Bệnh thành tích trong giáo dục, có thể điều trị?

(Dân trí) - Nói đến tiêu cực thi cử nguời ta nghĩ ngay đến căn bệnh thành tích, một căn bệnh tồn tại trong môi trường giáo dục với một khoảng thời gian khá dài. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một liều thuốc hữu hiệu nào để điều trị.

Trong thời gian gần đây, nhiều người tâm huyết với giáo dục nước nhà đang nỗ lực quyết tâm xoá dần tiêu cực trong thi cử, nhằm đánh giá lại đúng trình độ giáo dục nước nhà. Một trong những vấn đề xã hội nhắc đến nhiều nhất đó chính là căn bệnh thành tích.

 

Nghe thì có vẻ đây là một căn bệnh trong giáo dục, nó xuất hiện do có sự tồn tại của môi trường giáo dục. Nhưng không ít trong số những người tâm huyết với giáo dục đã khẳng định bệnh thành tích trong giáo dục không phải do giáo dục gây nên. Vậy nó bắt nguồn từ đâu?

 

GS Văn Như Cương từng nói: “Bệnh thành tích do thi đua mà ra. Vậy tại sao lại phải đặt ra phong trào thi đua? Mỗi giáo viên, nhân viên phải có trách nhiệm cụ thể và làm cho tốt trách nhiệm đó. Nhà nước trả lương cho họ làm việc này. Chẳng lẽ nếu không thi đua thì không cần cố gắng, làm cũng được mà không làm cũng được?” 

 

Có lẽ đây là một cách nhìn khá sát về căn bệnh thành tích. Phong trào thi đua sẽ là một con dao hai lưỡi, nó có thể là động lực cho các cấp các ngành phần đấu nhưng nếu không khẳng định bằng chính sức mình thì nó sẽ là một bản báo cáo sai sự thật mà trong đó sẽ là những con số “giết” chết nền giáo dục nước nhà.

 

Thi đua là điều nên làm trong giáo dục. Song để phát động phong trào thi đua cần có những biện pháp cụ thể chứ không thể “nhập nhèm” như hiện nay.

 

Hiện tại chúng ta chỉ phát động phong trào cho từng địa phương và nêu ra định mức để phấn đấu mà chưa quan tâm đến vấn đề quản lý chất lượng. Điều này càng thể hiện rất rõ trong kì thi tốt nghiệp và đại học năm 2006. Sự chạy theo thành tích để báo cáo lên cấp trên đã đẩy những con số học sinh tốt nghiệp tú tài lên những con số cao ngất ngưởng trong khi thực tế là khá yếu kém.

 

Như vậy việc quản lý khâu chất lượng học tập của các em là điều rất quan trọng nó quyết định đến việc phát động thi đua trở thành tiêu cực hay là động lực phấn đấu.

 

Chất lượng học tập của các em sẽ dựa vào phấn lớn những người truyền đạt kiến thức. Do đó để có thể nâng cao chất lượng học tập cần phải có đội ngũ giáo viên tâm huyết, dám chấp nhận với thực chất lớp học mình đảm nhận để từ đó có phương pháp giảng dạy hợp lý.

 

Tuy nhiên điều khó khăn để triển khai đó là vấn đề sách giáo khoa và số lượng kiến thức trong sách. Sự sai sót khá trầm trọng trong sách trên cả phương diện biên soạn và in ấn gần đây đã làm cho công tác giảng dạy khá bế tắc, bên cạnh đó vẫn chưa có công cụ để giúp các thầy cô soạn giáo án hiệu quả ngoài cách sử dụng giáo án chép tay.

 

Vậy, để có thể điều trị bệnh thành tích cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành mà trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là người đứng đầu quản lý giám sát chất lượng giáo dục ở từng địa phương để có thể nắm vững rõ thực trạng và có biện pháp hỗ trợ sớm nhất nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học ở các cấp cơ sở. 

Trần Huy