Bố phá sản, con "đứt đường" du học

Nhiều du học sinh đã phải tạm gác chuyện tu nghiệp vì lý do kinh tế gia đình khó khăn, về nước tìm một việc làm trước mắt. Cũng có một lượng không nhỏ du học sinh bảo lưu rồi tìm việc làm thêm tại nước đang theo học.

Làm ăn khó khăn, gọi con về nước

 

Đang theo học tự túc tại Anh quốc với mức chi phí trọn gói hàng tháng trung bình lên đến 2,9 nghìn bảng/tháng – khoảng trên 90 triệu đồng, Nguyễn Quốc Anh (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) đành ngậm ngùi bảo lưu một năm học về nước.

 

Quốc Anh giờ là nhân viên Công ty truyền thông FM buồn kể: “Nhà kinh doanh khách sạn nhỏ nhưng năm qua làm ăn không tốt, bố lại ngập vào mấy BĐS bị đắp chăn nên kinh tế gia đình quá khó khăn. Hàng tháng, chi phí cho con đi học, rồi tiền lãi ngân hàng… Thấy bố mẹ kêu ca gánh không nổi nên em quyết định tạm nghỉ một năm”.

 

Học cùng trường với Quốc Anh, Vũ Thị Hải (tổ 6 Định Công, Hà Nội) cũng đã về nước. Dù chỉ còn một năm song Hải quyết định tạm nghỉ bởi bố mẹ đã chia tay nhau sau khi công ty của gia đình phá sản.

 

“Giờ Hải đang xin đi bán hàng cho siêu thị bên đó, bạn ấy tính gom góp ít tiền rồi quay lại trường học tiếp. Trường chỉ cho bảo lưu một năm mà không biết một năm nữa tụi em có điều kiện quay lại trường hay không?”, Quốc Anh tâm sự

 

Thuê nhà, học phí và chi phí ăn ở không quá cao song Nguyễn Minh Tiến, du học sinh trường phân viện Puskin-Mascova vẫn phải ngậm ngùi về nước.

 

Nhận làm tư vấn mảng du học Nga cho một tổ chức chuyên tư vấn du học ở trong nước với mức lương 6 triệu/tháng, Tiến tâm sự: “Một năm chỉ chi phí trên dưới 100 triệu song với khả năng của gia đình em hiện nay, số tiền đó cũng khá lớn bởi hai anh em đều đi du học. Em gái em học ở Anh nên chi phí đắt đỏ hơn nhiều lần, thương em nên em đành phải nghỉ cho em có cơ hội học xong”.

 

Xuất ngoại đi du học tự túc tận nước Mỹ xa xôi khi mẹ đang quản lý kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực có tiếng ở thành phố Hải Phòng, Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên trường đại học South Florida đã có nửa năm theo học khá vất vả với kinh phí eo hẹp gia đình gửi sang.

 

Quyết định ra ngoài xin việc đi làm sau hai năm theo học, Quỳnh Anh chia sẻ trên facbook: “Chứng khoán đã khiến mẹ mình không còn đủ cả tiền gửi sang cho mình. Đành dẹp giấc mộng đèn sách để mưu sinh đã. Quay về là thất bại nhưng phía trước thật lắm trông gai”.  

 

Cha mẹ thua lỗ, con dở dang học hành (Ảnh minh họa)

Cha mẹ thua lỗ, con dở dang học hành (Ảnh minh họa) 

 

Cha mẹ thua lỗ, con sập cầu

 

Cho con đi du học, chị Nguyễn Thị Châu (Hoàng Cầu, Hà Nội) không nghĩ sẽ có lúc việc kinh doanh khó khăn và trì trệ như hiện nay.

 

“Việc đi học của cháu đã được tính toán kỹ cả số tiền cho bốn năm học tại Anh. Khi bắt đầu đi, chúng tôi chỉ phải chứng minh tài chính một năm nên cũng chủ quan. Hai năm nay, việc kinh doanh thiết bị của bố cháu không thuận lợi, hàng tồn kho quá lớn nên chúng tôi lâm vào tình thế khó khăn. Cháu chủ động gọi về nói sẽ bảo lưu để đi làm tạm một năm”.

 

Theo chị Châu, năm 2011, khi chị cho con đi du học cũng là theo số đông gia đình bạn bè trong giới kinh doanh tư vấn cho nhau, điều kiện kinh tế của cha mẹ có nên muốn con cái được học tại các nước có nền giáo dục phát triển. Chị cho biết, một vài người bạn của chị có tới hai con đi du học tự túc cũng đã cho con về nước theo học trong nước vì không kham nổi chi phí.

 

Theo học thạc sỹ chuyên ngành Kiến trúc tại Đại học Sheffield (Anh), chị Đặng Huyền Trang cũng đã về nước bởi chồng không đủ kinh phí gửi sang cho vợ.

 

Chị cười: “Chi phí học khá cao nhưng chồng tính lo được nên động viên đi. Mình vừa đi nửa năm thì công ty của anh ấy đóng cửa do đối tác nước ngoài rút vốn, bạn bè góp vốn cũng rút hết do kinh tế khó khăn nên anh ấy phá sản”.

 

Bà Tô Nguyệt Phương, Trưởng phòng tư vấn và marketing một công ty tư vấn du học lớn ở Hà Nội cho biết: “Việc bảo lưu có thể thực hiện nhưng cần lưu ý bởi các yếu tố như thời gian visa, học phí có thể tăng theo thời điểm đi học trở lại sau bảo lưu và có thể phải thi lại ngoại ngữ”.

 

Theo bà Phương, việc bỏ học giữa chừng do eo hẹp kinh tế không phải là lạ bởi việc chứng minh tài chính chỉ cần cho năm học đầu tiên. "Theo quy định của các nước như Anh, Úc, Mỹ... thì chỉ cần chứng minh tài chính trong 1 năm đầu tiên, nên các năm tiếp theo không có gì đảm bảo. Nếu gia đình học sinh không đủ tài chính để cung cấp, học sinh không có khả năng tự xoay xở thì việc học bị dang dở.

 

Ngoài số tiền đặt cọc học phí tại Việt Nam khi xin visa, các khoản phí ăn ở, học phí năm tiếp theo... đều phụ thuộc vào sự chủ động của gia đình và học sinh. Khi chứng minh tài chính thì có sổ tiết kiệm, nhưng sau khi có visa, gia đình có toàn quyền với sổ tiết kiệm đó”.

 

Tư vấn cho các gia đình muốn cho con em đi du học trong điều kiện hiện nay, bà Phương cho biết: “Khi nền kinh tế đang khó khăn, sinh viên thuộc gia đình có điều kiện mong muốn tranh thủ để củng cố kiến thức và có bằng cấp quốc tế nên tìm thị trường du học có chính sách và chi phí thuận lợi và hợp lý. Có thể lưu ý thêm khả năng tìm kiếm công việc làm thêm, có cộng đồng người Việt đông để tìm các hỗ trợ. Nên lưu ý đến các chính sách ưu đãi cho sinh viên quốc tế như: phí sử dụng phương tiện giao thông công cộng giảm, học phí của con cái của du học sinh được tính như học sinh bản địa...”.

 

Theo HM

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm