“Bơi” trong giờ thực hành

Tại TPHCM, 17 trong tổng số 85 trường THPT ngoài công lập vẫn chưa có phòng thí nghiệm. Giáo viên nhiều trường công lập lúng túng khi sử dụng thiết bị lệch chuẩn.

Lãnh đạo nhiều trường THCS, THPT tại TPHCM cho biết một thực trạng đang gây khó khăn cho việc dạy và học hiện nay chính là thiết bị thực hành thí nghiệm vừa thừa lại vừa thiếu, đặc biệt có nhiều thiết bị không đạt chuẩn theo yêu cầu của sách giáo khoa.
“Bơi” trong giờ thực hành
Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TPHCM) trong giờ thực hành thí nghiệm.

Thiết bị nằm nguyên trong kho

Bà Hoàng Thị Nguyệt, nhân viên phụ trách phòng thí nghiệm của Trường THPT Nguyễn Huệ (quận 9), cho biết mô hình cấu trúc phân tử ADN chỉ cần 6 bộ nhưng trường được trang bị đến hơn 20 bộ. Tương tự, nhiều bộ mô hình nguyên phân, giản phân 1 và 2 vẫn còn nằm nguyên ở kho, trong khi những bộ thiết bị khác lại thiếu. Còn về độ chính xác của thiết bị, theo bà Nguyệt thì trong bài con lắc đơn, sách giáo khoa ghi chiều dài con lắc là 75 cm nhưng thiết bị thí nghiệm chỉ dài 50 cm, cổng quang điện thì mỏng manh, học sinh làm mãi không ra kết quả như sách, còn giáo viên cũng đành chịu thua.

Tại Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp), các giáo viên cho rằng đồ dùng dạy học hiện còn thiếu nhiều thứ và chưa chắc chắn, chất liệu không phù hợp, mau hư. Chẳng hạn như mô hình xương động vật làm bằng thạch cao nên dễ sứt mẻ, chỉ dùng được vài lần là các bộ phận không thể gắn được vào nhau; đồng hồ vạn năng có độ chính xác không cao; các đồng hồ đo trong môn vật lý thiếu chính xác; mô hình cho môn hình học không gian thiếu lăng trụ đặc biệt…

Né tiết thực hành?

Tại cuộc hội thảo đánh giá tình hình hoạt động của các trường THPT ngoài công lập gần đây, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết TP đang có 85 trường THPT ngoài công lập. Một số trường đã đầu tư cơ sở vật chất và trang bị phương tiện dạy học hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của các trường không đồng đều. Hiện vẫn còn 17 trường thiếu các phòng thực hành thí nghiệm.

Đại diện một trường THPT tư thục cho biết trường chưa có phòng thí nghiệm do gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Cơ sở thuê hẹp nên phải ưu tiên cho việc tổ chức lớp học. Tất nhiên còn vì lý do nữa là việc thi cử không yêu cầu học sinh phải làm thí nghiệm mà chỉ cần nắm tốt lý thuyết là đủ (?).

Với khối trường công lập, hầu như trường nào cũng có phòng thực hành thí nghiệm. Tuy nhiên, việc sử dụng các trang thiết bị cũng có những giới hạn khác nhau. Bà Phùng Thị Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), cho biết từ khi thay sách giáo khoa, số tiết thực hành thí nghiệm và kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị tăng lên. Vấn đề còn lại là các trường sử dụng thiết bị như thế nào bởi thực tế, nhiều giáo viên đang có tâm lý né các tiết thực hành phức tạp.

Cùng quan điểm trên, hiệu trưởng một trường THPT ở quận Gò Vấp nói hầu hết giáo viên chỉ có thể tổ chức cho học sinh làm thực hành, thí nghiệm với những nội dung đơn giản do phần lớn đều kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản về việc quản lý, tổ chức và sử dụng các thiết bị thí nghiệm.

 

Dừng tuyển sinh nếu không đủ điều kiện dạy học

Trước thực tế nhiều trường THPT ngoài công lập chưa có phòng thực hành thí nghiệm, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết để bảo đảm quyền lợi học sinh, sở đã có văn bản yêu cầu các trường phải có phòng thực hành thí nghiệm. Trong đó, phải đầu tư đủ các trang thiết bị. Sở GD-ĐT đã đề ra thời hạn để các trường mua sắm, đầu tư và sau đó sẽ kiểm tra. Nếu trường nào không đủ điều kiện dạy học sẽ bị tạm dừng tuyển sinh. Về việc mua sắm trang thiết bị phục vụ thực hành thí nghiệm, các trường công lập được rót kinh phí và tự mua sắm nên chịu trách nhiệm về chất lượng của trang thiết bị phục vụ thực hành, thí nghiệm.

 

Theo Nguyễn Huy

Người Lao Động