Bức ảnh… nặng hơn "ngàn tấn": Chuyện bình thường, trường nào cũng có!
(Dân trí) - Bức ảnh được truyền trên mạng xã hội với tên gọi “Áp lực học đường” làm người xem phải nghẹt thở. Tuy nhiên, với người trong nghề thì đây là hoạt động chuyên môn hết sức bình thường, trường nào cũng có.
Bức ảnh cô học trò nhỏ rúm người phát biểu khi trong lớp đang có trên chục người tham gia dự giờ, thao giảng với đoạn hội thoại gán ghép “Áp lực do đâu mà có?” được chia sẻ với tốc độc chóng mặt trên mạng xã hội.
Nhìn vào bối cảnh bức ảnh, người xem rất dễ bị “ngộp” bởi số lượng “khách mời” tham dự đánh giá tiết học. Chính vì thế dẫn đến rất nhiều bình luận, nhận xét và phần đông mọi người cho rằng thầy trò quá áp lực với tiết học dự giờ, thao giảng như trong hình.
Vậy nhưng, với người trong nghề, tiết học xuất hiện trong bức hình không phải là chuyện gì đó xa lạ, ghê gớm mà là hoạt động chuyên môn thông thường.
Cô Trần Hạnh Bích, giáo viên tiểu học ở TPHCM bộc bạch, nhìn vào bức ảnh có thể thấy ngay đây là tiết học thao giảng cấp trường theo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Như ở trường cô Bích đang dạy học thì trong năm học mỗi khối sẽ có một giáo viên đại diện lên thao giảng cho giáo viên toàn trường xem như là một tiết học minh họa theo một chuyên đề nào đó.
Với hoạt động này, giáo viên được quyền chọn tiết và chuẩn bị trước, để có tiết thao giảng đúng là mất khá nhiều thời gian của giáo viên và học sinh. Giáo viên đứng lớp sẽ xây dựng một giáo án cá nhân, dạy học sinh theo giáo án đó cho cả khối xem rồi góp ý chỉnh sửa, tiếp đó lại dạy lần nữa để hiệu phó chuyên môn tiếp tục góp ý.
“Tiết học có thể phải tập dượt đi tập dượt lại nên học trò dễ bị chậm bài học. Tuy nhiên, các giáo viên sẽ học được những điều hay, những cách thức, phương pháp hay ở những chuyên đề thông qua tiết thao giảng”, cô Bích nói.
Trong bức ảnh “gây bão” có ít nhất 14 người tham dự tiết dạy học của thầy vào trò, cô Nguyễn Kim Sen, giáo viên ở Nghệ An chia sẻ, số lượng giáo viên như trên tham dự tiết thao giảng là bình thường, có thể đó còn là ở trường nhỏ. Trung bình một tổ là 12 giáo viên, thêm ban giám hiệu và có thể các trường, các cụm cùng tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thì số lượng người dự thường cao hơn nhiều.
Cô Sen nói thêm, thao giảng nhằm đánh giá giáo viên và năng lực của học sinh, mỗi năm thường diễn ra khoảng 2 lần vào những dịp như 20/11 hay 26/3… Tiết học sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, phương tiện dạy học chu đáo và học sinh được hoạt động tích cực, thảo luận nhóm, kiểm tra…
“Một tiết học bình thường để đạt hiệu quả tốt nhất thì giáo viên và học sinh cũng đều phải chuẩn bị bài, huống hồ gì là một tiết đánh giá, một tiết học mẫu… Thông qua tiết thao giảng, không chỉ giáo viên thể hiện khả năng của mình và hơn hết là để giáo viên cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, cô Sen trần tình.
Nhiều giáo viên cũng cho hay, việc tổ chức hoạt động thao giảng đúng là còn nhiều vấn đề cần khắc phục để đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào bức ảnh mà đánh giá thì sẽ hiểu chưa đúng về giờ học này, dẫn đến những suy luận chưa đúng bản chất hay những suy diễn sai lệch.
Thực tế, hoạt động dự giờ, thao giảng rất cần thiết, nếu phát huy được mặt tích cực sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Nhất là việc đánh giá thao giảng, dự giờ đang ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Thay vì tìm điểm hạn chế, khuyết điểm của giờ học, của giáo viên đứng lớp thì đánh giá chú trọng nhiều hơn đến điểm hay, điểm tốt của tiết học, của giáo viên để trao đổi, góp ý và học hỏi.
Còn việc nhiều người tham dự tiết thao giảng của thầy trò mà người ngoài nhìn vào có thể “run” và đúng là đôi khi chính giáo viên đứng lớp cũng áp lực. Tuy nhiên, theo giải thích của nhiều giáo viên việc có đông giáo viên dự thao giảng vì đây là cơ hội để tất cả giáo viên tham gia giảng dạy được dự giờ và học hỏi lẫn nhau. Cũng như khắc phục tâm lý e ngại của giáo viên khi “bị” dự giờ vì tất cả giáo viên sẽ hoán đổi, đều được tham gia dự giờ.
“Đặc biệt, tiết thao giảng cần có nhiều giáo viên tham dự còn nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, chính xác và đa chiều”, một giáo viên tiểu học ở Q.3, TPHCM giải thích thêm về số lượng “khách mời” áp đảo trong tiết khai giảng.
Bức ảnh "Áp lực học đường" lan truyền rầm rộ trên mạng được xem như là "của hiếm, của lạ" nhưng thực tế trên nhiều trang web của các trường học, các phòng giáo dục không thiếu những bức ảnh với những giờ thao giảng tương tự như vậy.
Lê Đăng Đạt