Bức tranh giáo dục Việt Nam sau 5 năm “Đổi mới căn bản toàn diện”
(Dân trí) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới GDĐT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục.
Những con số ý nghĩa
Về Giáo dục mầm non, năm học 2013-2014 cả nước mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì đến năm 2017, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tháng 8/2018, Chính phủ đã thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em diện phổ cập, nhất là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Đối với, giáo dục phổ thông, Nghị quyết 29 xác định “phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương”. Tính đến 2017, số học sinh trung học phổ thông của Việt Nam là trên 2,5 triệu và số học sinh trung học nghề và trung học chuyên nghiệp trong các năm 2016, 2017 khoảng gần 600 nghìn người. Như vậy, tổng số đã có trên 67% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương.
Trong báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương”, năm 2018 của Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.
Trong 05 năm trở lại đây, thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục duy trì ở mức cao. Đặc biệt, năm 2018 đội tuyển Olympic quốc tế môn Sinh học đạt thành tích rất xuất sắc, có 01 học sinh đạt điểm cao nhất trong tất cả thí sinh và đã được Ban tổ chức vinh danh là Người chiến thắng. Giai đoạn 2012 - 2018, các đoàn học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Intel ISEF được tổ chức tại Hoa Kỳ với sự tham dự của trên 100 nước trên thế giới đã đạt được 22 giải các loại. Đặc biệt, trong năm 2017, Việt Nam là 1 trong 5 nước có giải thưởng nhiều nhất của cuộc thi.
6 thí sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam đều giành huy chương tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế 2017.
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới theo hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng.
Kết quả đổi mới thi cơ bản đã thành công, làm giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; kết quả thi đảm bảo khách quan, công bằng, có độ tin cậy và minh bạch hơn cho thí sinh; đồng thời dần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở trường phổ thông và hiện tượng luyện thi tràn lan.
Những sai phạm phát hiện trong Kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương năm 2018 đã được xác định rõ nguyên nhân và sẽ được khắc phục triệt để trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Về giáo dục đại học, đến nay có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014.
Trước 2014, chỉ có 15 chương trình đào tạo của hai Đại học Quốc gia được các tổ chức khu vực và quốc tế đánh giá, kiểm định. Đến năm 2018, đã có 104 chương trình đào tạo từ 15 trường đại học khác của Việt Nam đã được các tổ chức kiểm định quốc tế (AUN-QA của ASEAN, CTI của Pháp, ABET và AACSB của Hoa Kỳ) đánh giá và công nhận chất lượng.
Đồng thời, có 06 cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm định cấp trường, được Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đánh giá và công nhận chất lượng.
Trước năm 2014, chỉ có duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng đại học Châu Á (QS Asia) của Tổ chức xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds) nằm trong nhóm 250 trường hàng đầu thì đến năm 2018 có 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong nhóm 400 trong bảng xếp hạng đại học Châu Á của QS.
Trong đó, hai Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 150 trường tốt nhất Châu Á (Châu Á có 6000 trường đại học).
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đại học quốc tế, hai Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng đại học QS World (thế giới có hơn 21000 trường đại học). Ngoài ra, cũng đã có 3 trường đại học khác đạt mức 3 sao, 1 trường đạt mức 4 sao theo chuẩn gắn sao đại học thế giới (QS Star Rating).
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm được cải thiện. Kết quả khảo sát độc lập về việc làm thông qua phỏng vấn trực tiếp 25.000 sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng của 50 trường đại học ở cả ba miền do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình là 84% (chưa tính số người đi học tiếp), nhiều trường đạt từ 85 - 97%.
Đối với giáo dục thường xuyên: Nhiều địa phương đã thực hiện những giải pháp vận động người lớn tuổi học các lớp xóa mù chữ, với sự phối hợp của nhiều lực lượng xã hội. Vì vậy, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 80,3% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Bộ GDĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Đề án về dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Bộ GDĐT chỉ đạo xây dựng Chương trình tiếng Việt theo khung năng lực 6 bậc.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình là 84% (chưa tính số người đi học tiếp), nhiều trường đạt từ 85 - 97%.
Còn tồn tại nhiều yếu kém
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Bộ GD&ĐT thừa nhận, nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn nặng, chưa quan tâm đúng mức tới giáo dục kỹ năng sống; đổi mới phương pháp dạy học có nhiều cải tiến nhưng chưa thật ổn định; một số vấn đề như dạy thêm học thêm, lạm thu... chưa được giải quyết triệt để.
Tiến độ triển khai Chương trình, sách giáo khoa (CTSGK) mới chưa đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội; các điều kiện để bảo đảm thực hiện CTSGK còn nhiều khó khăn; sự vào cuộc, tham gia của các địa phương, cơ sở giáo dục trong việc chuẩn bị đổi mới CTSGK còn lúng túng, bị động.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên ở một số cơ sở GDĐT chưa đạt yêu cầu. Một số nơi chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ, một số ít giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Bạo lực học đường vẫn còn diễn ra, nhất là đối với các nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục.
Đội ngũ giáo viên phổ thông còn thừa, thiếu cục bộ, nhất là thiếu giáo viên mầm non. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Chính sách tiền lương đối với nhà giáo chưa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29.
Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương chậm triển khai, chưa phù hợp với thực tế, nhất là những tỉnh, thành phố có dân số cơ học tăng cao. Nhiều địa phương còn thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học.
Việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên thiếu tính khoa học. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều trung tâm học tập cộng đồng thấp, nhiều nơi sáp nhập với trung tâm văn hóa thể thao dẫn đến nhiệm vụ học tập của trung tâm bị coi nhẹ. Giáo dục hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, có nơi làm hình thức; việc phân luồng học sinh sau THCS chưa thực hiện tốt.
Hệ thống giáo dục đại học chưa được phân loại về chất lượng để có chính sách ưu tiên đầu tư theo kết quả đào tạo. Cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy ở nhiều cơ sở đào tạo chưa được hiện đại hoá.
Phương án đổi mới, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó nhưng trong quá trình tổ chức thi còn một số hạn chế, nhất là để xảy ra tiêu cực, gian lận có tổ chức trong chấm thi tại Hội đồng thi của một số địa phương (năm 2018).
Hàng loạt giải pháp khắc phục
Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, củng cố niềm tin của xã hội để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết 29 đặt ra.
Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp trong thời gian tới là rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước, trong đó tập trung rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, nhất là trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức giáo viên, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nâng cao đạo đức nhà giáo.
Đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục, trong đó tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục;
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở GDĐT; Hội nhập quốc tế trong GDĐT.
Giải pháp trước mắt Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GDĐT; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT; Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT.
Nhật Hồng (tổng hợp)