Bài tập càng nhiều, điểm thi càng thấp

Nghiên cứu mới đây của 2 giáo sư và phó giáo sư ĐH Penn State (Mỹ) cho thấy, bài tập quá nhiều phản tác dụng đối với kết quả học tập. Gánh nặng bài tập làm giảm chất lượng giảng dạy và làm tăng sự khác biệt trong học tập ở học sinh.

Sau khi xem xét lại bản nghiên cứu Xu hướng trong nghiên cứu khoa học và toán học quốc tế (TIMSS) thứ ba, hai nhà nghiên cứu ở ĐH Penn State (Mỹ) là GS giáo dục - xã hội học David P. Baker và PGS giáo dục Gerald K. LeTendre nhận thấy, phần lớn giáo viên trên thế giới không biết sử dụng hiệu quả bài tập về nhà.

 

Bài tập giao về nhà chủ yếu chỉ ở dạng rèn luyện để tăng khả năng ghi nhớ những môn toán, khoa học hoặc nhân văn. Bài tập rèn luyện và lặp lại có tác dụng ở trường học, song ở nhà lại khác.

 

Khi mong muốn các gia đình hỗ trợ việc học tập ở nhà của trẻ, nhà trường cũng cần biết rằng trẻ sẽ không có được chất lượng giáo dục giống nhau khi các gia đình khác biệt nhau về điều kiện sống, thu nhập.

 

Gánh nặng bài tập là vấn đề đặc biệt khó giải quyết ở những hộ gia đình nghèo khi cha mẹ không có thời gian hoặc không có xu hướng cung cấp cho trẻ môi trường có thể hình thành thói quen học tập tốt. Tuy nhiên, gánh nặng bài tập cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của HS gia đình có thu nhập cao.

 

Theo PGS LeTendre, những phụ huynh này thường cho trẻ tham gia nhiều hoạt động không nằm trong chương trình giảng dạy. Đôi khi họ cho rằng các bài luyện tập kỹ năng và ghi nhớ xâm phạm thời gian gia đình.

 

Ngoài ra, 2 người còn kết luận là có ít tương quan tích cực giữa lượng bài tập về nhà và điểm số. Ví dụ, tại nhiều nước HS có điểm số cao nhất như Nhật, Czech và Đan Mạch, giáo viên lại thường cho khá ít bài tập. Ngược lại, ở những nước có điểm số trung bình rất thấp như Thái Lan, Hy Lạp và Iran, giáo viên thường giao lượng lớn bài tập về nhà.

 

Thực tế, kể từ đầu thập kỷ 80, giáo viên Mỹ bắt đầu giao nhiều bài tập hơn cho HS khi nhận thấy kết quả học tập của HS Mỹ thấp hơn nhiều so với HS Nhật.

 

Mỹ là một trong những nước có tỷ lệ bài tập toán cho HS lớp 7 và 8 nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, xu hướng ngược lại diễn ra tại Nhật Bản: giảm bài tập về nhà, tăng thời gian giải trí ngoài giờ học.

 

Trong năm 1994-1995, HS Mỹ phải làm hơn hai tiếng bài tập toán/tuần, trong khi tỷ lệ này ở Nhật Bản là 1 tiếng/tuần - tỷ lệ thuộc loại thấp nhất trên thế giới. Điểm số của HS Mỹ hiện vẫn chỉ ở mức trung bình quốc tế mặc dù lượng bài tập cũng nhiều như HS các nước khác.

 

Theo nhà nghiên cứu LeTendre, việc vội vàng thực hiện chiến lược chú trọng quá mức vào bài tập về nhà thay vì tập trung vào các mặt như chất lượng giảng dạy và bình đẳng trong tiếp cận cơ hội học tập có thể dẫn đến sự lãng phí về thời gian và năng lượng cho một quốc gia. Gánh nặng bài tập ngày càng tăng làm trầm trọng mối căng thẳng trong gia đình. Từ đó, sẽ tạo thêm sự bất bình đẳng và làm nguy hại chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Theo Kiều Trinh

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm