Bộ trưởng Giáo dục gặp gỡ học sinh có bài văn xôn xao
(Dân trí) - Sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và làm việc tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) - cái nôi của đất học miền Trung và là ngôi trường có <a href="http://www8.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/11/151474.vip">bài văn gây xúc động lòng người</a> của một em học sinh lớp 10.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã gặp mặt và trao quà cho em Nguyễn Thị Hậu, tác giả của bài văn về bố rất cảm động và 4 học sinh khác vì có thành tích vượt lên khó khăn để học tốt.
“Thông qua báo chí tôi đọc được bài văn của em Nguyễn Thị Hậu, học sinh lớp 10A2. Tôi thấy bài văn thể hiện tình cảm hết sức chân thành của một người làm con. Bài văn thực sự đã gây xúc động lòng người... Tôi cho rằng để có được bài văn như thế chắc chắn phải có một môi trường dạy tốt. Và thực tế, Trường Huỳnh Thúc Kháng là cái nôi cho sự học, đây là nơi mà nguyên các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước đã từng học tập...”, Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có cuộc trò chuyện thân mật với cô giáo Phan Thị Thanh Vân - giáo viên dạy văn của em Nguyễn Thị Hậu.
Bộ trưởng Nhân “phỏng vấn” một cách rất có “nghề”. Ông liên tiếp đưa ra các câu hỏi và chăm chú nghe cùng tốc ký những nội dung mà cô giáo Vân trao đổi về công việc dạy và học văn.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Lâu nay cách dạy của mình khô khan, cứng nhắc, không khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh, cách dạy của cô có như thế không?
Cô Phan Thị Thanh Vân: Thưa Bộ trưởng, lâu nay chúng em dạy theo cách truyền thống nên có phần “hổng” nhất định. Nhưng sau khi tiếp cận chuyên đề đổi mới giảng dạy thì thấy có nhiều công dụng hơn hẳn. Tổ Văn chúng em thường xuyên trao đổi với nhau xem cách dạy như thế nào cho nó khác trước đi để tạo sự hấp dẫn trong giờ học, gây hứng thú cho các em...
|
|
Thế xưa nay việc ra đề Văn là từng thầy cô hay tổ ra?
Là giáo viên bộ môn ra đề, sau đó có hội ý trong nhóm, trong tổ để có sự thống nhất về cách ra đề.
Mấy năm trước tự giáo viên ra đề sau đó mới trao đổi trong tổ phải không?
Dạ vâng. Và thường thường trong một buổi kiểm tra thì em ra khoảng 3 đề để các em lựa chọn. Việc làm này đã làm từ nhiều năm trước.
Ngoài đề viết về người em yêu thương nhất thì hôm đó cô còn ra đề nào nữa không?
Dạ có. Một đề là phân tích bức tranh thiên nhiên của hai câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Một đề nữa là kiểm tra cái mức độ cảm thụ, suy nghĩ của học sinh về một tác phẩm văn học trong đời sống. Còn đề văn phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất (Đề mà em Hậu đã làm - PV) nhằm hi vọng các em có được tiếng nói rất chân thật về những suy nghĩ của mình. Và lớp em có 45 em thì hầu hết các em đều chọn đề viết về người thân.
Sau khi trò chuyện với cô giáo Thanh Vân, Bộ trưởng cũng đã tâm sự, động viên giáo viên của trường cần phát huy truyền thống và luôn luôn đổi mới, luôn sáng tạo. Tìm ra được cách dạy và học hiệu quả nhất. Bộ trưởng hi vọng bài văn “gây xôn xao dư luận” chỉ là “đốm sáng nhỏ” để thổi bùng lên cái sự học...
Kết thúc buổi làm việc tại trường Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ có mặt tại bến đò Chôm Lôm - nơi xảy ra tai nạn chìm đò ngày 7/10 làm 19 em học sinh thiệt mạng. Bộ trưởng sẽ trực tiếp thăm hỏi gia đình các em bị nạn và trao tặng gần 200 áo phao cho các em học sinh ở 3 bến đò ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông.
Đặng Nguyên Nghĩa