Bỏ việc nghìn đô tại Mỹ, chàng trai Việt về quê phát triển game phi điện tử

(Dân trí) - Công việc nghìn đô ở công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới không níu chân được Trần Hoàng Kim, bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình, anh chàng trở về Việt Nam gây dựng khu vui chơi tương tác thể chất và trí tuệ.

Bỏ việc tại Mỹ, về Việt Nam lập nghiệp

Hoàng Kim - sáng lập một Tổ hợp giải trí sáng tạo và trải nghiệm công nghệ cao tự nhận mình “thích làm hơn thích học”. Năm 2007, khi vừa học xong lớp 11, Kim sang Mỹ học 1 năm trung học rồi gia nhập Brigham Young University.

Mùa hè năm thứ 3 đại học, trải qua 6 vòng thi cam go, Kim trúng tuyển vị trí tư vấn viên ở công ty tư vấn chiến lược được đánh giá cao nhất nhì thế giới - McKinsey & Company và quyết định bảo lưu việc học.

Từ vị trí thực tập sinh 3 tháng lúc khởi điểm, Kim được kéo dài thời gian làm việc thành 14 tháng rồi làm việc và nhận chế độ như một nhân viên chính thức.

Tại đây, chàng trai Việt cùng với một nhóm đồng nghiệp giúp các tập đoàn lớn vạch chiến lược và giải quyết các bài toán kinh doanh dựa vào sự giúp đỡ từ mạng lưới chuyên gia khắp thế giới.


 Bỏ công việc ở một công ty toàn cầu, Hoàng Kim trở lại quê hương với chuỗi ý tưởng kinh doanh táo bạo.

Bỏ công việc ở một công ty toàn cầu, Hoàng Kim trở lại quê hương với chuỗi ý tưởng kinh doanh táo bạo.

Công việc mang tầm chiến lược luôn đòi hỏi sự sáng tạo ngày một thôi thúc Kim thực hiện dự định tự mình lập công ty riêng. Hơn một năm sau, anh chàng xin nghỉ việc nhưng không quay lại trường mà tiến vào Sài Gòn để theo đuổi những dự án riêng và thực hiện mong muốn thay đổi nhu cầu giới trẻ.

Quyết định bỏ học, về quê hương lập nghiệp của Kim không được bố mẹ ủng hộ nên toàn bộ mọi khoản chi tiêu và khởi nghiệp anh “cậy nhờ” số tiền tiết kiệm hồi còn làm ở McKinsey.

Song hàng loạt dự án đầy sáng tạo và ngỡ rằng suôn sẻ của Kim cứ lần lượt chết yểu. Số tiền tiết kiệm cũng cạn dần, có lúc Kim phải bán cả xe máy, trả nhà thuê, đi vay bạn bè mới có tiền duy trì. Khi được hỏi tại sao bán xe máy mà không phải các tài sản khác, Kim tươi tỉnh kể: “không có xe máy thì vẫn cuốc bộ được, nhưng bán máy tính thì sao khởi nghiệp được”.

Dần dần Kim đã vực lại bài toán sự nghiệp của mình bằng một dự án giáo dục hướng nghiệp thành công trên thị trường thế giới.

Mơ ước giới trẻ Việt không còn nghiện game điện tử

“Biết rằng khởi nghiệp thì cần tiết kiệm, nhưng không được tủn mủn. Công ty không có vốn, không được đầu tư đàng hoàng thì rất dễ chết yểu”, quá hiểu rõ triết lý này từ những lần thất bại, cuối năm 2014, quay về Hà Nội, Hoàng Kim quyết tâm sáng lập một dự án quy mô và bài bản hơn, với nguồn vốn hơn chục tỷ đồng, huy động cả từ tiền cá nhân, từ các nhà đầu tư, lẫn từ các khoản vay tài chính.

Và một khu vui chơi giải trí rộng gần 2.000 m2 tích hợp gần 50 trò chơi thuộc tổ hợp văn hóa nghệ thuật Hanoi Creative City được hình thành cuối năm 2015. Tất cả các trò chơi như đấu kiếm, đua xe công thức 1 thu nhỏ, golf, bóng đá, leo núi,… phục vụ nhu cầu của giới trẻ với 3 yếu tố trí tuệ, thể lực và văn minh bước đầu gây tiếng vang.


Hoàng Kim chia sẻ, dự án thành hình dựa trên những nhu cầu, đam mê cá nhân.

Hoàng Kim chia sẻ, dự án thành hình dựa trên những nhu cầu, đam mê cá nhân.

Chàng trai 25 tuổi chia sẻ, khu vui chơi được ra đời trước hết là để thỏa mãn nhu cầu và đam mê của chính bản thân Kim. Điểm đặc biệt hơn nữa của khu vui chơi có không gian cực rộng này là các trò chơi đều là “phi điện tử” dù chính Kim đã nhìn ra rủi ro.

Trước mắt, làm game phi điện tử khó hơn, rủi ro hơn khi chi phí tốn kém hơn. Nếu như một em học sinh chỉ cần vài chục nghìn là có thể “cày” ở quán net nhiều giờ thì chi phí đầu tư và chi phí cố định của mô hình game phi điện tử không thể đưa giá xuống mức đó được.

“Bản thân mình cũng đã có thời nghiện các game điện tử, may mà bây giờ cai được. Mình thực sự tin rằng game phi điện tử lành mạnh mới là tương lai của giải trí. Đời sống và dân trí không ngừng đi lên thì dần dần nhu cầu giải trí lành mạnh, dù có đắt hơn sẽ phát triển”, Kim tâm sự về điều thôi thúc anh theo đuổi dự án của mình.

Đi tiên phong trong một lĩnh vực còn đầy mới mẻ, Kim và anh em trong công ty non trẻ phải vận dụng mọi sự tinh khôn và khả năng mò mẫm để giải quyết hàng tá bài toán từ lớn đến nhỏ.

“Mọi người đến chơi chỉ nghĩ đơn giản là cứ nhập thiết bị về là có thể chạy được, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Thời gian đầu mới chạy trò đấu kiếm 3 cạnh (Epee), kiếm liên tục gãy, do cả ý thức và kỹ thuật của khách có hạn.

Đích thân mình phải bay sang nước ngoài nhiều lần tham khảo thử nghiệm đủ các loại kiếm mà vẫn gãy. Các VĐV chuyên nghiệp tư vấn cho mình cũng “gác kiếm”, vì việc gẫy kiếm là vô cùng hy hữu trong giới thi đấu. Trong cái khó ló cái khôn, anh em kỹ sư sáng kiến ra phương pháp táo bạo là nhập lưỡi kiếm của dòng khác (kiếm chém dẻo hơn) về lắp vào thân và hệ thống điện của kiếm cũ. Bất ngờ là tỷ lệ gẫy giảm hẳn.

Cứ tưởng được ăn mừng, thế mà hệ thống tính điểm do không tương thích nên rất hay lỗi. Anh em lại đánh liều tự chế cả hệ thống tính điểm mới luôn. Đến bây giờ chạy tạm ngon mấy tháng rồi vẫn thấp thỏm xem liệu có phát sinh vấn đề gì không”, Kim kể.


Thử thách thiện xạ cho các cung thủ thế kỷ 21.

Thử thách thiện xạ cho các cung thủ thế kỷ 21.


Leo núi trong nhà.

Leo núi trong nhà.

Bỏ học và thỏa ước mơ được “làm chủ” nhưng Kim không từ một việc gì, từ bê vác, quét dọn, đón khách, quản trò… , vừa vì thích mà cũng vừa vì muốn hiểu khách hàng và hiểu cách vận hành hơn.

Gần đây khi đội ngũ nhân sự đã tương đối vững mạnh, chàng trai 9X có thời gian hơn để lập kế hoạch và thực hiện những mục tiêu dài hạn hơn, như là phát triển hệ thống phân phối, nhân rộng mô hình… Kim dự định sẽ mở trung tâm thứ 2 trong năm 2016 này và mở được cơ sở trong TP.HCM vào năm 2017.

Lệ Thu