“Bước chân tật nguyền” vào đại học Mỹ

Ba tuổi bị sốt bại liệt, nhưng suốt hơn hai chục năm qua, chị vẫn bước vào trường đại học Kansas và những diễn đàn quốc tế tại Mỹ, Bỉ, Canada… Chị đi không phải cho riêng mình mà để mang về cho những người đồng cảnh ngộ niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống.

Đi lên bằng ý chí

Sinh năm 1966 tại xã Hiệp Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Hình ảnh về người mẹ nghèo tảo tần làm lụng để nuôi bốn đứa con đi học luôn in đậm trong tâm trí Võ Thị Hoàng Yến.

Là con gái, nhà lại nghèo, ngày ngày đến lớp với đôi chân tật nguyền và thường bị bạn bè trêu ghẹo. Ý chí và quyết tâm thay đổi thực tại đã giúp Yến  trở thành một người mạnh mẽ, tự tin vào năng lực của chính mình để vượt qua mọi trở ngại trong học tập và cuộc sống.

Thông minh, học giỏi, năng động là những gì thầy cô và bạn bè luôn nhớ về chị trong suốt những năm học ở Đồng Nai. Không chỉ tham gia mà chị còn là “thủ lĩnh” thực sự trong rất nhiều hoạt động của trường.

Sau khi học hết phổ thông, tương lai tươi sáng dường như đã hiện ra trước mắt khi chị thi đậu ĐH Kinh tế TPHCM. Nhưng khi tốt nghiệp, chị tha thẩn đi tìm việc ở khắp nơi, tới đâu cũng bị từ chối. Không nản, Yến học thêm ngoại ngữ, xin dạy kèm để có thể tự kiếm sống.

Được một năm, việc học lại gián đoạn vì đôi chân yếu dần nên phải mổ. Hơn một năm trời chị phải nằm ở nhà dưỡng bệnh. Trong khoảng thời gian đó, Yến vẫn cố gắng tự học để thi vào khoa tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Năm 1999, chị là một trong bảy tân cử nhân đạt được điểm thi tốt nghiệp cao nhất của trường.

Vào đại học Mỹ

Ngoại ngữ đã mở ra cho chị một cánh cửa khác. Tháng 6/2003, chị đoạt được học bổng toàn phần của Quỹ Ford sang Mỹ theo học ngành phát triển con người tại ĐH Kansas.

Ngay học kỳ đầu chị đã đoạt được ba điểm A và còn được mời làm trợ giảng cho một giáo sư người Mỹ. Tháng 6/2004, đề tài nghiên cứu Giúp phát triển kỹ năng cho người khuyết tật” của chị được hội đồng khoa học tại ĐH Kansas đánh giá cao.

Sau đó, bà Judith E. Heuman - Cố vấn các vấn đề phát triển cho người khuyết tật của Ngân hàng Thế giới (WB) - mời chị báo cáo đề tài này tại trụ sở chính của WB ở Washington DC. Công trình nghiên cứu đó hiện nay được dùng như giáo trình cho SV học tập tại ĐH Kansas.

Sau đó, chị được mời vào Nhà Trắng và các nơi khác trên đất Mỹ, được gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, được mời ở lại làm việc cho một số tổ chức tài chính quốc tế.

Nhưng chị đã nói “không” trước những lời mời đầy hấp dẫn ấy để trở về Việt Nam với tâm nguyện “có thể đóng góp chút ít gì đó cho quê hương, đặc biệt là cho những người đồng cảnh ngộ, vốn đang cần sự hỗ trợ từ xã hội để họ không chỉ sống mà còn sống có ích cho cuộc đời”.

Về nước, chị dồn sức lập đề án xin tài trợ của Quỹ Ford và đã được ủng hộ nhiệt tình.

Tháng 12/2005, Trung tâm “Khuyết tật & Phát triển” (thuộc ĐH Mở - Bán công TPHCM) ra đời như một mái nhà chung cho những người khuyết tật cùng nhau chia sẻ những buồn vui,  khó khăn trong cuộc sống.  

Theo Lê Hằng
Tiền Phong