Bộ GD-ĐT thừa nhận 5 yếu kém của giáo dục ĐH

(Dân trí) - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường ĐH vừa tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thừa nhận những hạn chế, yếu kém của mình với 5 kết luận chưa làm được về quản lý giáo dục Đại học.

 
Bộ GD-ĐT thừa nhận 5 yếu kém của giáo dục ĐH - 1
Thí sinh dự thi đại học 2009
 
Thứ nhất: Công tác quản lý ở một số trường còn lỏng lẻo, bộc lộ yếu kém, dẫn đến khiếu kiện, tố cáo, gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ công chức và dư luận xã hội, thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên… Chưa phân cấp mạnh mẽ nhiệm vụ quản lý cho các địa phương có trường ĐH,CĐ đóng trên địa bàn, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp Bộ và các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên không kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm của trường.

Thứ hai: Các hiện tượng gian lận, tiêu cực chưabị phát hiện kịp thời, xử lý không dứt điểm, thiếu cương quyết.

Thứ ba: Đào tạo ĐH,CĐ hệ không chính quy và hoạt động liên kết đào tạo của nhiều trường còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và hình thức đào tạo; tổ chức và quản lý giảng dạy chưa đúng quy định. Việc đánh giá luận văn, luận án vẫn còn nể nang, xuê xoa, chưa thực sự nghiêm khắc, thẳng thắn và khách quan.

Thứ tư: Đối với các trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học (chủ yếu là các trường tư thục và trường đóng tại các địa phương) chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển trường chậm làm ảnh hưởng đến điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Hạn chế lớn nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành vẫn còn thiếu thống nhiều, hệ thống thư viện nhỏ bé, nghèo nàn, chưa cung cấp đủ thông tin cho giảng viên và người học, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học. Quy mô đào tạo của các trường, nhìn chung, vượt quá khả năng cho phép theo quy định và năng lực đào tạo để đảm bảo chất lượng.

Thứ năm: Năng lực quản lý của Ban Giám hiệu một số trường ĐH, CĐ chưa xứng tầm, còn yếu, bộc lộ nhiều hạn chế nên công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của trường còn lúng túng, bị động và kém hiệu quả, dẫn đến sai sót, vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật. Một số trường ngoài công lập nội bộ còn mất đoàn kết, mâu thuẫn giữa Hội đồng quản trị với Ban giám hiệu nhà trường, đã dẫn đến khiếu kiện tố cáo lẫn nhau.

Với những vấn đề ồ ạt mở trường, kém chất lượng của các trường ngoài công lập mà báo chí vừa nêu, đặc biệt như trường ĐH Phan Thiết, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Không thể chấp nhận được tình trạng các tổ chức, cá nhân xin mở trường với những dự án rất hoành tráng nhưng khi được phép đào tạo thì lại thiếu đủ thứ như vậy. Bộ Giáo dục phải thanh tra để làm rõ vấn đề. Nếu kết luận thanh tra không khách quan, nghiêm túc thì lúc đó các cơ quan khác phải vào cuộc, trong đó có hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan đoàn thể. Cần xử lý nghiêm những cá nhân thiếu trách nhiệm trong công việc”.  
 
Trong nhiệm vụ của thanh tra Bộ GD-ĐT năm học 2009-2010 chỉ vẻn vẹn vài dòng là kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết trong đề án thành lập trường (đối với trường ngoài công lập), cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình nhằm bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh thanh tra hoạt động liên kết đào tạo nhằm khắc phục và tiến tới xóa bỏ về cơ bản hiện tượng học thuê, thi thuê.
 
Được biết, trong chiều mai 21/10, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp báo công bố kết luận thanh tra về những sai phạm của trường ĐH Phan Thiết.

 Hồng Hạnh