Bảng tương tác vào trường học: Đi ngược nên vấp?
(Dân trí) - Bảng tương tác đang bước vào các trường tiểu học, mầm non theo chủ trương phụ huynh đóng góp 50%. Chủ trương này đã triển khai được một thời gian nhưng chưa hết vướng mắc.
Nhiều trường từ chối bảng tương tác
Theo kế hoạch, huyện Bình Chánh (TPHCM) được giao 49 bảng tương tác cho 29 đơn vị trường tiểu học, mầm non trên địa bàn. Nhưng đến nay, các trường chỉ nhận 26 bảng, nhiều trường không tham gia.
Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng giáo dục huyện Bình Chánh cho biết lý do là nhiều trường không vận động được phụ huynh chi trả 50% kinh phí theo chủ trương.
Tại một số quận khác của TPHCM như Phú Nhuận nhận 42 bảng như trường chỉ nhận 28 bảng, quận 7 mới chỉ bàn giao được 23 trong 44 bảng. Ngoài ra, một số quận vẫn đang trong quá trình chờ làm việc với UBND để có kế hoạch cụ thể. Quận 10 chính thức từ chối mua bảng tương tác do ngân sách không đủ chi cho khoản này.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng tính năng của bảng tương tác trong việc dạy học rất cao, thay thế cho phương tiện học thô sơ là tranh ảnh, mô hình mà giáo viên (GV) hay học trò đều khó nắm bắt.
Ông đưa ví dụ về học cơ thể người, nếu chỉ thông qua tranh ảnh, rất khó giảng giải để các em hiểu. Thông qua bảng tương tác có thể tách nhỏ từng bộ phận, có nhịp đập của tim, hơi thở thì kiến thức các em nắm sẽ rất chắc, chính xác. Ngoài ra, đây cũng là động lực khuyến khích GV ứng dụng công nghệ thông tin tích cực đổi mới phương pháp dạy học.
Về phản ứng của dư luận, ông Vinh cho rằng lẽ ra khi thực hiện chủ trương này, phải có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giúp phụ huynh hiểu về bảng tương tác từ trước.
Với kinh nghiệm từ trường mình, bà Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đề xuất, năm đầu thực hiện, thay vì sắm nhiều bảng, ngân sách nên tài trợ 100% kinh phí cho chiếc bảng đầu tiên đưa vào mỗi trường học. Như vậy, những trường khó khăn cũng sẽ có cơ hội tiếp cận phương tiện dạy học hiện đại.
“Từ chiếc bảng này, các trường sẽ phổ biến cho phụ huynh giúp họ hiểu về bảng tương tác. Khi thật sự thấy hiệu quả thì không phải 50% mà phụ huynh sẽ tự nguyện chi trả 100%. Còn giờ họ chưa hiểu gì về bảng tương tương tác, chưa biết hiệu quả tới đâu mà phải bỏ ra một khoản thì không tránh được việc băn khoăn, phản ứng”, bà Điệp cho ý kiến.
Băn khoăn hiệu quả sử dụng
Việc đưa bảng tương tác vào trường học nhằm hỗ trợ đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011-2020” với kinh phí 50% đóng góp từ phụ huynh. Tuy nhiên, chủ trương đưa vào khi chính phụ huynh và cả nhà trường cũng chưa thật hiểu rõ về bảng tương tác nên không khác nào một quy trình ngược là mua hàng xong mới mày mò về công dụng, hiệu quả.
Chính các trường cũng thừa nhận có tình trạng, nhiều trường đã nhận bảng về nhưng GV vẫn đang... chờ tập huấn, hoặc đã được tập huấn nhưng khi về trường vẫn lúng túng sử dụng nên học sinh đã đóng tiền nhưng chưa được học.
Nếu chỉ với 1 - 2 ngày tập huấn thì khó mà sử dụng một cách thuần thục, hiệu quả không được phát huy sẽ gây lãng phí cũng như khó tìm được sự đồng thuận từ phụ huynh. Bà Điệp nhấn mạnh nhà cung cấp phải có cam kết tập huấn liên tục cho toàn bộ GV của những trường tiếp nhận bảng tương tác.
Đại diện Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5 cho hay đối với GV lớn tuổi việc tiếp cận cách sử dụng không hề dễ dàng. Trường ưu tiên GV trẻ đi tập huấn rồi về hướng dẫn lại cho các GV khác.
Ông Nguyễn Quang Vinh cũng đồng tình việc đưa trang thiết bị hiện đại vào trường học không thể tách rời với vai trò của người thầy nên công tác tập huấn cần được ưu tiên. Về trách nhiệm chuyên môn, phòng sẽ sớm có hướng dẫn việc sử dụng bảng tương tác sao cho hiệu quả nhất.
Hầu hết lãnh đạo ngành đều lý giải khi triển khai chủ trương mới vào trường học có yếu tố xã hội hóa thì không thể tránh khỏi những phản ứng nên cần có thời gian. Thế nhưng với phụ huynh, những người bỏ đồng tiền mồ hôi nước mắt ra hoàn toàn có quyền được biết một chắc chắn đồng tiền của mình được sử dụng hiệu quả cho con em hay không. Làm sao có thể không hoang mang khi có tình trạng khi phụ huynh đã đóng tiền mua bảng nhưng giờ GV vẫn loay hoay chưa biết sử dụng, còn trên lại chưa có hướng dẫn sử dụng cụ thể.
Sắp tới, TPHCM tiếp tục triển khai đưa bảng tương tác vào trường THCS, THPT. Hy vọng rằng những điều còn vướng mắc sẽ được giải đáp thỏa đáng trước khi nhà trường lên tiếng kêu gọi phụ huynh đóng tiền.
Hoài Nam