9X Việt giành học bổng tiến sĩ 11 ĐH công nghệ hàng đầu thế giới

(Dân trí) - Ngoài việc “đánh bại” học bổng tiến sĩ toàn phần danh giá của Viện công nghệ số 1 thế giới - Massachusetts Institute of Technology (MIT), chàng trai 22 tuổi Phan Đức Huy còn được 10 đại học công nghệ, kỹ thuật xếp hạng cao nhất toàn cầu chào đón.

Từ trường tư thục đến học bổng 11 trường danh giá nhất thế giới

 

Đang là sinh viên năm cuối khoa Vật lý trường McDaniel College, Mỹ (xếp thứ 129 các trường đại học tư thục của Mỹ theo US News & World Report, Mỹ), Đức Huy tự tay mở 11 “cánh cửa” học tiến sĩ của các trường đại học danh giá nhất thế giới.

 

Đó là Viện công nghệ số 1 thế giới Massachusetts Institute of Technology (MIT), đang giữ ngôi vị quán quân danh sách các trường Đại học tốt nhất thế giới nói chung và ngành Vật lý - Thiên văn học nói riêng trong bảng xếp hạng uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới - QS World University Rankings, Anh quốc; Xếp thứ 1 danh sách các trường kĩ thuật tốt nhất thế giới, thứ 2 trong danh sách các trường đại học tốt nhất toàn cầu, xếp thứ 1 về các ngành Vật lý, Toán học, Kinh tế học, Khoa học máy tính, Hóa học, Sinh học… toàn thế giới theo tạp chí uy tín US News & World Report, Mỹ công bố năm 2014.

 

Không những thế, 10 đại học danh tiếng khác như: Cornell (thứ 19 thế giới), Michigan (thứ 23), Duke (thứ 25) theo QS World University Rankings, University of Texas – Austin (thứ 30 thế giới), Boston University (thứ 37), University of Minnesota (thứ 29), Purdue University (thứ 69) theo US News & World Report, Illinois Institute of Technology, Virginia Tech, University of Massachusetts - Amherst cũng cấp học bổng tiến sĩ toàn phần cho Huy.

 
9X Việt giành học bổng tiến sĩ 11 ĐH công nghệ hàng đầu thế giới
Ở tuổi 22, Phan Đức Huy chinh phục 11 học bổng toàn phần các trường danh tiếng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật thế giới.
 

Từ thời phổ thông, Huy đã đam mê và “giật” nhiều giải thưởng Vật lý: giải 3 quốc gia môn Vật lý, 2 lần đoạt giải nhất học sinh giỏi vật lý TP HCM, huy chương vàng Olympic 30/4 môn Vật lý…

 

Tương lai, chàng cựu học sinh chuyên Lý THPT Lê Hồng Phong TP. HCM mong ước có thể giống nhà vật lý vĩ đại của thế kỷ 20 - Richard Feynman, vừa nghiên cứu vừa là một người thầy truyền nhiệt huyết, đam mê cho những thế hệ sau.

 

Trước 11 sự lựa chọn tốt để học tiến sĩ, Huy quyết định theo học tại Viện công nghệ MIT, nơi đầu tư rất nhiều vào ngành vật lý năng lượng cao với số lượng lớn các dự án nghiên cứu như đam mê của mình.

 

Với gói học bổng 84.000 USD/năm (trong vòng 5-6 năm) bao gồm tiền học và chi phí nghiên cứu, Huy có thể bắt tay vào việc nghiên cứu vật lý ngay từ năm đầu tiên mà không phải tham gia giảng dạy.

 
9X Việt giành học bổng tiến sĩ 11 ĐH công nghệ hàng đầu thế giới
Huy cùng giáo sư William Barletta (MIT) và nhóm nghiên cứu tại US Particle Accelerator School ở New Mexico.
 

“Tại đây, mình sẽ làm việc ở phòng thí nghiệm khoa học hạt nhân để nghiên cứu vật lý năng lượng cao về những hạt cơ bản cấu thành vật chất và sự tương tác giữa chúng với nhau. Đây là đam mê từ nhỏ của mình bởi Vật lý hạt đặt ra những câu hỏi hóc búa, mang đầy tính triết học và đầy cuốn hút như: tại sao vũ trụ lại tồn tại, bản chất của vũ trụ là gì”, Đức Huy cho hay.

 

Để trở nên ưu tú, đừng giấu dốt, ngại hỏi…

 

Theo Huy, bài học lớn nhất mà anh chàng có được sau 4 năm du học Mỹ là không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân: “Tiếp thu ý kiến của người khác là đương nhiên, nhưng quan trọng là phải chủ động tìm lời khuyên và ý kiến đóng góp. Không được giấu dốt, không biết phải hỏi”.

 

Chiến lược chinh phục học bổng tiến sĩ hàng đầu thế giới của Huy, tựu chung gồm 5 yếu tố: Tự học hỏi để đạt GPA (điểm trung bình) tốt (tầm trên 3.7/4.0); Nắm vững kiến thức và giải bài nhanh để đạt điểm thi GRE và thi GRE Subject tốt; Chuẩn bị thư giới thiệu từ các giáo sư và như vậy, trước tiên phải gây được ấn tượng với các giáo sư qua việc học và nghiên cứu; Tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu bằng cách tích cực tham gia các dự án nghiên cứu (trong năm, trong hè, ở trường, ở ngoài trường); Trau dồi các kĩ năng mềm như làm việc nhóm, lãnh đạo và các kĩ năng cứng như lập trình… Và tất nhiên, yếu tố đầu tiên, phải có đam mê thực sự.

 
Cùng bạn bè trong chuyến nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu Vật lý gia tốc quốc gia Fermilab.
Cùng bạn bè trong chuyến nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu Vật lý gia tốc quốc gia Fermilab.
 

Đam mê lớn nhất của anh chàng là có thể tìm hiểu thêm về bản chất của vũ trụ và tìm ra những kiến thức vật lý mới.

 

Vì thế, không chỉ hoàn thành thật tốt việc học tập ở trường, Huy chủ động tham gia những khóa học trực tuyến của chương trình MIT OpenCourseware (học chuyên sâu hơn các môn trên lớp và mở rộng kiến thức ra những ngành ngoài chương trình ở trường đại học) để chuẩn bị chinh phục học bổng tiến sĩ nghiên cứu khoa học.

 

Năm 3 đại học, Đức Huy trở thành một trong 6 sinh viên xuất sắc nhất (trên tổng số 500 người nộp đơn ở toàn nước Mỹ), được nhận vào làm nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu Vật lý gia tốc quốc gia Fermilab. Trong 3 tháng ở đây, anh chàng tham gia dự án R&D (research & development) của một thế hệ máy gia tốc hạt mới với hiệu suất và kinh phí rẻ hơn các thế hệ máy gia tốc hiện nay.

 

Trong lần tham gia nghiên cứu về máy gia tốc tại Illinois này, Đức Huy được Alvin Tollestrup (từng là một trong những người quan trọng đứng đầu Fermilab và ngành Vật lý hạt nhân ở Mỹ) chú ý và khen ngợi rằng “Bạn làm việc thực sự ấn tượng”.

 
Cùng bạn bè trong chuyến nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu Vật lý gia tốc quốc gia Fermilab.
Bằng đam mê, nỗ lực, Đức Huy đã chạm tay vào giấc mơ đặt chân tới Viện công nghệ số 1 thế giới MIT bằng học bổng tiến sĩ toàn phần.
 

Báo cáo khoa học của Huy và giáo sư Vasilis Pagonis ở trường Đại học McDaniel cùng một vài cộng tác viên về mô hình phát quang trong một số vật liệu có khả năng phát quang đã được 2 tạp chí khoa học vật lý danh tiếng Journal of Luminescence và Radiation Measurements (trụ sở ở Hà Lan) đăng tải.

 

Với Huy, những kinh nghiệm nghiên cứu vô cùng giá trị, giúp bản thân cậu trau dồi kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ năng làm thí nghiệm, phân tích dữ liệu, lập trình...

 

Năm 2014, Huy giành học bổng Harry Jones của Đại học McDaniel trao tặng (mỗi năm, chỉ có một sinh viên ưu tú nhất khoa Vật lý vinh dự nhận)

 

Đặc biệt, chàng trai Sài Gòn được nhận vào hội Honor Society Phi Beta Kappa - một trong những tổ chức học thuật danh giá của nước Mỹ (thành viên của Hội đến nay từng có 17 tổng thống Mỹ, 38 thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ và 136 người đoạt giải Nobel).

 
Anh chàng và bạn thư giãn sau khi làm tiệc văn nghệ Taste of Asia ở trường McDaniel College.

Anh chàng và bạn thư giãn sau khi làm tiệc văn nghệ Taste of Asia ở trường McDaniel College.
 

Hết mình, chu toàn với công việc, say mê nghiên cứu khoa học và vui vẻ, hòa đồng, hay giúp đỡ mọi người là nhận xét của nhiều bạn bè về Huy. Bận rộn với chương trình học chính khóa, đam mê khoa học, Huy vẫn dành thời gian tham gia tích cực các tổ chức ngoại khóa.

 

Anh chàng hiện là phó chủ tịch của một số tổ chức trong trường đại học như: CLB cầu lông, CLB Asian Community Coalition (với các hoạt động tìm hiểu văn hóa châu Á), Society of Physics Student và Mathematics Honor Society Kappa Mu epsilon…

                   

Lệ Thu

(Ảnh NVCC)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm