Biến tướng dạy thêm
Nhà trường và giáo viên đang tìm mọi cách đối phó, lách luật để hợp pháp hóa việc dạy thêm.
Sau khi Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, ai dám khẳng định ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, việc dạy thêm, học thêm đã hoàn toàn chấm dứt? Dòng nước đang chảy bị ngăn lại chắc chắn nó phải tràn ở chỗ khác chứ không thể biến mất được. Việc học thêm, dạy thêm đang diễn ra như thế nào? Liệu có cấm được không?
Mỗi nơi một phách
Thực tế, phụ huynh vẫn cứ ngày ngày chở con em đi học, giáo viên vẫn cứ ngày ngày đứng lớp dạy thêm. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở các tỉnh cho biết chuyện học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra như cũ, khác chăng chỉ là về hình thức nhằm hợp thức hóa việc này.
Một số nơi tại Kon Tum, để duy trì việc dạy thêm, giáo viên phải thuê giấy phép của các trung tâm luyện thi nhưng học sinh (HS) và địa điểm dạy vẫn là ở nhà mình. Nếu bị kiểm tra thì họ đã có giấy phép “danh chính ngôn thuận”.
Tại Quảng Trị, một số nơi nhà trường đứng ra tổ chức dạy thêm và phụ huynh tự nguyện đăng ký. Giáo viên mời dạy sẽ được trả thù lao theo số tiết đứng lớp. Song, có một khác biệt là giáo viên nào chưa đủ giờ chuẩn thì phải bù cho đủ 18 tiết, số còn lại mới được tính theo tiêu chuẩn ngoài giờ.
Ở Đà Nẵng, thay vì dạy ở nhà thì giáo viên sẽ thuê phòng ở trung tâm. HS vẫn của mình, lớp vẫn của mình; chỉ khác là nhờ trung tâm thu tiền hộ, sau đó trừ chi phí.
Còn ở Rạch Giá (Kiên Giang), các lớp học thêm từ lớp 9 trở lên vẫn học bình thường. Những khi có đoàn đi kiểm tra, thầy cô báo động với nhau rồi cho HS nghỉ học. Với HS cấp 1 thì cha mẹ chở đến nhà, cô trò đóng cổng, khóa cửa - lớp học vẫn cứ thế mà tiến hành. Khi có đoàn kiểm tra thì các em được… ngồi chơi. Đây cũng là hình thức khá phổ biến ở các tỉnh, thành đối với HS cấp 1.
Tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), về phía chính quyền, tỉnh chủ trương cho phép giáo viên giỏi, giáo viên được công nhận nhà giáo ưu tú được dạy thêm. Những giáo viên khác muốn dạy thêm thì sử dụng giải pháp “mượn” trung tâm và chi phí 20% như ở Đà Nẵng.
Tại một số quận - huyện ở Hà Nội, việc dạy thêm do nhà trường đứng ra tổ chức thông qua hình thức tăng tiết vào trái buổi; phụ huynh phải viết đơn tự nguyện gần như 100% đối với HS cấp 2, còn HS cấp 1 nới lỏng hơn. Hình thức tổ chức dạy thêm ở Hà Nội cũng được sử dụng khá phổ biến ở Lâm Đồng, Bắc Ninh...
Tại Cẩm Phả (Quảng Ninh), giáo viên muốn dạy thêm phải chia nhỏ ra từng nhóm, chuyển sang hình thức dạy kèm. Thay vì một nhóm vài chục HS thì nay còn dăm ba em, mỗi giáo viên có thể dạy 4-5 nhóm như thế.
Cần biện pháp hữu hiệu chấm dứt tiêu cực
Như vậy, vấn đề dạy thêm, học thêm sau Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT tồn tại dưới 4 hình thức chủ yếu. Một là, mượn giấy phép để hợp thức hóa dạy ở nhà. Hai là, núp bóng trung tâm, ăn chia theo phần trăm. Ba là, nhà trường đứng ra tổ chức bằng hình thức tăng tiết vào trái buổi. Bốn là, chia nhỏ HS thành từng nhóm - chuyển sang hình thức dạy kèm.
Xét từng hình thức, có thể thấy thuê phòng ở trung tâm giải quyết được chuyện phòng ốc nhưng không ngăn chặn được việc giáo viên dạy thêm HS của mình, thậm chí tình trạng ép HS vẫn tồn tại. Việc nhà trường đứng ra tổ chức tăng tiết có vẻ quy củ hơn, HS đỡ phải đi lại, phụ huynh đỡ phải đưa đón vất vả nhưng thay vì 1 buổi, các em phải học 2 buổi. Nếu giáo viên dạy tăng tiết không được như HS mong muốn, không hiệu quả, buổi tối thì HS lại phải đi học thêm ở trung tâm hoặc ở một giáo viên khác. Vậy là HS có thể phải chịu áp lực học ngày 3 buổi chứ không phải 2 buổi.
Với hình thức mượn giấy phép, mọi chuyện vẫn như cũ, chỉ khác ở tờ giấy, thậm chí những giáo viên vốn tiêu cực lại còn mạnh tay hơn vì đã có “bùa hộ mệnh”. Còn dạy kèm theo nhóm, giáo viên vất vả hơn vì phải dạy thành nhiều buổi. Giáo viên phải trở thành “sinh viên dạy kèm” bất đắc dĩ chắc chắn sẽ hiệu quả hơn dạy một lớp vài chục em nhưng phụ huynh phải trả tiền học phí cao hơn.
Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT muốn chấn chỉnh mặt tiêu cực do việc dạy thêm gây ra. Nhìn bề ngoài, xét về phương diện hành chính, việc dạy thêm có vẻ như nề nếp hơn, quy củ hơn; giáo viên dạy thêm đều có giấy phép, có trung tâm quản lý nhưng mọi việc bên trong về cơ bản không thay đổi so với trước đây. Thực tế, Thông tư 17 đang đẩy giáo viên dạy thêm chính đáng vào tình trạng phải gian dối, chạy vạy. Trong khi đó, những giáo viên vốn tiêu cực - chèn ép học trò đi học thêm bằng điểm số - thì vẫn chứng nào tật ấy vì họ đã mượn được giấy phép hoặc núp bóng trung tâm.
Cái chính là phải có biện pháp hữu hiệu để dứt điểm những tiêu cực đó, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”. Phải cho cấp quản lý và ban giám hiệu nhà trường có đủ thẩm quyền xử phạt giáo viên, nhà trường - không ít nơi ép HS phải đi học thêm - có biểu hiện tiêu cực trong việc dùng những mánh khóe, chiêu bài ép HS học thêm, lạm dụng học thêm một cách thái quá .
Tìm ra những bằng chứng chứng minh giáo viên và nhà trường có biểu hiện tiêu cực trong việc dạy thêm là không khó. Kết hợp những ý kiến từ hộp thư, đường dây nóng, sự phản ánh trực tiếp từ HS, phụ huynh… chắc chắn là chính xác. Vấn đề là chúng ta có mạnh tay để làm hay không!
Dạy trẻ trong sự gian dối Muốn dạy học sinh được tốt, thầy cô giáo phải có vị thế của mình. Bắt giáo viên dạy thêm như bắt trộm, phạt giáo viên dạy thêm như tội phạm thì còn gì tâm thế của nhà giáo trong con mắt của HS? Sẽ tệ hơn rất nhiều khi người học và người dạy phải che giấu dạy thêm, học thêm như hoạt động bí mật. Vô hình trung, chúng ta đang dạy con em mình sự gian dối. Sự gian dối nếu thấm vào HS từ bé thì nguy hiểm vô cùng. |
Theo Người Lao Động