Bài học chuối hột

Có lần, trong giờ học, cô dạy, chuối không có hột, cháu tôi đứng dậy nói: “Ngoại con nói chuối có hột”. Thế là cô đỏ mặt quát: “Im mồm, cấm cãi”...

Tôi chưa một ngày được đào tạo sư phạm nên không hiểu sâu về lĩnh vực này. Dưới đây là những việc có thực xảy ra ở trường chuẩn, ngay tại Thủ đô Hà Nội. Tôi đưa ra một vài suy nghĩ với mong muốn được chia sẻ.

 

Gần đây các nhà giáo dục nói nhiều đến phương pháp dạy học tích cực, chủ động, phát huy tiềm năng học sinh, lấy học sinh (HS) làm trung tâm...

 

Trường chuẩn (chuẩn quốc gia), lớp điểm là nơi có phương pháp dạy học tốt, tôi đã nghĩ như thế và nếu là một phụ huynh bình thường, chắc bạn cũng nghĩ như tôi.

 

Tại một lớp điểm bậc tiểu học, ngang cửa ra vào có một đoạn dây điện lòng thòng không biết dẫn đi đâu. Cô giáo nghiêm mặt dặn HS: “Có nhìn thấy cái dây điện ngang cửa không? Nếu dẫm lên hoặc đá vào điện giật chết người đấy. Đi thì phải nhìn mà tránh...!”

 

Cô nhắc như thế nhiều lần bởi vì cái dây điện tồn tại ở đó khá lâu và cô là người có trách nhiệm. Với cách dặn dò như thế, tôi lại cảm thấy lo hơn. Tại sao không dạy HS: "Trước khi cắm điện phải kiểm tra xem dây có bị hở không? Hoặc, có nên để dây điện ở nhưng vị trí đi lại như thế không…?".

 

HS tiểu học bắt “nhìn mà tránh” xem ra hơi khó.  Nghĩ đến đây, tôi chợt liên tưởng tới mấy cái bập bênh, đu quay hoen gỉ, bong tróc, lòi cả đầu sắt nhọn ra ở ngoài cổng trường. Với cách tiếp cận vấn đề như thế, biết đâu cô lại chẳng dạy HS: "Trượt cầu trượt thì nhớ đừng lao vào cọc sắt nhọn…?!"     

 

Một HS lớp 1 kể: "Hôm nay bạn bên cạnh cháu bị cô giáo mắng. Cô bảo: “Cái mặt sáng sủa thế mà ngu”. Tôi hỏi thêm: "Cô mắng những gì nữa?". Cháu nói: "Cô mắng câu dễ thì cháu mới nhớ. Cô mắng nhiều câu khó, cháu không nhớ được". Quý vị có biết “cô  mắng câu khó” như thế nào không? 

 

Có lần, trong giờ học, cô dạy, chuối không có hột, cháu tôi đứng dậy nói: “Ngoại con nói chuối có hột”. Thế là cô đỏ mặt quát: “Im mồm, cấm cãi”. Cháu ấm ức về kể với tôi. Nhưng tôi cũng chẳng giúp gì cho cháu, chỉ buồn về cách dạy của cô. Cô có thể phê bình cách “cãi” của trò chứ tại sao lại cấm trò “cãi”?

 

Nghe đâu nền giáo dục ở nhiều nước, người ta kêu gọi, mong chờ và tôn trọng cái sự “cãi” đó của học sinh sinh viên (HSSV). Đấy mới là cách dạy hướng đến người học, khơi gợi sự chủ động của người học chứ. Nhiều HSSV của ta thụ động, không biết đặt câu hỏi “tại sao” phải chăng một phần cũng vì cách giáo dục áp đặt, một chiều như thế?

 

Tôi đi họp phụ huynh được cô giáo khuyên: “Các anh chị muốn con ngoan, học giỏi thì phải kèm sát. Chúng nó học phải đứng bên cạnh, không cho chúng lơ là, bắt làm hết bài mới cho nghỉ”.

 

Tôi thầm cảm ơn cô vì thực tâm cô muốn trò giỏi. Nhưng biện pháp thì tôi chưa thật đồng tình.  Hầu hết HS giỏi, các nhà sáng chế, các nhà bác học đều là những người biết cách tự học và tự giác học. Nếu như ngay từ nhỏ các em làm việc gì cũng phải có người kè kè bên cạnh thì lâu dần sẽ trở thành thói quen xấu: Có người giám sát thì làm, không thì chơi; nếu làm, chất lượng công việc cũng chẳng ra gì. Hình như đây là mẫu người bị động và ỷ lại của thời kinh tế tập trung mà ngày nay, lẽ ra, không còn đất sống.      

 

Theo Ngô Thiệu Phong

Vietnamnet