Bộ GD-ĐT sẽ sửa Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ

(Dân trí) - Để tuyển sinh đạt chất lượng và đảm bảo chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT sẽ sửa Quy chế tuyển sinh theo hướng xác định rõ các nguyên tắc để đảm bảo chất lượng và tăng quyền chủ động cho các trường trong việc xét tuyển.

Đó là nội dung mà Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII. Trong tuyển sinh năm 2010, về nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải thích:

Do liên tục trong các năm vừa qua, từ 2006 đến 2010, chỉ tiêu tuyển sinh luôn liên tục tăng năm sau so với năm trước khoảng 10%. Trong khi đó, theo báo cáo điều tra dân số, thì dân số ở độ tuổi trung học phổ thông của nước ta những năm gần đây giữ ổn định, không tăng. Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2007, 2008 và 2009 dao dộng trong khoảng 750 nghìn đến 850 nghìn; Do vậy, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của giai đoạn 2006-2010 là rất cao.

Trong khi đó, những năm gần đây, trong hệ thống đào tạo của nước ta có thêm các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đã có tác dụng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông, giảm một phần sức ép vào các trường đại học, cao đẳng (và cả các trường trung cấp chuyên nghiệp).

Bên cạnh đó, nhu cầu và nguyện vọng của học sinh dự thi đại học có sự phân hóa khá rõ: trong mấy năm gần đây học sinh chủ yếu thi vào các ngành Kinh tế, Tài chính-Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh; Trong khi đó, một số ngành nghề đào tạo như: Kĩ thuật, Công nghệ, Nông-Lâm không thu hút được sinh viên vào học.

Mặt khác, chấp hành Nghị quyết giám sát của Quốc hội, để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, Bộ GD-ĐT đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thực hiện “3 công khai”; Các cơ sở không đảm bảo chất lượng thì không cho tuyển sinh và không giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Do thực hiện “3 công khai”, trong đó có công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, thí sinh và xã hội đã quan tâm nhiều hơn tới tình hình đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của các nhà trường khi lựa chọn đăng ký vào học, do vậy, nhiều trường (chủ yếu trường ngoài công lập) không tuyển hết chỉ tiêu được xác định.

Về việc thí sinh có thể nhận 4-5 giấy báo nhập học, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, như các năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 hệ chính qui cũng được tổ chức theo 3 đợt thi: Đợt I: thi đại học khối A, V; Đợt II: thi đại học các khối B, C, D và các khối năng khiếu; Đợt III: thi cao đẳng.

Khi 1 thí sinh dự thi cả 3 đợt trên (thực tế rất ít), nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã dự thi, nhưng có kết quả thi đạt điểm sàn đại học, cao đẳng trở lên, thì sẽ nhận được tối đa là 6 Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng (4 giấy đại học và 2 giấy cao đẳng) do trường tổ chức thi cấp. Thí sinh sử dụng các Giấy chứng nhận này để tham gia đăng kí xét tuyển NV2, NV3 vào các trường đại học, cao đẳng. Nếu có, thì tối đa thí sinh sẽ nhận được 6 giấy triệu tập trúng tuyển đại học, cao đẳng cho cả 2 đợt xét tuyển theo nguyện vọng 2 và 3.

Bên cạnh đó, trong thực tế, qua thông tin trên mạng, có được các kết quả của thí sinh dự thi, một số trường ngoài công lập đã gửi giấy thông báo cho thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào các trường, nhưng nếu thí sinh nhập học vẫn phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi.

Lãnh đạo Bộ khẳng định: Để tuyển sinh đạt chất lượng và đảm bảo chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT sẽ sửa Quy chế tuyển sinh theo hướng xác định rõ các nguyên tắc để đảm bảo chất lượng và tăng quyền chủ động cho các trường trong việc xét tuyển.

PV