Bù lỗ tuyển sinh thế nào?

Lượng thí sinh “ảo” nhiều, các trường thi nhau kêu lỗ sau kỳ tuyển sinh. Vậy phải bù lỗ thế nào đây?

Tại sao lỗ?

 

Hai đợt tuyển sinh ĐH 2005, thí sinh đến dự thi đạt 74% so với hồ sơ đăng ký, giảm 3% so với năm ngoái. Có nghĩa, lượng thí sinh "ảo" tăng lên. Nhiều trường ĐH "kêu trời" vì lỗ. Thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) càng cao, càng lỗ nhiều?! Mức chi còn bất cập, lỗ! Thu không đủ bù đắp chi, lỗ! Thi ở xa, lỗ! Trường có số lượng TS nhiều mà không được tự in đề, lỗ! 

 

Mặc dù ai cũng biết, không phải 100% thí sinh đăng ký đều đến dự thi, nhưng không ai dám "liều lĩnh" chỉ chuẩn bị đón tiếp 70% hay 80% số này. 

 

Mức lệ phí dự thi 20.000 đồng mỗi thí sinh như hiện nay không thấm vào đâu so với chi phí mà các trường phải bỏ ra. Trong đó, khâu phải chi phí lớn nhất là coi thi và chấm thi, vì phần lớn các trường không đủ cán bộ làm giám thị, phải thuê ngoài.

 

Ông Nguyễn Văn Đương, Phó phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, năm nay, trường lỗ gần nửa tỷ cho công tác tuyển sinh. ĐH Nông lâm TPHCM, tính cả 2 đợt thi, cũng bị “âm” trên 200 triệu đồng, Học viện Tài chính bù lỗ trên 300 triệu đồng, ĐH Ngoại thương bù lỗ 160 triệu đồng...

 

Bù lỗ bằng cách nào?

 

Trong lần làm việc với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long trước ngày diễn ra kỳ thi, các trường có đề nghị Bộ  xem lại số tiền đóng thi để tránh việc các trường phải bù lỗ cho công tác tuyển sinh.

 

Thứ trưởng  Bành Tiến Long cho rằng, lấy ngân sách bù lỗ cho việc tổ chức thi của các trường cũng khó. Vấn đề quan trọng là giao quyền chủ động cho các Hiệu trưởng; các trường cần tự điều tiết.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, để bù đắp chi phí tuyển sinh, nếu không tăng lệ phí dự thi được thì nên chăng, bắt buộc thí sinh đóng tiền lệ phí dự thi ngay khi nộp hồ sơ ĐKDT (hiện nay lệ phí thi của thí sinh nộp theo 2 công đoạn: khi ĐKDT, nộp 40.000 đồng/hồ sơ; khi đến thi: nộp thêm 20.000 đồng). Vì, khi nhận được hồ sơ ĐKDT, trường phải tổ chức thi cho 100% thí sinh đã đăng ký (cơ sở vật chất, phòng ốc, con người…).

 

Tuy nhiên, liệu thí sinh có chấp nhận không? Nếu đóng mà không thi, liệu có được nhận lại khoản 20.000 đồng?

 

Theo ông Trần Đình Lý, trường ĐH Nông lâm TPHCM, Bộ đã có các văn bản hướng dẫn định mức chi tiêu trong tuyển sinh. Hướng dẫn này được xem như "kim chỉ nam" cho các trường lập dự toán. Tuy nhiên, nên xem đây là một văn bản để tham khảo hơn là một quy định bắt buộc.

 

Theo khuyến cáo của văn bản, các cơ sở giáo dục đào tạo được tự cân đối nguồn thu để chi phí cho các hoạt động có liên quan tuyển sinh, do đó, các định mức phải để tham khảo và cân đối  thu - chi.

 

Năm 2003, rồi 2004, Bộ đều có văn bản  “hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh lệ phí tuyển sinh”. Có nhiều định mức điều chỉnh rất lớn (do bất hợp lý) về tổ  chức  trông thi, giám sát, thuê nơi làm đề, chấm thi, chấm kiểm tra, chấm thẩm định…

 

Nếu đã có văn bản hướng dẫn thì nên căn cứ vào tình hình thực tế một vài năm để rút ra những gì chung nhất để tham khảo, những gì mang tính đặc thù từng vùng, trường thì để các trường tự chủ động.

 

Theo Cam Lu

 Vietnamnet