Các giáo sư hiến kế cho vấn đề học phí
(Dân trí) - “Mổ xẻ” về vấn đề học phí, GS Văn Như Cương, GS Nguyễn Khắc Mai, GS Đào Trọng Thi, GS Phạm Phụ có những trao đổi ngắn với Dân trí để làm rõ hơn những khúc mắc về vấn đề này...
GS Văn Như Cương: Thực chất của việc tăng học phí, theo tôi là do ngành phải tính toán lại. Có nhiều lãnh đạo ngành đã tuyên bố là khi thực hiện tăng học phí thì sẽ cấm mọi khoản thu khác ngoài học phí. Chính vì thế nên mức học phí mới không phải số tiền mấy chục nghìn mà hằng tháng học sinh đóng cho Nhà nước như 30.000 đồng/tháng ở bậc phổ thông, hay 180.000 đồng/tháng ở bậc ĐH...
Học phí mới phải là tất cả số tiền tôi chi ra cho con đi học. Đó là tiền đóng góp xây dựng trường, mua sách giáo khoa, nộp quỹ hội phụ huynh, nộp cho cô giáo học thêm, lễ tết thầy cô giáo... Nhà nước sẽ thu những khoản đóng góp học phí đó về một mối.
Nếu học phí có tăng nhưng phụ huynh học sinh không phải đóng thêm các khoản “phí” tràn lan thì tăng học phí là rất có lợi cho cả người dạy và người học. Dư luận xã hội vì thế không có gì là không đồng thuận với việc tăng học phí.
GS Nguyễn Khắc Mai: Giáo dục có từ khi con người có gia đình. Thời tiền sử, con người được giáo dục trong gia đình, trong bộ tộc. Bấy giờ không có chuyện học phí. Loài người phát triển dần văn minh lên, bắt đầu có những hình thức sơ khởi của quản lý xã hội, của nhà nước, việc giáo dục bắt đầu được xã hội hoá, tức là việc giáo dục được tách ra khỏi gia đình. Khi đã có trường lớp được tách ra khỏi gia đình thì vấn đề học phí đã được đặt ra. Học phí để duy trì trường lớp, để nuôi thầy...
Ở nước ta, học phí bao giờ cũng chia thành hai loại. Một loại là học phí chi trả chủ yếu cho các trường công và một loại học phí cho các trường tư. Như vậy, khi tăng học phí thì điều mà chúng ta cần làm là:
- Xác định lại hệ thống giáo dục công lập để làm sao số lượng cơ sở công lập tương thích với ngân sách chi cho giáo dục (theo từng chu kỳ 10 năm). Các trường còn lại thì tư thục hoá với một phương thức nhân văn và tiên tiến.
- Trong trường hợp Nhà nước không kham nỏi thi nhà nước đảm nhiệm bộ phận công lập thuộc lĩnh vực giáo dục bắt buộc (giáo dục phổ cập).
- Các trường nghề (chuyên nghiệp, CĐ, ĐH) thì phải đóng học phí và có thể đóng học phí với mức rất cao tuỳ trường.
Một đề án học phí hợp đạo lý là nó đi kèm đồng bộ với việc cải tổ giáo dục hiện nay. Trước hết là gắn với việc xác định quy mô số lượng các trường công lập. Đối với bậc tiểu học và THCS thì có thể như hiện nay nhưng với bậc THPT nên chỉ có 10 trường cấp tỉnh, còn lại là tư thục hoá. Nếu tính toán một cách khoa học (bớt cảm tính đi) thì ta sẽ có một hệ thống giáo dục phổ thông trường ra trường, lớp ra lớp, trò ra trò.
Khi chưa được sự đồng thuận của xã hội nhưng vẫn buộc phải tăng học phí thì chỉ nên tính 1 tỷ lệ trượt giá cho khung học phí hiện hành.
GS Đào Trọng Thi: Để tăng học phí, tôi cho rằng, một cái quan trọng hơn là phải thay đổi quan niệm của chúng ta về công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là cấp đại học. Nếu chúng ta cứ thích có chất lượng nhưng chúng ta không muốn tạo điều kiện cho người ta thực hiện chất lượng thì bản thân suy nghĩ chúng ta là mâu thuẫn.
Nhưng, tăng học phí cũng không nên tăng đồng loạt vì nếu tăng đồng loạt, xã hội sẽ đặt câu hỏi: “Tăng học phí chất lượng có tăng lên không?” Trên thực tế, nếu tăng học phí đồng loạt thì toàn bộ chất lượng cũng tăng đồng loạt, tôi tin là không có.
Theo tôi vấn đề tăng học phí phải được cân nhắc từ hai phía. Thứ nhất, phải phù hợp với khả năng của người dân, đáp ứng được nhu cầu học tập của giới trẻ. Thứ hai, học phí cũng là tạo điều kiện để cùng với kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các trường đại học thực hiện được bảo đảm chất lượng mà theo nhu cầu xã hội.
Bởi vậy, tôi cho rằng học phí tăng là tất yếu nhưng phải làm thế nào đáp ứng, hài hoà được cả hai nhu cầu mà tôi vừa nêu ở trên. Cùng đó, với hoàn cảnh kinh tế của chúng ta hiện nay, nếu có tăng thì cũng tăng ở mức vừa phải, chứ không phải một lúc tăng lên gấp vài lần.
Vì thế, tăng học phí chỉ nên theo hướng: nhu cầu xã hội khác nhau, người có khả năng đóng góp nhiều hơn, rất có thể người ta chấp nhận đóng góp nhiều hơn để được nhận một dịch vụ cao hơn, chất lượng hơn thì học phí tăng ở khu vực đó. Tôi cho rằng bên cạnh gíáo dục đại trà, vẫn phải xác định một mức học phí vừa phải, phù hợp với khả năng đóng góp của đông đảo nhân dân lao động cũng có một bộ phận có khả năng đóng góp nhiều hơn để nhận được chất lượng giáo dục tốt hơn thì tôi cho rằng nên đáp ứng nhu cầu đó theo tinh thần tự nguyện.
Quả thực, mức học phí hiện nay không đủ thực hiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đảm bảo yêu cầu chất lượng cao.
GS Phạm Phụ: Với khung học phí cứng nhắc như hiện nay đã tạo nên sự cạnh tranh không hoàn hảo giữa những cơ sở giáo dục có khống chế học phí và những cơ sở giáo dục không có khống chế học phí, giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục nước ngoài. Một trường ĐH có mức học phí 4 triệu đồng/năm sẽ hoàn toàn khác một trường ĐH có mức học phí 100 triệu đồng/năm.
Vì vậy, nguồn nhân lực được đào tạo cũng như chính bản thân nền giáo dục Việt Nam sẽ không có đủ sức để cạnh tranh với nguồn nhân lực cũng như chính nền giáo dục của nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và cũng vì vậy, Việt Nam bị tổn hao ngoại tệ một cách không đáng có và nền giáo dục ĐH của chúng ta cũng bị chậm phát triển.
Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, về mặt tài chính giáo dục chúng ta khó lòng bắt chước các Nhà nước của châu Âu. Ở những nước này, phúc lợi thu được vào ngân sách đến trên 40% của GDP, vì vậy nên họ có một ngân sách rất lớn để trang trải những chi phí an sinh xã hội trong đó có vấn đề giáo dục và y tế.
Trong điều kiện Việt Nam, tôi nghĩ với GDP Việt Nam thu được khoảng 23- 24% thì học phí đối với các bậc học bắt buộc như Tiểu học và THCS thì nhà nước “gánh”, đồng thời cho mở một số trường tư với học phí và chất lượng cao hơn nhiều để một số gia đình khá giả cho con theo học.
Riêng trong khu vực đại học và dạy nghề, đây là những lãnh vực đem lại lợi ích cho người học, thì trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, người đi học phải gánh là chính.
Để giải quyết bài toán công bằng xã hội, nếu không có những chính sách tương ứng thì thế nào cũng dẫn đến những chuyện con em của các gia đình nghèo phải bỏ học. Vì vậy khi tăng học phí thì phải kèm theo những chính sách quốc gia để đảm bảo chừng mức vấn đề công bằng xã hội. Một trong những chính sách có thể đảm bảo được công bằng xã hội là cho sinh viên vay vốn, có nghĩa là chuyển sự chi trả hiện tại sang tương lai. Đây là một phương án mà tôi tin là chúng ta có thể thực hiện được nếu có quyết tâm và kế hoạch đúng đắn trong vài năm tới.
Theo tôi, những ý kiến phản bác lại ngành về vấn đề tăng học phí hiện nay thường là bằng cảm tính nhiều hơn.
Mai Minh
(Thực hiện)