Bố mẹ sốc vì bạn cùng phòng của con gái là… trai Mỹ

(Dân trí) - Nữ du học sinh Bùi Ái Vân, hiện đang theo đuổi Thạc sỹ Cancer Biology tại Trường Đại học Northern Illinois University đã có những kỉ niệm đau thương, “cười ra nước mắt” về chuyện bạn cùng phòng khi sang Mỹ du học.

Thuê luật sư ra tòa mới tách được bạn cùng phòng sống bừa bãi

Hành trình nộp hồ sơ du học quả thực đầy khó khăn và khi đã đến được nước Mỹ rồi, các bạn trẻ Việt lại tiếp tục phải đối mặt với vô vàn thử thách trong cuộc sống du học ở trời Tây, một trong số đó là câu chuyện “roommate” – bạn cùng phòng.

Những mẩu chuyện chân thực về rắc rối nhà trọ, bạn cùng phòng được các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo “You can do it” 2016 với chủ đề “Fight for your dreams” (Chiến đấu vì ước mơ của bạn) của tổ chức phi lợi nhuận USGuide vừa đây tại Hà Nội.


Bạn Bùi Ái Vân chia sẻ về kỉ niệm “đau thương” với cô bạn cùng phòng người Ấn tại hội thảo “You can do it”.

Bạn Bùi Ái Vân chia sẻ về kỉ niệm “đau thương” với cô bạn cùng phòng người Ấn tại hội thảo “You can do it”.

Bùi Ái Vân đang theo đuổi chương trình Thạc sỹ ngành Sinh học ung thư tại Đại học Northern Illinois cũng từng nghĩ sang Mỹ rồi thì cuộc sống sẽ văn minh, bằng phẳng, sẽ là đi học rồi lại về nhà, thỉnh thoảng đi du lịch…

Nhưng chỉ sau gần một tháng, Vân đã phát hiện cuộc đời mình “xuống dốc” vì thói quen ở bẩn của bạn nữ cùng phòng người Ấn Độ. Dở khóc dở cười hơn khi cô bạn người Ấn ngày nào cũng nhắc nhở nữ du học sinh Việt rằng “mày may lắm mới được ở với tao đấy!”.

Những ngày đầu tiên vất vả làm quen với việc nghiên cứu và trường lớp, về nhà, Vân còn có công việc “part- time” là dọn dẹp nhà cửa vì một đứa cứ bày, một đứa cứ dọn.

“Đỉnh điểm là vào mùa thi mình không dọn được, bạn mình sang chơi và nó đã từ chối đi toilet với lí do: toilet nhà mày còn bẩn hơn nhà vệ sinh công cộng”, Vân kể.

Không thể tiếp tục cảnh sống ngập ngụa như một đống rác với bạn cùng phòng bừa bãi nhưng hành trình chuyển nhà của cô gái Việt cũng đầy chông gai khi hợp đồng thuê nhà kéo dài đến 1 năm. Vân bị chủ nhà và bạn cùng phòng gây nhiều khó khăn.

Hay tin Vân có ý định chuyển đi, cô bạn người Ấn ngày nào cũng nhắn cho cô bạn khoảng 10-100 tin nhắn. Ban đầu là những câu “tại sao mày lại muốn chuyển?”, “Tao là best roommate ever rồi, mày không bao giờ tìm được đứa nào hơn tao đâu”

Sau khi có vẻ không lay chuyển được Vân, cô bạn người Ấn bèn quay sang chửi Vân là “đồ không biết thương người”, “tại sao tao ốm thế này mà mày lại muốn chuyển đi, mày học bác sĩ mà thế à?” và tìm mọi cách không cho cô nàng chuyển đi.

Vân đưa bạn nào về để ghép cô gái Ấn Độ vẫn từ chối. Tiếp đó, cô gái Việt tìm một bạn cũng đến từ Ấn Độ để ghép vào với cô bạn cùng phòng người Ấn Độ và đã thông báo trước cả tháng thì cô ấy chỉ im lặng.

Đến mùa Noel, cuộc “hoán đổi” bạn cùng phòng ngỡ diễn ra suôn sẻ nhưng khi ngay tối dọn đồ đi Vân đã nhận được tin nhắn “tao không đồng ý cho con đấy vào đâu” từ cô bạn kia.


Các bạn trẻ theo dõi buổi chia sẻ kinh nghiệm xương máu của những anh, chị DHS đi trước.

Các bạn trẻ theo dõi buổi chia sẻ kinh nghiệm "xương máu" của những anh, chị DHS đi trước.

Quá tuyệt vọng và bế tắc, đôi phút mệt mỏi Vân muốn bỏ tất cả để trở về Việt Nam nhưng suy nghĩ lại, cô bạn tiếp tục chiến đấu vì… không còn gì để mất. Vân bỏ tiền thuê luật sư và được giải quyết nhanh gọn sau vài ngày, cô bạn người Ấn kia không còn lí do gì để bắt cô ở lại cùng. Ngoài tiền thuê luật sư, cô bạn đã mất một khoản tiền phạt kha khá vì phá hợp đồng thuê nhà sớm.

Ái Vân sống ở phía bắc Illinois nên mùa đông rất lạnh (-30 độ C), lúc này các phương tiện công cộng ngừng hoạt động. Sau nhiều cố gắng, Vân mua xe ô tô nhưng ngày đầu tiên lái xe ra khỏi bãi đỗ của khu nhà thì đã quẹt ngày vào chiếc xe mới toanh đắt tiền hiệu Đức (sửa ở Mỹ rất đắt) của một người cùng khu nhà.

Linh cảm rằng khu nhà này đem lại nhiều điều đau khổ cho bản thân, để bù đắp những ngày tháng “đen tối”, cô bạn quyết định chọn ở biệt thự đẹp nhất để ở. Lúc này là vào mùa đông ,vì hợp đồng nhà của đa phần du học sinh chưa hết hạn nên việc tìm nhà khá khó khăn, cuối cùng cô gái Việt đã ở trong khu nhà biệt thư và có bạn cùng phòng là… một bạn nam người Mỹ.

“Ở nước Mỹ chuyện bạn cùng phòng là nam với nữ rất phổ biến, bởi vì nữ với nữ sống với nhau thì cãi nhau còn nam với nam thì ở bẩn… cho nên nam với nữ ở với nhau lẫn lộn (và tất nhiên có phòng ngủ riêng).

Con trai thì thường không dùng nhà bếp với nhà tắm mấy, chịu khó dọn dẹp một tí thì nhà đó thành nhà của mình”, Vân kể.

Tuy nhiên, bố mẹ ở Việt Nam khi vừa hay tin con gái chuyển đến ở cùng nhà với một “thằng Tây” thì rất sốc và ngày nào cũng gọi điện khuyên ngăn.

Mẹ Vân thậm chí đã viết tâm thư rất dài gửi sang nhưng không lay chuyển được con gái, gia đình đã cắt đứt liên lạc và hỗ trợ trong một thời gian dài. Đó là những trải nghiệm không thể nào quên trong công cuộc tìm nhà và bạn cùng phòng khi du học Mỹ của Ái Vân.

May mắn rằng, khi sống cùng phòng với bạn nam người Mỹ, cuộc đời cô bạn này đã “tươi sáng” hơn rất nhiều vì đó là anh bạn tốt tính, lạc quan và giúp cuộc sống xa nhà của cô bạn không còn cô đơn.

Sau những sự cố đau thương, Bùi Ái Vân rút ra kinh nghiệm: “Chúng ta luôn có thể tìm thấy sự giúp đỡ từ thầy cô giáo, bạn bè của mình. Sống tích cực và tự tìm những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống xa xứ”.


Chiến đấu vì giấc mơ và hòa mình vào cộng đồng là kinh nghiệm để học và hiểu về nước Mỹ nhanh nhất của anh Nguyễn Bá Trường Giang (giữa).

Chiến đấu vì giấc mơ và hòa mình vào cộng đồng là kinh nghiệm để học và hiểu về nước Mỹ nhanh nhất của anh Nguyễn Bá Trường Giang (giữa).

Lăn xả vào cộng đồng, chiến đấu không trốn tránh…

Anh Nguyễn Bá Trường Giang (tốt nghiệp khoa Kinh tế Đại học Cornell, New York và khoa Luật Đại học Luật Boston) cũng kể lại câu chuyện thấy hóa đơn tiền điện nước ở nhà bỗng dưng “vọt” lên gấp 10 lần sau khi anh sang California thăm em gái 2 tuần.

“Về nhà thì thấy đồng hồ điện quay lên 200 USD mà không rõ lý do, trong khi tháng nào mình cũng chỉ dùng 20 USD”, anh Giang kể. Không ngại đấu tranh cho “công lý”, anh Giang ngừng trả tiền theo hóa đơn, viết ngày một đơn kiện dài hơn chục trang, cập nhật lịch sử 1 năm tiêu dùng điện nước của mình và cuối cùng đã đòi được lẽ phải”.

Với câu chuyện nhỏ của mình, diễn giả này gửi lời nhắn nhủ “Fight for your dreams” tới các bạn trẻ chuẩn bị là tân du học sinh Mỹ rằng: Khi gặp vấn đề bất công, khó khăn đừng bao giờ trốn chạy, hãy chiến đấu!

Và theo anh Giang, muốn chiến đấu và chiến thắng, bạn phải có sự chuẩn bị và tìm hiểu về ngôn ngữ, luật pháp, văn hóa Mỹ.

“Ngồi nhà tìm hiểu không ăn thua, phải lao vào ngóc ngách cuộc sống để tìm hiểu, phải học từ bạn bè, sẵn trong tay điện thoại thường trực của các cơ quan chức trách bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình…”.

Cách tốt nhất để sống tốt ở nước Mỹ là hòa mình vào cộng đồng. Những năm học ở Mỹ, anh Giang thường xuyên đến nhà thờ để ngủ, để học kinh thánh. Những trải nghiệm như đi bar cũng không thể thiếu bởi, những người bạn bản địa sẽ có những câu chuyện cụ thể và chân thật nhất để dạy ta về nước Mỹ, chứ “đọc sách thì đến bao giờ”, anh Giang nhắn nhủ.

Lệ Thu