Quảng Nam:

95% phòng y tế học đường không có... người trực!

Hầu hết các trường học bậc tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia ở Quảng Nam đều có phòng y tế học đường. Thậm chí còn có đầy đủ trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT. Song điều khiến mọi người thắc mắc là trên 95% các phòng y tế đều không có cán bộ y tế trực!

Người trực tiếp quản lý phòng y tế thông thường là kế toán hoặc tổng phụ trách Đội của trường kiêm nhiệm. Ông Nguyễn Quốc Trang - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương - thị xã Tam Kỳ cho biết: "Do yêu cầu mỗi trường phải có một phòng y tế mới đạt trường chuẩn quốc gia nên từ năm ngoái nhà trường đã xây dựng phòng y tế học đường. Vì không có chỉ tiêu biên chế cho cán bộ y tế học đường nên từ khi thành lập đến nay, trường đang hợp đồng với một bác sĩ ở trạm y tế gần đấy, khi nào có sự cố hoặc trường hợp cần thiết sẽ gọi điện thoại báo".

 

Kinh phí để phòng y tế trường học hoạt động là 18% trích lại từ tiền bảo hiểm y tế do học sinh đóng. Ngoài một số trường hiện đang sử dụng giải pháp hợp đồng tình thế như trên để đảm bảo tiêu chí xây dựng một trường đạt chuẩn quốc gia, hầu hết các trường đều viện lý do vì không đủ kinh phí nên phải sử dụng cán bộ trong trường kiêm nhiệm. Ví dụ: một trường có khoảng 500 học sinh, số tiền các em đóng bảo hiểm y tế sẽ là 2 triệu đồng (nếu tất cả đều đóng). Số tiền này nếu hợp đồng với cán bộ y tế như với một số giáo viên giảng dạy trong trường thì rõ ràng là không đủ. Vì thế, hầu hết các trường sẽ hợp đồng bán thời gian, chủ yếu một tuần cán bộ y tế đến trường 1 hoặc 2 lần.

 

Nhiều trường vì không đủ kinh phí nên không hợp đồng cán bộ y tế, thay vào đó để giáo viên trong trường kiêm nhiệm luôn. Trường hợp này chiếm đa số. Từ đó, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: lỡ như xảy ra sự cố cấp cứu tại trường, ai sẽ đảm đương nổi chuyện này? Dù không ai báo cáo, thống kê nhưng trên thực tế đã có nhiều tình huống vì không hiểu chuyên môn nghiệp vụ nên nhiều thầy cô giáo đã gián tiếp gây ra hậu quả đau lòng, thương tâm cho học sinh và gia đình trong khi nếu được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách có thể tránh được những tình huống đáng tiếc xảy ra.

 

Tỉnh Quảng Nam hiện có 15 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia nhưng không có trường nào có cán bộ y tế đúng chuyên môn. Dù vô tình hay cố ý thì hầu hết các trường đều thực hiện theo kiểu đối phó để được công nhận là chuẩn quốc gia. Còn mọi chuyện sau đó thế nào thì mặc kệ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết nguyên nhân của thực trạng này một phần do phụ huynh, giáo viên và cả các cấp lãnh đạo ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Thêm vào đó, hầu hết cán bộ y tế lại không muốn công tác ở trường học vì ở đây không thỏa mãn được chuyên môn của họ. Một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là chỉ tiêu biên chế không đủ để phân chia cho cán bộ y tế phục vụ trong trường học.

 

Mô hình trường dạy và học 2 buổi/ngày, bán trú đã và đang được nhân rộng thì chăm sóc sức khỏe cho các em cũng không đơn thuần chỉ là việc đối phó khi xảy ra tình huống bất ngờ. Y tế học đường còn có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, tuyên truyền cho các em hiểu để tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình. Đây là yêu cầu và cũng là mong muốn hết sức bình thường, chính đáng của các bậc phụ huynh.

 

Vì vậy, việc tìm ra giải pháp tối ưu giữa hai ngành y tế, giáo dục và các đơn vị liên quan để đảm bảo cho các em được chăm lo cẩn thận, phát triển tốt về thể chất cũng như tinh thần, trí tuệ là hết sức quan trọng và cấp bách.

 

Theo Hoàng Anh

Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm