Bạc Liêu: 3 năm thực hiện đề án 281, hơn 100.000 gia đình học tập được công nhận
(Dân trí) - Ngày 19/12, UBND tỉnh Bạc Liêu và Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Kiên Nhẫn cho biết, qua 3 năm thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (đề án 281), các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền đề án này sâu rộng đến từng địa phương.
Bên cạnh đó, Hội cũng ký kết phối hợp thực hiện đề án với nhiều Sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, nâng cao nhận thức trong cán bộ, viên chức,... việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ dân trí trong nhân dân.
Từ năm 2015 đến nay, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án là hơn 442 triệu đồng, thực hiện 13 nhiệm vụ như hội thảo, tập huấn, kiểm tra,… đã góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020.
Qua 3 năm thực hiện đề án, đến nay đã có 147.156 Gia đình học tập, 1.503 Dòng họ học tập, 56 Cộng đồng học tập,… được công nhận. Trong đó, tỷ lệ Gia đình học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập cấp xã quản lý đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Nhiều gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu đã được tặng Bằng khen, Giấy khen, tạo được sự phấn khởi và niềm tin của nhân dân đối với phong trào này.
Theo ông Nguyễn Kiên Nhẫn, đạt được những kết quả nêu trên, Hội Khuyến học các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác khuyến học.
“Sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành; nhận thức về học tập thường xuyên, học tập suốt đời của cán bộ, hội viên nâng lên rõ nét; các hình thức tập huấn, tuyên truyền đa dạng;… đã góp phần có hiệu quả thực hiện đề án, đẩy mạnh phong trào khuyến học và xây dựng xã hội học tập ở địa phương”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn cho rằng, để đề án có hiệu quả, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, công tác phối hợp, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện đề án ở cơ sở nhằm phát hiện những nhân tố tích cực, những cách làm hay để kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo, đồng thời phát hiện những hạn chế để kịp thời uốn nắn.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cũng có đề xuất Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải có tiêu chí về xây dựng xã hội học tập và phát động phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xây dựng các mô hình học tập tiến tới xây dựng Cộng đồng học tập cấp xã; thực hiện việc lồng ghép xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa với xét các danh hiệu học tập ở cơ sở.
Bà Lâm Thị Sang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã đánh giá cao và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực mà các cấp Hội Khuyến học của tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện đề án 281 với kết quả rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, với đề án 281, nhiều nơi có "phát" nhưng không "động", diễn ra không liên tục, không đồng đều, thể hiện hình thức còn cao, do đó, bà Sang đề nghị các cấp Hội cần rút kinh nghiệm.
Bà Lâm Thị Sang đề nghị thời gian tới các cấp Hội Khuyến học cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương; cần đẩy mạnh phong trào khuyến học khuyến tài gắn với với gia đình văn hóa; tiếp tục duy trì quan tâm dạy nghề nông thôn, xuất khẩu lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhân rộng mô hình học tập;...
Huỳnh Hải