Bỏ thi tuyển vào lớp 6, thêm áp lực mới?
(Dân trí) - Những phương thức mới thay thế thi tuyển vào lớp 6 như khảo sát, làm bài test… chưa hẳn đã giảm áp lực cho học trò mà có thể đang chuyển từ cái khó này sang cái khó khác.
Khảo sát khác với thi tuyển
Trước lệnh cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT, TPHCM đã chốt phương án xét đầu vào lớp 6 Trường Chuyên THPT Trần Đại Nghĩa bằng bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh thay cho việc thi ba môn Toán, Tiếng, Việt như trước.
Được biết, với thời lượng 90 phút, cấu trúc đề khảo sát năng lực bằng tiếng Anh sẽ bao gồm 2 phần. Phần 1 với 30 câu trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn, một phương án đúng; phần 2 là phần viết với 10 câu hỏi.
Khảo sát không đặt ra yêu cầu như vậy mà mục tiêu nhằm đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh (HS) trong cả quá trình học tiểu học với nhiều nội dung, lĩnh vực khác chứ không thuộc giới hạn, khuôn khổ của môn học nào.
Thông qua việc khảo sát, kiểm tra kỹ năng đọc, hiểu, nghe, viết tiếng Anh để phát hiện và tuyển chọn những em có khả năng tư duy logic, khả năng phán đoán, suy luận nhạy bén, khả năng vận dụng kiến thức, trí thông minh…
Việc khảo sát năng lực thông qua tiếng Anh được lãnh đạo ngành Giáo dục TPHCM lý giải 100% các em vào Trường Trần Đại Nghĩa sẽ học tiếng Anh tăng cường. Các em phải đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh cũng như để thích ứng được việc học các môn Toán, khoa học bằng tiếng Anh khi vào trường.
Ông Hiếu cũng chia sẻ, phụ huynh tránh gây áp lực cho con khi tham gia khảo sát. Nếu không vào Trường Trần Đại Nghĩa, các em HS vẫn tham gia xét tuyển lớp 6 vào các trường theo tuyến trên địa bàn quận, huyện bình thường.
Test các dạng thông minh thay thi tuyển: Bình mới rượu cũ?
Để tuyển chọn HS lớp 6 mà không thi tuyển, nhiều phương án được nhiều trường đề cập đến như đo chỉ số IQ, đo năng lực HS theo các dạng thông minh bằng các bài test. Mới nhất, Trường THCS - THPT Hà Nội - Amsterdam nghiêng về phương án tập trung phát hiện năng lực học trò bằng bài test các dạng thông minh.
Được biết, bài test với thời gian làm bài 45 phút, dạng viết, nội dung được được xây dựng trên cơ sở của lý thuyết đa trí tuệ. Bài test không đo lường khối lượng kiến thức, mà tập trung vào việc đánh giá năng lực sử dụng, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, trong môi trường tự nhiên, xã hội.
ThS Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt cho hay: “Test IQ là một dạng đề thi còn khá mới mẻ với học trò, rất nhiều HS chưa bao giờ tiếp cận dạng đề thi này. Nếu khối trường chuyên áp dụng sẽ là một thách thức cực lớn với HS.
Chưa nói đến kiến thức trong bài test, chỉ riêng việc tiếp cận với hình thức đề mới, HS sẽ có những lúng túng nhất định. Việc chuyển qua việc test các loại hình thông minh theo dạng bài IQ trong 45 phút như trường Hà Nội Amsterdam đưa ra là một thử thách mới với học trò”.
Với những dạng IQ khó, đòi hỏi trẻ phải thành thục, nhìn là biết phân loại dạng đề để có hướng tìm đáp án. Nếu trẻ chưa bao giờ hoặc thỉnh thoảng mới tiếp xúc dạng đề này, thực sự là một trở ngại lớn. Thời gian làm bài test tính bằng mấy chục giây/1 câu, chỉ cần mất phương hướng, lúng túng một câu thôi có thể ảnh hưởng tới toàn bộ kết qua bài thi.
Bà Lan Anh cho rằng, test IQ xét về bản chất là áp dụng phương án “bình mới, rượu cũ” - một trò chơi chữ thay thi bằng test. Cái khó ở đây đến từ cả 2 phía: nội dung thi và hình thức bài thi. Hình thức bài thi dạng test IQ vốn rất mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam, để vượt qua, yêu cầu các em phải làm quen với các dạng đề và ôn luyện kỹ lưỡng.