Bộ GD&ĐT công bố thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH 2020
Từ mùa tuyển sinh 2020, các trường có thể sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành và tuyển sinh nhiều đợt trong năm
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non để lấy ý kiến rộng rãi.
Quy định "sàn" cho ngành sư phạm và sức khỏe
Theo đó, với các ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học, ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sẽ có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Cụ thể, các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, trong trường hợp sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển với điểm thi THPT quốc gia... ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phải tương đương với các ngưỡng theo quy định như sau: Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường phải tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định; Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.
Dự thảo cũng quy định rõ, riêng các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, cao đẳng sư phạm mầm non... điểm tối thiểu thí sinh cần đạt từ 6,5 trở lên.
Tuyển sinh nhiều đợt trong năm
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, các trường có thể sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành nhưng phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Các trường cũng có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm và công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường.
Các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển, xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội là các bài thi. Các môn thi thành phần của bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội là môn thi.
Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, dự thảo yêu cầu sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán, Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức thi năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải ghi rõ trong đề án tuyển sinh và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trên phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh họa; phải thực hiện quy trình xét tuyển quy định tại quy chế.
Các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển có thể lựa chọn các hình thức tuyển sinh khác: Tổ chức thi tuyển do trường ra đề, coi thi, chấm thi, tổ chức xét tuyển theo hồ sơ, sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác, của tổ chức uy tín trên thế giới.
Bổ sung quy định về tuyển sinh đào tạo vừa học vừa làm, bằng thứ hai
Bộ GD&ĐT cũng bổ sung quy định về tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, theo đặt hàng và liên thông.
Theo Dự thảo, người dự tuyển đào tạo cấp bằng đại học thứ hai là người đã có bằng tốt nghiệp trình độ ĐH trở lên. Riêng các ngành khối sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khỏe hoặc khối ngành tự nhiên.
Người dự tuyển đào tạo cấp bằng CĐ thứ hai ngành Giáo dục mầm non là người đã có bằng tốt nghiệp các ngành đào tạo giáo viên trình độ CĐ trở lên.
Dự thảo cũng quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho hệ văn bằng hai, hệ liên thông, đối với ngành sư phạm, giáo viên mầm non và nhóm ngành sức khỏe như đối với hệ đại học chính quy.
Đối với chương trình chất lượng cao, nếu xét tuyển các đối tượng giống như tuyển sinh hệ chính quy thì điểm trúng tuyển phải bằng hoặc cao hơn chương trình chuẩn cùng ngành đào tạo. Nếu xét tuyển các đối tượng đã trúng tuyển vào trường thì điều kiện trúng tuyển vào chương trình chất lượng cao do trường quy định, phù hợp với quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành đào tạo và chịu trách nhiệm giải trình.
Đối với hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định của quy chế. Điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng, không thấp hơn điểm trúng tuyển của ngành đào tạo. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng lao động thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không tuyển đủ lao động theo nhu cầu sử dụng, cần đặt hàng đào tạo và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30.
Dừng tuyển sinh mầm non hệ trung cấp
Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT chỉ quy định về tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non. Như vậy, chính thức từ năm 2020, ngành học mầm non dừng tuyển sinh hệ trung cấp. Việc này để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non là Cao đẳng sư phạm, giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.
Theo Yến Anh
Người Lao Động