học dưới anh chị có thể hướng dẫn cho con học bài, nhưng khi con học lên cao, kiến thức thay đổi thì làm thế nào?
- Cơ bản là hai cháu tự học. Ở cấp 1, cấp 2 các cháu chưa nhận thức được học để làm gì. Chúng tôi đưa ra những phần thưởng để khuyến khích con.
Ví dụ, con học hết lớp này, con học giỏi ba mẹ sẽ có món quà này cho con. Đó là sự khuyến khích, con nghĩ học để được món quà, được ba mẹ thưởng…
Nhưng chúng tôi cũng tập cho con tính tư duy, tại sao con làm như vậy và được như vậy. Để lên cấp 3 con sẽ có tư duy để học. Vì ở tuổi này con đã trưởng thành, ý thức được học để làm gì. Biết nhìn nhận và so sánh giữa người học thành đạt và người không được học để biết phấn đấu. Lúc này, chúng tôi không hỗ trợ con về kiến thức nhưng hỗ trợ con về tinh thần.
Bản thân tôi từng vào nhà sách tìm và mua sách cho con. Thấy người viết và nơi in ấn tin tưởng là mang về. Lúc đầu con cũng phụng phịu vì mẹ mang cái này về. Nhưng tôi bảo con cứ đọc đi, nếu không giúp việc học cũng rất bổ ích.
Điểm thấp cũng không ép con học thêm
Trong học tập có khi nào hai con được điểm thấp, anh chị không hài lòng và trách mắng con không?
- Nhiều lúc cháu được điểm 4, điểm 5 thậm chí thấp hơn là có. Nhưng chúng tôi không la mắng con mà tìm hiểu. Hỏi con nếu lần sau có bài như thế này con làm được không. Con có làm nhầm bài không. Con không hiểu ở chỗ nào?
Chúng tôi không ép con khi thấp điểm phải đi học thêm, phải mang về cho ba mẹ điểm 9, điểm 10. Tôi nhớ có lần thấy Phong học yếu môn Hóa, đã ép cháu học thêm. Phong bảo, mẹ để con tự học, nếu mẹ ép con, con báo cho mẹ môn này sẽ thấp điểm. Vì vậy chúng tôi để con tự học.
Với chúng tôi con được một hay hai điểm cũng được. Quan trọng là con biết vì sao được một điểm, hai điểm. Nếu con biết điểm yếu của mình lần sau sẽ được 5 rồi 7 điểm, lên 8, 9 điểm…
Có thể nói, thuận lợi nhất của anh chị là được gần gũi con trong cả quá trình học từ tiểu học lên học ĐH?
- Nhiều người quan niệm cho con ĐH là xong. Tôi nghĩ rằng vào ĐH mới là bước quan trọng vì quyết định cuộc đời. Học ĐH mà không có phương pháp, thả lỏng thì dù kết quả 12 năm có giỏi đến đâu cũng vô nghĩa.
Con thích cái gì, tôi sẽ định huớng cái đó, đầu tiên là chọn đúng ngành nghề yêu thích. May mắn trường học gần nhà nên việc đi lại cũng thuận lợi.
Cha và con là những người bạn
Ngoài việc học, trong cuộc sống hai cháu Linh và Phong có hay tâm sự, chia sẻ với bố mẹ những vấn đề khác không?
Là cha mẹ, nhưng nhiều lúc chúng tôi như những người bạn. Khi con khó khăn, trở ngại sẽ tâm sự cùng con. Hai cháu cũng không che giấu bố mẹ vấn đề gì. Khi con chia sẻ, bố mẹ phân tích cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Để con biết luôn có bố mẹ đồng hành cùng con.
Lên học lên ĐH cũng vậy. Chúng tôi luôn tôn trọng sở thích của con? Từ đó sẽ phân tích đúng-sai, lợi - hại để con lựa chọn chứ không bắt ép con. Có việc gì cả nhà đều đem ra mổ xẻ. Phong cách sống của gia đình là tất cả đều được đưa ra thảo luận từ đó rút ra kinh nghiệm.
Ngoài thời gian hướng dẫn con học tập, anh chị dành thời gian cho con như thế nào?
- Tôi nghĩ trong cuộc sống này ai cũng muốn làm giàu. Nhưng nếu theo đuổi kinh tế mà con cái không được chăm sóc là một thất bại. Thời điểm các cháu lên cấp 2 - đây là tuổi học hỏi, bắt chước và cũng là thời điểm ương tính nên mẹ cháu nghỉ việc ở nhà đưa rước, lo cơm nước cho con.
Tôi nghiệm lại, kinh tế có thể thiếu nhưng phải cố gắng cho con có tri thức. Có tri thức thì ở môi trường nào cũng có thể sống được.
Là hai chị em, ngoài học ra có khi nào hai cháu làm phát điên lên vì mẫu thuẫn?
- Hai chị em có lúc cũng mâu thuẫn. Nhưng bố mẹ luôn đứng giữa để phán xét chứ không bênh đứa nào. Sau đó chỉ ra điểm yếu của đứa này để đứa kia biết. Bản thân chúng tôi cũng cố gắng là một tấm gương cho con. Nếu có chuyện gì không bằng lòng sẽ cố dàn xếp nhỏ nhẹ chứ không để con thấy. Vì vậy chị em rất nhường nhịn nhau. Đặc biệt chị rất thương em.
Tôi luôn tin con
Phong chia sẻ, em rất mê chơi game, có khi nào anh chị bực tức vì điều này?
- Đây là một nỗi lo của chúng tôi từ trước đến nay. Nhưng chúng tôi tính từng bước để hạn chế cháu. Khi cháu làm bài xong sẽ cho con chơi. Sợ con bỏ học đi chơi nên hạn chế bằng cách mua cho con một dàn máy vi tính.
Chúng tôi biết sở thích của cháu thì đáp ứng sở thích của con. Khi sở thích được toại nguyện con sẽ cố gắng làm. Nhưng tôi cũng quy định 1 ngày cho con chơi mấy tiếng, nếu quá giờ thì sẽ rút điện. Nhiều khi con cũng giãy nảy nhưng sẽ khuyên răn con đi theo con đường của mình.
Phần thưởng lớn nhất mà anh chị “treo” cho con là gì?
- Với Phong học cấp 2 là bộ máy vi tính, còn cấp 1 là bộ đồ chơi game. Linh thích mua sắm vì vậy khi hoàn thành sẽ được mẹ dẫn đi mua sắm.
Kì vọng vào con rất lớn, có khi nào anh chị rớt nước mắt vì con không đạt được điều cháu mong muốn?
- Mặc dù học giỏi nhưng khi ra cấp 3 Phong bị hụt hẫng. Tôi nhớ học kì 1 năm lớp 10, Phong được 2 điểm môn Toán. Đây là điều chưa bao giờ có. Tính tôi hay hỏi con. Lần đó, thi xong tôi hỏi con làm được không, cháu trả lời làm được.
Nhưng lúc trả bài Phong nói với tôi rằng, con nói điều này mẹ đừng buồn. Toán con chỉ được 2 điểm. Nghe con nói mà tôi rớt nước mắt. Sau đó tôi bảo con có đi học thêm không, nhưng cháu bảo mẹ yên tâm. Rồi cháu tự học.
Từ học kì 1 cháu đứng vị trí 30/40 của lớp, sang học kì hai cháu lên vị trí 12/40, sau đó thi vào lớp chọn lớp 11 thì đứng vị trí 2. Vì vậy, chúng tôi luôn tin tưởng vào con.
- Cảm ơn anh!
Theo Lê Huyền/ VNN