Bị “tuýt còi” tăng giá sách: Nhà xuất bản Giáo dục trần tình kêu lỗ đã nhiều năm?

(Dân trí) - Vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục đã bị Bộ GD&ĐT “tuýt còi ” chỉ đạo tạm dừng việc điều chỉnh giá sách giáo khoa. Vì sao lại tăng giá sách giáo khoa, trong khi sách 100% là tái bản?

Trao đổi với PV Dân trí,  PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, tám năm qua (từ 2011 đến nay), giá SGK không thay đổi và ở mức thấp hơn so với chi phí, giá thành xuất bản, phát hành SGK và so với giá bán các sách khác.

Trong khi đó các khoản chi phí xuất bản SGK đều biến động tăng cao: lương tối thiểu vùng năm 2019 so với năm 2011 tăng gần 3,1 lần, lương cơ sở năm 2019 tăng 1,8 lần so với năm 2011.

Giá thị trường của vật tư giấy in hàng năm hầu như đều tăng, riêng giấy để in SGK năm học 2019 - 2020 đã tăng so với năm trước bình quân trên 20%.  Giá điện bán lẻ bình quân từ năm 2011 đến nay tăng gần 41%...

Ông Tùng bày tỏ, NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp, phải tự hạch toán kinh doanh, yêu cầu doanh thu phải bù đắp chi phí và có lãi nhằm bảo toàn và sử dụng hiệu quả phần vốn Nhà nước, nộp ngân sách cũng như đảm bảo đời sống cho người lao động.

"Những năm qua, chúng tôi đã phải bù đắp việc SGK được bán dưới giá thành từ những nguồn thu khác. Tuy nhiên đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, NXB Giáo dục Việt Nam đứng trước nguy cơ bị lỗ, mất dần vốn Nhà nước do chi phí đầu vào tăng cao thì vấn đề phải điều chỉnh giá bán SGK được đặt ra".

Bị “tuýt còi” tăng giá sách: Nhà xuất bản Giáo dục trần tình kêu lỗ đã nhiều năm? - 1

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam

SGK hiện nay 100% là sách tái bản. Về nguyên tắc, sách tái bản luôn rẻ hơn sách in mới do không tốn thêm chi phí nào ngoài đọc sửa lỗi bản thảo và tái bản càng nhiều thì NXB càng có lãi. Vậy tại sao SGK vẫn phải bán dưới giá thành, thưa ông?

Đúng là về nguyên tắc thì tái bản một cuốn sách sẽ tốn ít chi phí hơn so với xuất bản cuốn sách đó (giảm được chi phí tổ chức bản thảo, giảm một phần tiền nhuận bút, công biên tập…). 

Nhưng dù xuất bản mới hay tái bản thì cuốn sách in ra vẫn cần có vật tư để in (giấy, mực…), khấu hao máy móc thiết bị, tiền lương cho nhân công in, tiền trả bản quyền tác giả, công biên tập tái bản để tránh sai sót, chi phí phát hành, vận chuyển...

Như tôi đã nói ở trên, nếu giá bán sản phẩm thấp hơn các chi phí trên thì đơn vị xuất bản - phát hành bị lỗ. SGK đang ở tình trạng này.  Lấy ví dụ cuốn SGK Ngữ văn lớp 7 (tập2), giá 7.800đ, 160 trang, vậy đơn giá chỉ có 49đ/trang, hay cuốn SGK Hóa học 8, 160 trang, giá bìa là 9.600đ, đơn giá là 60đ/trang.

Nếu so sánh với đơn giá photo 1 trang A4, hay những cuốn sách tham khảo của các NXB khác sẽ thấy giá SGK là thấp đến khó tin.

Nhiều ý kiến cho rằng NXB Giáo dục được nhà nước trợ giá, bù lỗ SGK. Điều này có đúng không, thưa ông?

Nhà nước không trợ giá, không bù giá, không bù lỗ, không cấp phát ngân sách để chi tiêu, để đầu tư... trong quá trình hoạt động. Hơn nữa, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, có nhiệm vụ chính trị là luôn phải cung ứng đầy đủ đồng bộ kịp thời SGK cho học sinh và giáo viên trên mọi miền tổ quốc. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi luôn nỗ lực thực hiện trong hơn 60 năm qua.

Trong tình hình hiện nay, nếu giá SGK không được điều chỉnh kịp thời, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ phải tiếp tục lo bù đắp chi phí. Nguy cơ lỗ, không bảo toàn được vốn của nhà nước là trước mắt. Đồng thời điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 3.000 người lao động trong hệ thống NXB Giáo dục Việt Nam.

Bị “tuýt còi” tăng giá sách: Nhà xuất bản Giáo dục trần tình kêu lỗ đã nhiều năm? - 2

Bị Bộ GD&ĐT "tuýt còi" tăng giá sách,  NXB Giáo dục đang sửa lại giá cũ trên sách đã in

Vậy NXB Giáo dục Việt Nam dự kiến điều chỉnh giá SGK tăng theo tỉ lệ bao nhiêu % ?

Cuối năm 2018 NXB Giáo dục Việt Nam đã có kế hoạch rà soát và đưa ra giải pháp để tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh nói chung, chí phí tiêu thụ, chi phí bán hàng nói riêng.

Ban đầu có hai phương án điều chỉnh giá được chúng tôi đưa ra. Phương án 1: điều chỉnh để đủ bù đắp chi phí, giá thành và có lãi từ 5% đến 10%; Phương án 2: điều chỉnh giá gần đủ bù đắp chi phí, giá thành, không có lãi, vẫn phải tiếp tục dùng một phần từ nguồn thu khác để bù đắp. NXB Giáo dục Việt Nam chọn phương án 2, với mức tăng bình quân 16,9%.

SGK là mặt hàng đặc biệt, do đó chúng tôi cần phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể tăng giá. Do đã được sự đồng ý về chủ trương, thông qua phương án điều chỉnh tăng giá SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo điều hành giá Quốc gia, NXB Giáo dục Việt Nam đã thực hiện và hoàn thành việc kê khai giá SGK với Bộ Tài chính theo quy định.

Trên cơ sở đó, để kịp phục vụ năm học, NXB đã phải in SGK theo giá mới. Tuy nhiên mới đây trong công văn hoả tốc ngày 6/3/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tạm dừng việc điều chỉnh giá.

Việc đó ảnh hưởng như thế nào đến công tác in, phát hành sách giáo khoa năm học mới này không thưa ông?

Như NXB Giáo dục Việt Nam đã thông tin với báo chí, ngày 1/4/2019, NXB sẽ bắt đầu chuyển sách về địa phương phục vụ năm học 2019 - 2020. Hiện nay, tạm thời không được điều chỉnh giá, NXB lại lo sửa lại giá cũ trên sách đã in, làm tăng thời gian in ấn, hoàn thiện sản phẩm, tăng chi phí về nhân công và các chi phí khác.

Nhưng điều quan trọng hơn là việc học sinh và ngành Giáo dục cần có sách đầy đủ, đồng bộ, kịp thời bước vào năm học 2019 – 2020. NXB Giáo dục Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn để có thể thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ cũng như hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm