9X giành 8 học bổng Tiến sĩ toàn phần Mỹ: Tản mạn chuyện thư giới thiệu

(Dân trí) - Mong muốn “truyền lửa” và góp phần chắp cánh những ước mơ du học, Châu Thanh Vũ – chàng trai Ninh Thuận xuất sắc giành 8 học bổng Tiến sỹ toàn phần Mỹ chia sẻ đến các bạn đang chuẩn bị hồ sơ cao học hoặc tiến sĩ kinh nghiệm quan trọng nhất khi anh chuẩn bị đơn - xin thư giới thiệu.

Tản mạn chuyện thư giới thiệu

“Đến hẹn lại lên, tháng 9 là một tháng mà mùa tuyển sinh của các trường đại học và cao học đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhìn các bạn chuẩn bị đơn, tiếp cận mình để hỏi han về quá trình nộp đơn xin học bổng tiến sĩ,… khiến mình nhớ lại hình ảnh của mình năm 2014. Đến bây giờ, mình và những đồng nghiệp cùng khóa tiến sĩ ở Harvard khi nói chuyện với nhau, vẫn còn cảm thấy may mắn khi đã được nhận làm tiến sĩ tại ngôi trường này.


Châu Thanh Vũ, chàng trai từng giành 8 học bổng Tiến sỹ toàn phần Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ĐH Harvard, Mỹ.

Châu Thanh Vũ, chàng trai từng giành 8 học bổng Tiến sỹ toàn phần Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ĐH Harvard, Mỹ.

Mỗi người chúng mình đã đến với ngôi trường này bằng những con đường khác nhau. Hầu hết mọi người đến với chương trình tiến sĩ thông qua con đường thông thường: tốt nghiệp đại học, học 2 năm thạc sĩ, hoặc làm trợ lý nghiên cứu cho những giáo sư nổi tiếng trong vòng 1-2 năm, để rồi được giới thiệu vào học tiến sĩ. Chỉ khoảng ít hơn 1/3 thành viên trong một khóa (khóa của chúng tôi là 25 người) là những con người chân ướt chân ráo vừa tốt nghiệp đại học xong đã đi học tiến sĩ ngay như mình.

Ngày này năm ngoái, mình đang ngồi trong văn phòng của giáo sư Golosov, giáo sư hướng dẫn luận văn năm thứ 3 của mình, để hỏi thầy về khả năng được học bổng tiến sĩ của mình. Thầy tuy còn trẻ, nhưng nổi tiếng là một người cực kỳ nghiêm khắc. Ngay cả những nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Princeton cũng khá dè dặt mỗi khi thầy đến buổi thuyết trình nghiên cứu của họ để nhận xét, vì thầy thường hay chỉ ra những lỗ hổng trong suy luận hoặc những giả định không hợp lý trong nghiên cứu của họ.

Lúc mới bắt đầu làm việc với thầy, mình cũng sợ – chắc một phần cũng vì thầy ít khi cười và sẵn sàng thẳng thắn nói với mình là những ý tưởng của mình không hợp lý hoặc không thú vị. Khi viết luận văn năm 3, đó là lúc đầu tiên mình phải thật sự nghiêm túc nghiên cứu, vì mình biết nếu không gây ấn tượng được với giáo sư Golosov thì khi mình nộp học bổng tiến sĩ sẽ không ai viết thư giới thiệu cho mình, mà đây là yếu tố quan trọng nhất trong hồ sơ. Hơn thế nữa, mình cần đến 3 lá thư từ 3 vị giáo sư khác nhau.

Dù mình đặt khá nhiều thời gian vào việc viết bài luận này, nghiên cứu của mình suốt mấy tháng đầu không thành công cho lắm. Cứ mỗi lần mình có một ý tưởng chủ đề mà mình nghĩ là hay ho, thì hoặc ý tưởng của mình trái ngược với những gì dữ liệu thực tế cho thấy, hoặc quá khó để một đứa năm 3 như mình có thể tiến hành được. Khoảng thời gian này có lẽ là lúc mình thấy lung lay nhất về việc học tiến sĩ: nếu mình không thể nghiên cứu được, thì sẽ không có thư giới thiệu cho đơn xin học tiến sĩ. Và hơn thế nữa, nếu mình không có khả năng nghiên cứu, thì chắc cũng không nên đi làm tiến sĩ.

Một tuần trước hạn chót nộp bài nghiên cứu, mình quyết định bỏ tất cả những gì đã làm để theo đuổi một hướng mới: nghiên cứu về sự phân cực của thị trường lao động Mỹ sử dụng những công cụ mà mình học ké được từ lớp của nghiên cứu sinh tiến sĩ năm nhất ở Princeton. Đây là một chủ đề khó hơn, nhưng mình cũng có được những công cụ mạnh hơn.

May mắn thay, vào 3h sáng một hôm nào đó vài ngày trước hạn chót, mình đã có được những kết quả nghiên cứu đầu tiên của cuộc đời, khi dữ liệu chạy ra từ mô hình phù hợp với cả giả thuyết của mình lẫn dữ liệu thực tế. Khi mình nộp bài nghiên cứu này lên, người thầy nghiêm khắc Golosov đã viết nhận xét cho mình chỉ gồm 2 câu: “Bài viết của em rất tốt. Thầy nghĩ bài của em vượt xa bài nghiên cứu của những sinh viên đại học khác, và hay hơn nhiều so với bài nghiên cứu của ngay cả những nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 3 của khoa.”

Sau sự kiện này, giáo sư Golosov cũng bắt đầu nói chuyện với những giáo sư trong khoa khác về nghiên cứu của mình, tạo được ấn tượng tốt để mà sau này, hai giáo sư khác nữa mà mình học hoặc làm nghiên cứu cùng, cũng an tâm viết thư giới thiệu cho mình.

***

Lúc mình trao đổi với giáo sư Golosov về việc nộp đơn xin học tiến sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học – điều vốn là một ý định điên rồ vì mình sẽ thua kém rất nhiều so với những người đã học qua thạc sĩ hoặc có vài năm kinh nghiệm làm nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học – thầy chỉ trao đổi ngắn về điểm số và những lớp mình đã học, trước khi hỏi:

– “Quan trọng nhất là, ai sẽ viết thư giới thiệu cho em?”

– “Dạ, 3 lá thư sẽ là thầy, giáo sư Kiyotaki, người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của em, và giáo sư Rogerson, người dạy kinh tế vĩ mô cho em ạ”

– “Thầy không biết em sẽ đậu ở đâu vì lúc nào cũng có rủi ro, nhưng thầy sẽ hết sức ngạc nhiên nếu em không đậu vào một trường ở top 5.”

Lúc đó mình không tin vào nhận định của thầy một chút nào. Sau này khi đậu cả cả 5 trường lớn về môn kinh tế (MIT, Harvard, Princeton, Stanford, UChicago) rồi, mình mới hiểu ra được sự quả quyết của thầy. Mình có được kết quả như ngày hôm nay, đều bắt đầu từ một sự may mắn rất lớn là mình được học ở ĐH Princeton, nơi tập trung những cái tên lớn nhất của môn Kinh tế.

Tập trung được 3 lá thư từ 3 vị giáo sư tên tuổi này có lẽ là điều khó làm nhất, nhưng một khi đã được, trở thành yếu tố quan trọng nhất trong bộ hồ sơ của mình. Tất nhiên sau này nhìn lại thì dễ, nhưng chuyện cố gắng học và nghiên cứu thật tốt để gây ấn tượng và thuyết phục các giáo sư này là mình đủ khả năng, 2 năm trước đây là một điều đã tưởng chừng như không thể.

***

Học kì mùa thu năm 3, cứ mỗi tuần mình đã thức trắng đêm một lần – một thói làm việc mà mình quyết định bỏ từ đây. Nhưng, vì tương lai có quá nhiều con đường, đôi lúc mình tự hỏi nếu mình đã không làm thế, liệu mình có đến đây, ngồi tại quán Starbucks của quãng trường Harvard, để viết ra được nhưng dòng này không.

Nhiều em đã tiếp cận để hỏi mình về quá trình nộp học bổng tiến sĩ, hỏi mình rằng một người cần những yếu tố nào để được học bổng của một trường tốt như Harvard. Mình chỉ có 2 điều cần nói. Một là, yếu tố lớn nhất là may mắn. Hai là, yếu tố quan trọng thứ 2, nhưng là điều duy nhất bản thân mình có thể điều khiển được, là cố gắng.

Nếu bạn không biết cố gắng bao nhiêu là đủ, thì hãy cố gắng hết sức. Mình viết bài này chỉ là một chia sẻ đến các bạn đang chuẩn bị hồ sơ cao học hoặc tiến sĩ về kinh nghiệm quan trọng nhất khi mình chuẩn bị đơn – xin thư giới thiệu.

Đây sẽ là lần cuối mình viết về chuyện xin học bổng tiến sĩ, vì những gì đã qua đã qua. Những gì sắp tới, đang tới, và mình thú vị với những gì đang tới hơn”.

Châu Thanh Vũ

(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ĐH Harvard, Mỹ)