Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ninh Thuận cần tạo ra điểm sáng về giáo dục

(Dân trí) - Sáng 22/2, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc làm việc với Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Thuận.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc làm việc với Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh về phát triển giáo dục và đào tạo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc làm việc với Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh về phát triển giáo dục và đào tạo

3 vấn đề với giáo dục Ninh Thuận

Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, quy mô giáo dục khá nhỏ bé với 327 cơ sở giáo dục, 130.000 học sinh và trên 10.000 giáo viên.

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cố gắng song do điểm xuất phát khó khăn nên chưa tạo ra được những điểm sáng về giáo dục, đào tạo. Đặc biệt những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên đã ảnh hưởng tới giáo dục Ninh Thuận.

Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, có 3 vấn đề lớn được đặt ra để bàn bạc và thống nhất triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy giáo dục Ninh Thuận phát triển.

Trước yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh và của cả vùng, việc có một trường đại học đóng trên địa bàn Ninh Thuận là vô cùng cần thiết. Sau khi cân nhắc và tính toán, hai bên đã thống nhất về việc xây dựng đề án thành lập phân hiệu Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, trong đó lựa chon 4-5 ngành phù hợp với đặc thù, thế mạnh của địa phương, của vùng và hội nhập quốc tế để đào tạo, quá trình phát triển lâu dài sẽ có những tính toán cụ thể để nâng lên thành trường đại học của địa phương hoặc của vùng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Thay vì việc nâng cấp trường cao đẳng lên thành trường đại học, việc bắt đầu từ phân hiệu của một trường đại học có “thương hiệu” sẽ giúp cho quá trình kết nối với các trường đại học khác dễ dàng hơn. Quá trình xây dựng đề án phân hiệu cần lưu ý tính toán đến trường cao đẳng hiện nay của địa phương sao cho hợp lý và hiệu quả”.

Bộ trưởng giao Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì xây dựng đề án thành lập phân hiệu tại Ninh Thuận và hoàn thành trước tháng 6/2017.

Về đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên tỉnh Ninh Thuận, hai bên thống nhất đây là việc cần thiết để tạo ra đơn vị đầu đàn đưa giáo dục Ninh Thuận phát triển so với các tỉnh trong vùng và trong cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần phải có một đề án cụ thể, chi tiết về dự kiến xây dựng, quy mô đầu tư, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, thời điểm đầu tư… sau đó mời bàn được tới kinh phí đầu tư.

“Về quan điểm chung, Bộ sẽ hỗ trợ hết mức để Ninh Thuận có được một Trường THPT Chuyên xứng tầm là nơi đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài cho tỉnh. Song cũng cần mở rộng quá trình xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư không chỉ cho xây dựng trường chuyên mà còn mọi lĩnh vực của giáo dục” - Bộ trưởng khẳng định.

Về quy hoạch trường nội trú, bán trú tỉnh Ninh Thuận, hai bên thống nhất sẽ rà soát lại hệ thống và tính toán quy hoạch thành các cụm trường, tạo điều kiện thuận lợi và tập trung cho quá trình đầu tư, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế hiện nay do quy mô các trường nội trú tại tỉnh Ninh Thuận nhỏ bé nên nếu không có sự du dịch thành các cụm trường việc đầu tư sẽ dàn trải và kém hiệu quả.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng giáo dục Ninh Thuận sẽ là điểm sáng trong toàn ngành về nề nếp, kỷ cương

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng giáo dục Ninh Thuận sẽ là điểm sáng trong toàn ngành về nề nếp, kỷ cương

Tăng cường kỷ cương, nề nếp, dân chủ trong trường học

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, với xuất phát điểm khó khăn về giáo dục đào tạo, ngành Giáo dục Ninh Thuận cần bám sát các chỉ đạo của Bộ, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chung cần tìm ra được những điểm thế mạnh để tạo ra điểm sáng cho giáo dục địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục Ninh Thuận cần tập trung vào công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp học, căn cứ vào các chuẩn, quy chuẩn để quy hoạch theo hướng dự báo lâu dài để đầu tư xây dựng các trường, cụm trường.

Tỉnh cần chủ động về đội ngũ giáo viên, nếu có tình trạng thiếu thừa cục bộ làm việc với Bộ để tìm cách tháo gỡ kịp thời. Bộ trưởng cũng lưu ý cần quan tâm đến chế độ cho đội ngũ giáo viên, tăng cường tính dân chủ trong trường học để các thầy cô giáo được nói lên những bất cập, hạn chế, khó khăn trong quá trình công tác.

Bộ trưởng đề nghị ngành giáo dục Ninh Thuận cần đẩy mạnh ứng dụng tin học trong giảng dạy, quản trị nhà trường; tăng cường dạy và học ngoại ngữ. Về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, Ninh Thuận cần chủ động rà soát, quy hoạch theo hướng tinh gọn và đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với những điểm mới như chỉ còn một cụm thi tại địa phương, các môn chủ yếu thi trắc nghiệm cũng được Bộ trưởng lưu ý với tỉnh Ninh Thuận chủ động, tích cực trong công tác chuẩn bị cho một kỳ thi nghiêm túc, khách quan và an toàn.

Cuối cùng, Bộ trưởng mong muốn ngành giáo dục Ninh Thuận chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh, quán triệt sâu rộng Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

“Giáo dục Ninh Thuận còn nhiều khó khăn nhưng dù chưa mạnh về điều kiện nhưng tôi mong rằng giáo dục Ninh Thuận sẽ là điểm sáng trong toàn ngành về nề nếp, kỷ cương” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Minh Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm