Ánh sáng của niềm tin...

Một cô học trò Đào Thu Hương luôn là học sinh giỏi nhất toàn khối suốt nhiều năm liền. Một cậu sinh viên Đinh Tuấn Sơn vừa đàn hay vừa chơi cờ giỏi, là thủ khoa hệ đại học khoa đàn nguyệt của Nhạc viện Hà Nội năm 2005.

Và Sơn cũng là một trong ba VĐV cờ vua tham dự Para Games 3 tại Philippines vừa qua.

 

Số mệnh đã cướp đi ánh sáng của đôi mắt nhưng cả hai đều đang vươn lên từ ánh sáng của niềm tin vào chính mình...

 

Cô gái đã nhìn thấy nắng...

 

Hương dáng mảnh mai, có giọng nói nhẹ tựa sương đêm và gương mặt thanh tú hay ngước về phía trước. Bố mẹ phát hiện Hương “không bình thường ở mắt” từ lúc cô bé còn nằm ngửa nhưng mãi đến năm học lớp 4 Hương mới không còn thấy tí gì. “Còn bé quá vả lại mắt cứ mờ dần nên cũng không có gì là buồn.

 

Bây giờ chỉ cảm thấy tiếc vì sao lúc ấy mình không nhìn cho hết, cho đã... - Hương tiếc nuối nhưng rồi vui lại ngay - Thế cũng còn may hơn các bạn. Ít ra mình đã từng nhìn được, còn biết vài thứ để làm văn, biết một đường chuyền bóng để làm hình học không gian và biết... nắng là như thế nào”.

 

Đôi mắt Hương mở to nhìn vào xa xăm - nơi ấy mỗi khi ra chơi, em hay ngước nhìn lên cây bàng trong sân trường đầy nắng, ngắm ánh nắng xuyên qua khe lá thành những chùm hoa lộng lẫy. Hương thích nắng vì “nắng là con đường gần nhất đưa người khiếm thị đến với ánh sáng”. Cái tên Hoa Nắng cho tờ báo của Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cũng là do Hương đặt.

 

Hoạt động phong trào sôi nổi không kém gì các bạn sáng mắt, Hương còn tự học organ, thường là “đờn sĩ” cho đội văn nghệ biểu diễn trong các dịp lễ hội. Cho đến bây giờ Hương vẫn là một MC thông minh, hoạt bát trong các chương trình văn nghệ gây quĩ do các nghệ sĩ tổ chức.

 

Hương giỏi tiếng Anh, thông thạo vi tính chuyên dùng cho người khiếm thị và cả vi tính thông dụng của người sáng mắt và cũng rất khá trong lĩnh vực hội họa. Nhiều bức tranh của Hương được mang triển lãm ở nước ngoài và thành tích vang dội nhất Hương đoạt được là giải đặc biệt trong cuộc thi "Thế giới quanh em” do T.Ư Đoàn tổ chức năm 2001 cho bức Tấm Cám. Suốt chín năm học, Hương luôn dẫn đầu lớp.

 

Rồi một cú sốc lớn làm cô bé như “rơi xuống vực thẳm”, năm 2002. Một số trường THPT từ chối nhận Hương vào học dù điểm thi tốt nghiệp THCS của em cao chót vót. Người mẹ hoảng hốt chạy khắp nơi tìm kiếm.

 

Khi tìm đến Trường THDL Lương Thế Vinh, thầy hiệu trưởng chỉ đắn đo một điều: “Thế em trả bài, làm bài kiểm tra bằng cách nào?”. “Thưa thầy, môn xã hội em trả lời trên máy tính, môn tự nhiên trả lời bằng... miệng”. Thầy chẳng những đồng ý mà còn miễn học phí cho Hương trong suốt quá trình học…

 

“Khi Hương vào lớp 10, bố mẹ đã bán chiếc Chaly 50cc - chiếc xe tốt nhất của cả nhà - để mua cho Hương chiếc máy tính cũ. Trong suốt những năm học, chi phí học tập của Hương lúc nào cũng “đội sổ” vì sách giáo khoa phải gửi mua từ TPHCM, tài liệu ôn thi phải nhờ người “chuyển thể” sang giọng nói hoặc thuê đánh máy ghi vào đĩa... Không biết vào đại học chi phí sẽ thế nào đây” - trong một email, Hương cứ băn khoăn mãi như thế.

 

Rồi lại lo âu: “Ở Hà Nội chỉ có một vài trường nhận sinh viên khiếm thị vào hệ chính qui, một số trường khác chỉ cho vào hệ tại chức. Kết quả của các anh chị khiếm thị đi trước đã chứng minh rằng người hỏng mắt hoàn toàn có thể học đại học, em hi vọng tình hình sẽ dần thay đổi. Chẳng lẽ cơ hội vào đại học với những người khiếm thị cứ khó khăn như thế mãi sao?”.

 

Ánh sáng của niềm tin... - 1
 

Đinh Tuấn Sơn (trái) thi đấu với một đối thủ là người sáng mắt tại Para Games 3.

Đấu cờ với người sáng mắt

 

Đó là tin sốt dẻo nhất trong làng thể thao VN khi đoàn VĐV khuyết tật VN vinh quang ngày trở về sau Para Games 3 tổ chức tại Philippines vừa qua. Và người dám “đấu cờ với người sáng” ấy chính là Đinh Tuấn Sơn (sinh năm 1981, quê Nam Định) - VĐV nam khiếm thị duy nhất trong đoàn.

 

Đây là lần đầu tiên VN tham dự nội dung môn cờ vua và thành tích của đội tuyển đạt được chỉ là ba chiếc HCĐ đồng đội. Sơn có mặt ở hai nội dung với tất cả 13 ván đấu - nhiều nhất trong cả đoàn. Ở nội dung khiếm thị, Sơn chỉ chịu thua khi “đụng” với VĐV người Philippines đẳng cấp thế giới (nằm trong đội tuyển khiếm thị thế giới) và dừng lại ở chiếc HCĐ.

 

Thú vị hơn là ở nội dung hỗn hợp, Sơn là VĐV khiếm thị duy nhất được bổ sung vào đội hình thi đấu toàn người sáng mắt. Ở nội dung này, Sơn vượt qua nhiều VĐV là người sáng mắt và chỉ đành “buông súng” khi “đụng” với hai kiện tướng cờ vua thế giới, người Philippines, góp phần mang về chiếc HCĐ thứ hai cho VN.

 

“Nếu nhìn thấy, Sơn sẽ chọn bóng đá, chơi ở hàng tiền đạo, tiền vệ cơ”. Nhưng khi đã chọn cờ Sơn vẫn là người chơi giỏi nhất. Lần đầu tiên tại giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc 2004, Sơn rinh về một lúc hai chiếc HCV cá nhân và đồng đội. Năm 2005, cũng tại giải toàn quốc chuẩn bị lực lượng cho Para Games, Sơn đã bảo vệ thành công hai chiếc HCV của mình.

 

Cũng trong năm này, Sơn là SV đậu thủ khoa điểm tuyệt đối cao nhất chuyên ngành đàn nguyệt Nhạc viện Hà Nội. Trước đó khi thi vào trung cấp bốn năm nhạc viện Sơn cũng là thủ khoa. Sơn còn chơi thông thạo mandoline, guitar, đàn tứ và đang dạy nhạc dân tộc cho học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu. Thầy Đỗ Văn Để - tổ trưởng tổ đàn nguyệt - vui vẻ dự báo: “Khóa này khoa có em Đinh Tuấn Sơn khá lắm, chúng tôi hi vọng nhiều ở em ấy”.

 

Cuộc sống sôi động trôi nhanh. Tai nạn ngày xưa... đã là chuyện của ngày xưa, ngày Sơn 8 tuổi. Trong lần chơi ném gạch với bạn bè, một con mắt bị gạch ném trúng, ngay sau đó phải lấy ra vì tổn thương quá nặng. Con mắt còn lại cũng bị nhiễm trùng phải múc ra năm Sơn lên 10.

 

Nhắc lại chuyện cũ, Sơn cười rổn rảng: “Con nít chơi mà hậu quả thế đấy. Chỉ buồn một tí, bây giờ thì quen rồi”. Cha mẹ thương đưa lên Hà Nội cho đi học. Sự kiện Sơn đi học đến nay nhiều người trong trường vẫn còn nhắc vì từ trước tới giờ chưa có phụ huynh nào ở lại cùng ăn cùng học với con gần một tháng như cha con Sơn. Khi cha về quê, Sơn ôm gối khóc suốt ba bốn ngày liền.

 

Sơn giờ đã mạnh mẽ hơn nhiều. Giọng nói ấm áp, lúc nào cũng vui vẻ, Sơn thích nói về những may mắn của mình. “May là mình có gia đình luôn kề vai sát cánh”; “May là mình có tí năng khiếu về thể thao”; “Mình cũng có được chút tí đam mê âm nhạc”. Chàng trai bận rộn ấy chẳng có thời gian để nghĩ về bất hạnh. “Mình lo chạy vắt giò lên cổ để kịp bài vở trên giảng đường. Thời gian đâu mà lo buồn” - Sơn lại cười rổn rảng...

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm