Báo động đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh
(Dân trí) - Chương trình chắp vá, thiếu tính logic, mang nặng cảm nhận chủ quan, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn; sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại nhiều…
Đó là ý kiến nhận xét của nhiều GS, TS tại hội thảo quốc gia “Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh (QTKD) ở Việt Nam” được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân ngày 12/10.
Tốt nghiệp “bằng đỏ” vẫn trượt tuyển dụng
Phân tích về thực trạng nhân lực ngành QTKD hiện nay của Việt Nam, TS. Đoàn Hồng Lê, Cục Hải quan TP Đà Nẵng, cho biết: “Sản phẩm đào tạo QTKD vẫn còn một khoảng cách xa so với nhu cầu doanh nghiệp. Tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao, có kỹ năng quản trị ngày càng trầm trọng, nhất là các vị trí chủ chốt trong công ty. Đặc biệt, thiếu nhân lực trình độ cao trong các ngành nghề thuộc QTKD như Maketing - bán hàng - quảng cao; nhóm ngành quản trị Tài chính - Ngân hàng; nhóm ngành Dịch vụ - Du lịch - Hành chính…các ngành này chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu lao động trên thị trường và mức tăng trưởng phải đạt khoảng 50% mới đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí nhiều vị trí của một số công ty nhiều năm vẫn không tuyển được ứng viên nào. Ngay tại các doanh nghiệp Đà Nẵng, qua khảo sát hơn 1/3 doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, nguồn nhân lực đã qua hệ thống đào tạo nhưng không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao 46,14%”.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, phần lớn sinh viên ra trường còn yếu kém về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế. Các doanh nghiệp cho biết, qua phỏng vấn tuyển dụng cho thấy có nhiều nhiều sinh viên đạt kết quả học tập cao nhưng lại không quen làm việc theo nhóm hoặc chưa biết cách diễn đạt, trình bày ý tưởng của mình trước tập thể…
TS. Đoàn Hồng Lê cho hay: “ Qua khảo sát 100 doanh nghiệp thì 85% cho biết, họ phải mất trung bình 3 - 6 tháng để đào lại các sinh viên tốt nghiệp mới có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu công việc. Cá biệt, có công ty cho rằng phải mất tới 2 năm để đào tạo lại. Đặc biệt, rất nhiều tân sinh viên tốt nghiệp “bằng đỏ” nộp đơn xin việc, nhưng đã bị trượt chỉ vì không qua được những bài tập tình huống đơn giản như: Thiết lập một hồ sơ vay tiền ngân hàng, lập kế hoạch giới thiệu 1 sản phẩm mới, theo dõi doanh thu của chi nhánh…Thậm chí có trường hợp đã được tuyển dụng đúng chuyên ngành đào tạo như QTKD quốc tế nhưng không thực hiện được những công việc đơn giản như chuẩn bị hợp đồng ngoại thương và làm thủ tục hải quan. Thậm chí, nhiều sinh viên ra trường nhưng không biết cảng hoặc cửa khẩu là gì, chưa nói đến một lần được đặt chân lên bất cứ một con tàu hàng nào”.
Phân tích về nguyên nhân của những yếu kém trên, phát biểu tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp khẳng định: “Do chương trình đào tạo của các trường mang nặng tính lý thuyết. Nhiều bài giảng dành quá nhiều thời gian giảng giải về định nghĩa, tầm quan trọng và các yêu cầu, nguyên tắc, mà ít thời gian dành cho việc giải thích làm gì, làm như thế nào, trong điều kiện hoàn cảnh nào... Mặt khác, các trường, trung tâm đào tạo chỉ tập trung đào tạo, mà không thực hiện đúng quy trình đào tạo, xác định nhu cầu đào tạo, đánh giá sau đào tạo. Sự yếu kém về trình độ kiến thức chuyên môn cũng như năng lực, phẩm chất lao động, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực của sinh viên, trước hết thuộc về các cơ sở đào tạo”.
TS. Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện SISME - Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) cho biết: “Thực tiễn cho thấy, các nhà lãnh đạo và quản trị không ngừng than phiền về chất lượng nhân viên của mình. Vấn đề đặt ra rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay là các chủ doanh nghiệp và Nhà trường cần phối hợp thẳng thắn, nhìn thẳng vào thực trạng nguồn nhân lực VN hiện có, những gì đã đáp ứng yêu cầu, những gì phải sửa đổi, bổ sung trong chiến lược đào tạo chung nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ doanh nghiệp giỏi”.
Chương trình chắp vá, giảng viên chậm đổi mới
PGS.TS Lê Công Hoa, trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Phần lớn các chương trình đào tạo hiện nay có được là dựa vào việc chuyển đổi từ các chương trình đào tạo cử nhân kinh tế quản lý trước đây kết hợp với việc tiếp nhận một số môn học từ các trường đại học nước ngoài để chuyển đổi sang quản trị kinh doanh nên có sự đan xen, chắp vá và nhất thiếu tính logic trong chương trình đào tạo của các trường. Công nghệ xây dựng chương trình đào tạo còn mang nặn cảm nhận chủ quan, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, không theo kịp với sự thay đổi của thị trường”.
Phân tích về sự yếu kém trong tổ chức và quản lý đào tạo, PGS.TS Hòa cho hay, do phần lớn các trường vẫn còn chạy theo quy mô tuyển sinh nên việc điều hành giảng dạy hiện tại đang ở tình trạng “đối nghịch” giữa một bên là quy mô lớn, giảng dạy nhiều và bên kia là cơ sở vật chất, công nghệ thông tin và năng lực cán bộ, nhân viên có hạn nên kìm hãm sự tự chủ và đổi mới.
Đối với đội ngũ giáo viên, theo nhiều ý kiến đại biểu tại hội thảo, hiện nay đội ngũ giảng viên có trình độ cao về giảng dạy QTKD còn thiếu, riêng các trường dân lập và tư thục thiếu trầm trạng. Bộ phận giảng viên lớn tuổi, chủ yếu trước đây được đào tạo từ Liên xô cũ và các nước Đông Âu, có ngoại ngữ, có bề dày kinh nghiệm, song chậm nhạy bén với cơ chế thị trường và hạn chế về kiến thức tin học. Bộ phận giảng viên trẻ được đào tạo có sức bật tốt, song thiếu kinh nghiệm và chỉ biết sử dụng tiếng Anh. Cạnh đó là tiền lương và thu nhập của giảng viên còn thấp, nên phần lớn giảng viên còn coi trọng việc gia tăng cường độ làm việc và quy mô công việc đảm nhận nên ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Hồng Hạnh