Buộc trách nhiệm gia đình học sinh trong việc chống xúc phạm, bạo hành nhà giáo?

(Dân trí) - Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có quy định về trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh, tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo…

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục trước Quốc hội
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục trước Quốc hội

Gỡ những “nút thắt” trong đổi mới giáo dục

Thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng trình dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục trước Quốc hội sáng 29/5, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh về tính cần thiết phải sửa luật.

Bộ trưởng Nhạ khái quát, qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các kết quả đạt được góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam, được nhiều nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, Luật Giáo dục cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; thiếu định hướng phát triển và phân luồng người học từ sau trung học cơ sở.

Quy định về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, nhất là những yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng tự học, các kỹ năng thực hành, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ và tin học.

Nội dung, chương trình học cũng chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam theo học các chương trình đào tạo quốc tế. Quan điểm tích hợp chưa được quán triệt đầy đủ trong thiết kế chương trình giáo dục.

Về phía giáo viên, Bộ trưởng GD-ĐT nhận định, quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo chưa đảm bảo yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bỏ chế độ ưu đãi học phí với sinh viên sư phạm

Trong dự thảo luật sửa đổi đề ra mục tiêu giáo dục áp dụng chung cho tất cả các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Luật sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng mở, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình, trình độ và hình thức đào tạo; đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.

Cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, xxác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.

Những nội dung sửa đổi này nhằm luật hóa một số yêu cầu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội về vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn triển khai. Theo đó, dự thảo luật đưa ra quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về việc tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa, việc tổ chức thực nghiệm chương trình; hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa…

Dự thảo luật cũng chủ trương xây dựng hệ thống chính sách đối với trường ngoài công lập, gồm chế độ tài chính, quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn, nhằm khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.

Dự luật cũng hướng tới việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo từng cấp học và trình độ đào tạo; đặc biệt chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Cụ thể, nhà nước sẽ nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy. Các quy định về trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Dự luật cũng đưa vào quy định về trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo.

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị sửa quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

P.Thảo