Bi kịch khủng hoảng thừa các trường đại học, cao đẳng
Không tuyển đủ số lượng SV để hoạt động, nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước khốn đốn trước nguy cơ “vỡ trận”. Vấn nạn này tiếp tục lặp lại ở năm học mới 2015-2016 này.
Đây là hệ lụy của thực trạng phát triển nóng về số lượng các trường ĐH, CĐ trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhiều trường rơi vào tình trạng ngắc ngoải, nhưng việc sáp nhập, giải tán, hoặc chuyển đổi để phù hợp thì vẫn chưa xảy ra, khiến bức tranh khủng hoảng thừa các trường đào tạo bậc ĐH, CĐ càng trở nên bi kịch... Đặc biệt, nhiều nơi không có SV nên dẫn tới trường bị hoang hóa, lãng phí.
Thảm cảnh... “tắt thở”!
PV tìm đến Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh trên đường Nguyễn Quý Đức, P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ. Trường được xây dựng cao 5 tầng nhưng cửa trước sau đóng kín, nhiều hạng mục phơi nắng, phơi mưa gỉ rét, hư hỏng, hoang tàn. Bà L.T.K.Y (người dân sống kề ngôi trường) cho biết: “Trường xây vào năm 2005, cùng lúc tôi xây nhà. Thời gian đầu cũng thấy SV đến học nhưng sau đó ít dần, chừng 2 năm sau là đóng cửa”.
Nằm trên diện tích gần 3ha, Trường Trung cấp Xây dựng miền Trung (đóng tại P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) được xây dựng với hạ tầng quy mô gồm nhiều khối nhà cao tầng, giảng đường, hội trường, khu phức hợp KTX SV... nhưng vắng như “chùa Bà Đanh”, cây cỏ mọc um tùm. Cả trường hiện chỉ có vài chục SV theo học. Năm học 2015-2016, trường chỉ tuyển sinh được hơn chục chỉ tiêu.
Tuyển không ra người học, nhiều khối nhà công năng Trường Trung cấp Xây dựng miền Trung bỏ hoang. Ảnh: Nhiệt Băng
Lượng SV theo học quá ít, nhiều phòng học không sử dụng qua thời gian xuống cấp trầm trọng. Cửa, tường bong tróc, mục nát. Để vớt vát chút đỉnh chi phí, một số khối nhà KTX được nhà trường cho công nhân thuê lại ở, ngay cả khu vực để xe của SV cũng biến thành xưởng cưa tư nhân.
Sau vài năm “đỏ mắt” tuyển không ra người học, Trường CĐ Việt Tiến (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) cũng “tắt thở”, chấp nhận bán trụ sở lại cho Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn hơn 1 năm nay. Thê thảm không kém là Trường TC Kỹ thuật - Nghiệp vụ Thăng Long. Năm học này, trường đưa ra chỉ tiêu 300 SV, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ tuyển được... 20 SV. Chủ ngôi trường cũng rao bán gần 1 năm nay nhưng chưa có ai mua.
“Không khác người bệnh đi vào phòng hồi sức cấp cứu”!
Ông Trần Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng phòng đào tạo Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh - lắc đầu: “Món” này (tuyển hệ trung cấp) quá khó!. Hiện nay các trường CĐ nhà nước tuyển sinh cũng khó chứ đừng nói TC chuyên nghiệp. Mình cấp bằng tốt nghiệp TC chuyên nghiệp thì ra đi làm đơn vị tuyển dụng lại hỏi bằng tú tài. Mà tú tài là các em nhất quyết phải đi học ĐH. Tôi sống chết với hệ học này mà cũng không biết xoay xở kiểu gì nên đành phải đóng cửa trường học”. Ông Anh cho rằng, hệ THCS đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tuyệt vời ở chỗ: Các em vừa được đào tạo văn hóa, vừa được đào tạo chuyên môn. Nhưng điều oái oăm là tấm bằng này lại không được xã hội đón nhận.
Ông Lương Duy Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) - mô tả các trường CĐ, TC chuyên nghiệp hiện nay trên địa bàn không khác gì “người bệnh đang đi vào khoa hồi sức cấp cứu”.
Ông Thảo cho biết, ngay năm đầu thành lập (năm 2005), trường tuyển được 5.000 SV nhưng vài năm sau “lao dốc” kinh khủng. “Năm học này chúng tôi đưa ra 1.500 chỉ tiêu, đến nay chỉ mới tuyển được hơn 150 em, nhưng không biết các em có đi học không” - ông Thảo buồn bã.
Khó sống đến mức Trường CĐ Đức Trí phải “tung” ra biện pháp “3 không” (không đóng học phí, không thu tiền ký túc xá, không tiền ăn). Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh ký kết hợp tác giữa ba bên nhà trường - doanh nghiệp nước ngoài - SV, đảm bảo công việc cho các em sau khi ra trường, nhưng vẫn không kéo nổi SV về với trường.
Ông Thảo cho rằng, ngoài sức ép các trường ĐH mở ngành đào tạo CĐ liên thông lên ĐH ngay trong trường thì tâm lý thí sinh và phụ huynh vẫn là yếu tố quyết định việc “sống còn” của các trường TC chuyên nghiệp, CĐ đứng đơn lẻ hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở GDĐT Đà Nẵng) - cho biết, tính đến nay, trên địa bàn đã có 3 trường trung cấp Đức Minh, Việt Á, Kinh tế - Kỹ thuật miền Trung tạm ngừng hoạt động. Các trường TC Bưu chính viễn thông - CNTT, Trung cấp Xây dựng miền Trung tuyển không ra người học. Các trường Trung cấp VHNT tuyển được 189/450 chỉ tiêu, Trung cấp Ý-Việt: 272/500. Ngoài ra, 6 trường CĐ bộ, ngành đóng trên địa bàn cũng đang “thoi thóp”, “đỏ mắt” tuyển không ra SV.
“Chúng tôi đã tư vấn hướng nghiệp đủ kiểu, phổ biến phân luồng không phải ĐH là con đường duy nhất để lập nghiệp, tạo điều kiện mở thêm ngành nhưng vẫn chưa có lối thoát!” - ông Dũng lắc đầu. Theo ông Dũng, cái gốc của vấn đề là do trước đây các trường ĐH xét điểm sàn (ĐH: 13 điểm, CĐ: 10 điểm), còn lại TC chuyên nghiệp “ăn” được SV dưới 9 điểm. Tuy nhiên, năm nay, các trường đại học được xét học bạ (ĐH: Điểm trung bình môn 6 điểm, CĐ: 5,5 điểm) nên nhiều trường TC, CĐ phải dừng tuyển sinh. Hơn nữa, tâm lý phụ huynh muốn con em mình vào học trường ĐH cho oách (dù không phải hệ ĐH) nên quay lưng với các trường CĐ.
Theo Lao động