Bộ Giáo dục nói về 'bức xúc bảo hiểm y tế'

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ với nỗi khổ thu bảo hiểm đầu năm với giáo viên và cho biết sắp tới sẽ có kiến nghị với Bộ Y tế, Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc của cơ sở khi thực hiện thu và sử dụng bảo hiểm y tế trong trường học.

 

Bộ Giáo dục nói về 'bức xúc bảo hiểm y tế' - 1

Hiện nay Bảo hiểm xã hội VN cho rằng việc các trường sử dụng quỹ 7% cho các trường trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh chưa hiệu quả. Vậy cần có phương án để chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc này không, thưa bà?

Việc sử dụng, quản lí quỹ khám chữa bệnh ban đầu cho học sinh thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Hàng năm các trường phải thực hiện quyết toán. Chúng tôi cho rằng các Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, đặc biệt là cơ quan tài chính phải có trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra, quyết toán kinh phí này. Chúng tôi sẽ có chỉ đạo tiếp tục thanh-kiểm tra để phát hiện nơi nào thực hiện chưa đúng nhằm thực hiện cho đúng và có hiệu quả quỹ này.

Hiện nay giáo viên than thở nếu không thu đủ 100% bảo hiểm y tế với học sinh họ có thể bị hạ thi đua, gặp rất nhiều áp lực. Bộ GD-ĐT có biết việc này và có ý kiến gì?

Bộ có biết việc này bởi theo Thông tư liên tịch số 41, quy định phương thức đóng bảo hiểm với đối tượng là học sinh sinh viên trong đó phần đóng với các em có thể 6 tháng hoặc 12 tháng đóng một lần.

Theo hướng dẫn đó nhiều cơ sở giáo dục áp dụng việc thu đóng 12 tháng một lần. Chính việc này gây áp lực cho phụ huynh, đặc biệt thu đầu năm học gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận cùng với đó cũng gây áp lực cho giáo viên.

Việc đó cần chấn chỉnh. Trước thực trạng đó chúng tôi cũng đã có chỉ đạo các trường thực hiện theo phương thức thu 6 tháng một lần và không thu vào thời điểm đầu năm học, giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh.

Cùng với đó chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính xem xét Thông tư 41 nên giãn thời gian đóng ra theo thời gian 3 tháng/1 lần cho đối tượng là học sinh sinh viên và không đóng thời điểm đầu năm học.

Sắp tới chúng tôi sẽ có buổi họp bàn với Bộ Y tế, Bộ Tài chính về các nội dung trong Thông tư 41 và có đề nghị cần làm rõ các nội dung để nhà trường dễ thực hiện, triển khai.

Theo phản ánh của nhiều nhà trường việc học sinh sử dụng bảo hiểm y tế tham gia khám chữa bệnh rất hạn chế, có trường hàng nghìn học sinh nhưng một năm chỉ vài chục em đi khám. Vậy theo bà cần có phương thức nào để học sinh tin tưởng sử dụng hình thức khám chữa bệnh này?

Chúng tôi cho rằng việc tham gia bảo hiểm y tế thực hiện chủ trương an sinh xã hội của Nhà nước. Đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc.

Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về mục đích ý nghĩa, chính sách của Nhà nước về bảo hiểm y tế để đông đảo và tiến tới 100% học sinh tham gia chúng tôi rất mong muốn học sinh mình chỉ vài chục em khám chữa bệnh như thế chứng tỏ học sinh khỏe mạnh, không cần đến thẻ bảo hiểm y tế.

Nhưng cũng có thể cùng với việc đóng tiền, phụ huynh mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Cùng với việc tăng mức đóng phải nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng mong đợi của người dân, trong đó có học sinh sinh viên.

Thực tế còn rất nhiều loại hình bảo hiểm khác cũng đang vào các trường khiến phụ huynh, giáo viên bức xúc. Bộ có ý kiến, chỉ đạo gì về việc này?

Trước thực trạng này Bộ đã có văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT và các cơ sở đào tạo yêu cầu các trường chỉ tổ chức thu bảo hiểm y tế là bắt buộc. Ngoài ra các trường tuyệt đối không thu các khoản bảo hiểm bên ngoài khác với học sinh.

Xin cảm ơn bà!

Theo Văn Chung (Vietnamnet)