Bài toán nguồn nhân lực cho ngành PR, Quảng cáo

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, PR đã trở thành một trong những nghề “nóng” trên nhất trên thị trường.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành này dẫn đền nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tăng cao, trong khi cơ sở đào tạo PR, quảng cáo vẫn còn mới mẻ và khan hiếm.
 
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, là người đã mở ra ngành đào tạo PR đầu tiên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định: “PR vào Việt Nam như một nhu cầu tất yếu trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang hội nhập. Hoạt động PR chuyên nghiệp vẫn còn là điều mới mẻ với phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp nói chung”. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ PR chỉ gói gọn là quan hệ báo chí, tổ chức sự kiện, giải quyết khủng hoảng. Hay PR thậm chí còn được dùng để chỉ những cô gái trong quán bar trên một bài báo gần đây. Đó là cách nhìn nhận chưa chính xác, xuất phát từ việc đào tạo về PR vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu hiểu biết về ngành này của xã hội.
 
Ở các nước phát triển, PR là một nghề nghiệp rất nghiêm túc và được đào tạo chuyên nghiệp từ lâu. Ở nước ta hiện nay, công tác đào tạo PR được đào tạo đầu tiên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau đó một số trường đại khác cũng mở các chuyên ngành PR. Hiện nay mới chỉ có sinh viên khóa PR đầu tiên của Khoa PR và Quảng cáo, Học viện Báo chí và tuyên truyền ra trường năm 2010, và đầu tháng 12 tới khóa Thạc sĩ PR đầu tiên trên cả nước sẽ khai giảng tại học viện. Như vậy nguồn nhân lực được đào tạo chính quy bậc đại học ngành này vẫn còn khan hiếm, trong khi đó số lượng các công ty PR bùng nổ như nấm sau mưa trong vài năm trở lại đây.
 
Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 7.000 công ty quảng cáo, nhân lực cho ngành này ít nhất là 70.000 lao động. Thêm vào đó là các tập đoàn truyền thông, các công ty PR đang phát triển rầm rộ cũng đang có nhu cầu về nguồn nhân lực lớn. Do đó, hầu hết các công ty PR đều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự được đào tạo theo nghề nghiệp này, buộc phải tuyển dụng người từ các chuyên ngành khác như báo chí, ngoại ngữ, kinh tế và được đào tào qua các khoá học ngắn hạn hoặc các học phần nằm trong chương trình đào tạo đại học, thậm chí có những người làm PR nhưng chưa hề qua một khóa đào tạo nào về PR. PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, cho biết: "Nhu cầu muốn được học về PR, quảng cáo của nhân sự trong các công ty truyền thông, công ty quảng cáo hiện nay là rất lớn. Đa phần họ không được đào tạo bài bản nên không hiểu đúng thế nào là PR, quảng cáo, tư duy chưa logic và thiếu chuyên nghiệp".
 
Bạn Đinh Thu Hương, tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại ngữ sau đó chuyển sang làm PR cho biết: “Hiện nay nhu cầu được học về PR một cách bài bản rất cao. Đôi khi chúng tôi muốn học mà chưa tìm được chỗ để học, khi tìm được chỗ học rồi thì công việc lại quá bận để có thể thu xếp tự đi học. Nên nếu công ty mở lớp đào tạo cho nhân viên thì sẽ tốt hơn rất nhiều”.
 
Để đáp ứng nhu cầu học về PR và quảng cáo, đã có rất cơ sở như Khoa PR và Quảng cáo, Học viện Báo chí Tuyên truyền, công ty truyền thông T&A Oglivy, Masso Group... đã mở các lớp đào tạo ngắn hạn, phần nào giải quyết được nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực cho ngành này.
 
Bạn Nguyễn Hoàng Nam, học viên lớp PR ngắn hạn của Khoa PR và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho biết: “Tuy khóa học PR chỉ kéo dài trong vòng một tháng, nhưng mình cũng đã học được nhiều thứ từ việc phân tích các tình huống thực tiễn trong Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, Lập kế hoạch truyền thông, Tổ chức sự kiện, Quản lý vấn đề và Quản trị khủng hoảng. Đặc biệt, các giảng viên ở đây dành nhiều thời gian để chúng mình làm quen và thực hành các kỹ năng trả lời phỏng vấn, viết thông cáo báo chí. Tuy nhiên nếu có thể mở rộng thêm các lớp học về Quảng cáo, lớp học về các kĩ năng chuyên sâu thì mình nghĩ sẽ đáp ứng thêm nhu cầu của các học viên...”.
 
Bên cạnh việc đào tạo PR cho các bậc đại học và cao học, Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở các lớp đào tạo PR khai giảng hàng tháng, cũng như các lớp đào tạo Quảng cáo và các kỹ năng chuyên sâu (như kĩ năng viết cho PR, tổ chức sự kiện, và kỹ năng đàm phán thuyết trình…). Giảng viên của khoá học là các Tiến sĩ và Thạc sĩ, có nhiều năm công tác và giảng dạy về truyền thông và PR được học tập tại các trường đại học ở các nước trên thế giới. Ngoài ra, học viên còn có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm thực tế về PR từ các giám đốc công ty và Tập đoàn Truyền thông nổi tiếng ở Việt Nam được mời đến giảng dạy trong các khóa học này. Mọi chi tiết có thể tham khảo tại website: http://www.pr-quangcao.edu.vn/

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm