Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tránh đào tạo đi theo hướng ăn xổi
(Dân trí) - Sáng ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và các trường đại học đóng trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những thành tích của ngành Giáo dục Nghệ An đã đạt được trong thời gian qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nghệ An đã trở thành một điểm sáng về giáo dục ở khu vực Bắc miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Nghệ An có tốc độ xây dựng trường chuẩn quốc gia cao nhất khu vực miền Trung (55,5%), một trong 10 tỉnh có tỷ lệ cao nhất nước.
Nghệ An cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt mục tiêu 10 năm xóa trắng trường mầm non khi tất cả các phường, xã có trường mầm non. Giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông đều có bước phát triển đồng đều, vững chắc. Đặc biệt, hằng năm Nghệ An đóng góp vào thành tích chung của ngành giáo dục cả nước khi có nhiều học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế (trong 5 năm qua, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có 9 học sinh đoạt huy chương vàng quốc tế). Tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh đỗ ĐH, CĐ ở Nghệ An luôn ở top dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, Nghệ An đang hướng tới là trung tâm giáo dục, đào tạo của khu vực khi có tới 9 trường ĐH, CĐ, 15 trường trung cấp chuyên nghiệp đóng trên địa bàn.
Tuy nhiên, tại Nghệ An công tác đào tạo chưa thực sự gắn kết với nhu cầu nhân lực của địa phương. Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị tỉnh Nghệ An tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, gắn với điều kiện tiềm lực con người và nhu cầu thực tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT một số vấn đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
“Nghệ An là đất học, hiếu học, học giỏi, hàng năm có nhiều học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế, các học sinh đỗ ĐH, CĐ điểm cao… Tuy nhiên, làm thế nào để Nghệ An giữ chân được người giỏi, lao động chất lượng cao về quê làm việc, cống hiến ngay trên chính quê hương mình? Muốn làm được điều này, Nghệ An cần xây dựng cơ chế để thu hút, khai thác nguồn nhân lực lao động chất lượng cao… Cần có sự gắn kết giữa các trường ĐH, CĐ để đào tạo nguồn nhân lực cho Nghệ An gắn với định hướng của Chính phủ cũng như nhu cầu của địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp ngay từ bậc tiểu học, gắn liền với truyền thống ngành nghề của địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới căn bản giáo dục, chú trọng chất lượng đào tạo ngoại ngữ, liên kết với các địa phương, công ty, doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn… là những giải pháp được đưa ra tại buổi làm việc.
Hiện Nghệ An là một trong 8 tỉnh có số lượng trường ĐH, CĐ nhiều của cả nước. Tuy nhiên, công tác đào tạo tại các trường chưa thực sự tương xứng với tiềm lực cũng như nhu cầu thực tế. Các trường ĐH, CĐ tại Nghệ An chưa có ngành đào tạo mũi nhọn, chuyên sâu, chưa có tính liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo lao động chất lượng cao. Các đại biểu cho rằng, muốn Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực, cần xem xét đến việc quy hoạch hệ thống các trường đại học cũng như quy hoạch ngành đào tạo. Cần thiết phải có 1 trường ĐH “đầu tàu”, đồng thời xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vệ tinh với những ngành nghề đặc thù, chuyên sâu, phục vụ thực tiễn nhu cầu trước hết là của địa phương mình.
Nghệ An đã có đề nghị Bộ GD-ĐT nâng cấp 3 trường cao đẳng lên đại học. Tuy nhiên, các đại biểu đều có ý kiến rằng chất lượng nhân lực cao không có nghĩa là bằng cấp cao. Thực tế có nhiều trường xin nâng cấp nhưng khi nâng cấp rồi chỉ xin đào tạo cao đẳng vì không đủ khả năng, tiềm lực. Chủ trương của Bộ sẽ ngừng đào tạo cao đẳng vào năm 2020. Vì vậy cần phải có sự kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả kiểm định để xác định trường nào đáng để đầu tư, nâng cấp, những trường tốp yếu có thể để trở thành phân hiệu của các trường lớn thay vì nâng cấp các trường CĐ, thành các trường đại học.
Trước đây 80-90% học sinh tốt nghiệp THPT đăng kí thi vào đại học. Năm 2015, tỉ lệ này chỉ còn 60%. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong công tác phân luồng hướng nghiệp. Mặc dù vậy, bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, phân luồng, hướng nghiệp cần phải quan tâm đến công tác sau phân luồng để tận dụng nguồn lao động này phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đào tạo nguồn lực chất lượng cao gắn với nhu cầu thực tiễn, tránh kiểu đào tạo "ăn xổi".
Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, song song với việc đào tạo, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao, với hệ thống trường dạy nghề, trung tâm đào tạo, Nghệ An sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm giữ chân lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương. Ngoài ra, đây là sẽ là nguồn lao động cung ứng cho Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, mặc dù Nghệ An đã có những kết quả cao trong giáo dục những năm qua nhưng đặt trong bối cảnh thực tế thì chưa thực sự đồng đều. Muốn có sự phát triển mang tính đột phá trong công tác đào tạo nhân lực cần có phương án đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tập trung vào mũi nhọn thay vì đầu tư dàn trải. “Muốn đào tạo được kỹ sư ít nhất phải mất 3-4 năm. Các khu công nghiệp đã hình thành rồi nhưng nhân lực đi sau, khi doanh nghiệp cần không có. Các trường cần nghiên cứu lại đào tạo ngành nghề, dự đoán nhu cầu của địa phương để đào tạo, tránh đào tạo đi theo hướng ăn xổi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng lưu ý ngành giáo dục Nghệ An cũng như chính quyền các cấp một số vấn đề chuẩn bị cho năm học mới, tiếp tục thực hiện Thông tư 30, nghiên cứu áp dụng mô hình trường học mới VNEN phù hợp với thực tiễn của địa phương…
Hoàng Lam