Câu chuyện giáo dục:
87 xe gắn máy, ô tô vượt đèn đỏ trong 99 giây: Giáo dục nói đằng, làm nẻo!
(Dân trí) - Trong một nhịp tín hiệu 99 giây có 87 xe gắn máy và ôtô vượt đèn đỏ. Phía sau ý thức giao thông là câu chuyện của giáo dục.
Ngày đầu tuần 29/3, Dân trí có bài phản ánh vô cùng sinh động ghi nhận tại ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng (Hà Nội). Chỉ trong một nhịp tín hiệu 99 giây có đến 87 người điều khiển xe gắn máy và ôtô vượt đèn đỏ. Trung bình, khoảng hơn 1 giây đồng hồ có 1 người vi phạm luật giao thông.
Đó là người mẹ chở con đi học, những ông bố, những thanh niên...
Chỉ mới một ngã tư , chỉ trong khoảnh khắc chưa đến 2 phút, đã có từng đó con người ngay giữa thủ đô phạm luật giao thông. Chúng ta có hàng vạn ngã ba, ngã tư, ngã năm, với hàng chục giờ, hàng chục triệu người lưu thông mỗi ngày, thử hỏi biết bao nhiêu người thản nhiên vi phạm luật giao thông.
Sự việc tưởng như rất nhỏ, xảy ra quanh ta, xảy ra hàng ngày nhưng là vấn đề cần được suy ngẫm một cách nghiêm túc. Phía sau ý thức giao thông là câu chuyện của giáo dục.
Chắc chắn mọi người đều biết luật cơ bản, vượt đèn đỏ là sai, là vi phạm quy định về an toàn giao thông, là nguy hiểm cho chính mình và cho người khác. Chúng ta được học, được nhắc nhở, được dạy dỗ... Vậy nhưng, rất nhiều người, trong đó có thể có tôi, có bạn, có người thân của chúng ta biết sai nhưng vẫn làm.
Giáo dục của chúng ta - giáo dục gia đình, xã hội, giáo dục của mỗi cá nhân chứ không riêng gì giáo dục nhà trường - đang ở tình trạng học và làm đối phó. Dường như ai ai cũng dễ dàng nói đạo lý, đạo đức nhưng là nói mà không làm hoặc nói một đằng, làm một nẻo.
Thử nhìn hai bên đường xá, ngay cả những đại lộ không có người dân sinh sống hai bên vẫn bị ngộp thở bởi rác sinh hoạt nằm la liệt. Hộp giấy, bịch bóng, ly hộp nhựa, vỏ sữa... lấp kín hai bên đường. Chỉ có thể lý giải, hàng ngày trên đường lưu thông, nhiều người dễ dãi tiện tay ném rác xuống đường.
Trong khi, một đứa trẻ từ bậc mầm non đã được dạy dỗ, được nhắc nhở không xả rác. Nhưng những gì các em nhìn thấy lại hoàn toàn trái ngược. Người lớn nói mà không làm, nói thế này làm thế kia tạo nên một hệ sinh thái giáo dục tách biệt giữa "học và hành" lên trẻ nhỏ.
Một nhà xã hội học tại TPHCM bày tỏ, vấn nạn người lớn là "gương đen" diễn ra nhan nhản quanh trẻ, từ gia đình, nhà trường cho đến xã hội.
Từ chuyện vi phạm giao thông, xả rác, hành xử thiếu văn hóa, nhân văn trẻ dễ dàng nhìn thấy mọi tiêu cực của xã hội. Người này người kia tham nhũng, giáo sư tiến sĩ đi chép bài, đạo văn… nhiều vô kể.
Tất cả đánh thẳng vào niềm tin của trẻ nhỏ về những điều chúng được nghe, được học, được giáo huấn, răn đe.
Trẻ ít khi bị tác động bởi lời người lớn nói, người lớn dạy mà chúng bị ảnh hưởng, học theo điều mà chúng quan sát được.
Nhiều người chỉ dừng đèn đỏ khi thấy cảnh sát giao thông, chỉ bỏ rác đúng chỗ trong bối cảnh biết ai đó đang quan sát mình... Nhiều người làm điều gì đó vì đối phó chứ không phải trong tiềm thức nhận thức đó là việc nên làm, phải làm. Giáo dục chưa tạo được sự biến chuyển bên trong mỗi con người.
Trong lần chia sẻ về chủ đề "Tự học hay được dạy", ông Hoàng Minh Hải, giảng viên cao cấp tại Học viện Quản lý PACE chia sẻ, theo quan niệm phương Đông, con người có 3 yếu tố gồm thân - trí - tâm.
Rèn thân là điều dễ nhất, gọi là thể dục. Muốn rèn luyện trí gọi là trí dục. Chỉ riêng rèn tâm là điều vô cùng khó. Người ta tưởng rằng rèn luyện tâm là bằng đức dục, bằng môn đạo đức, giáo dục công dân trong trường học.
Nhưng theo ông, điều này không đúng. Đức dục hiện nay mới chỉ góp phần cho trí dục. Học những thứ đó trong nhà trường để người ta đạt điểm cao, thực chất là trí con người tăng chứ không phải tâm con người tăng.
Ông đưa ra ví dụ, một học trò đạt 10 điểm khi đánh vào lựa chọn 1 cho câu hỏi ra đường gặp đèn đỏ thì làm gì với 3 lựa chọn sau: dừng lại/ chạy thẳng/không biết.
Vậy nhưng, khi đến 18 tuổi, lên chiếc xe máy, đi về buổi đêm, ngay ngã tư vắng người, không có công an thì sao? Mấy em sẽ đứng lại chờ đèn đỏ, bao nhiêu em sẽ chạy thẳng?
Việc học giáo dục công dân, đạo đức đang để tăng trí, học bằng trí, làm bài bằng trí chứ không phải bằng tâm.
"Thân được điều khiển bởi trí, và trí lại được điều khiển bởi cái tâm. Con người chúng ta theo đuổi việc học là để nâng con người mình lên là nâng cái gì?", ông đặt câu hỏi.
Điều này, mỗi người chúng ta, tôi và bạn, phải tự trả lời câu hỏi đó cho mình bằng việc không được dễ dãi với bản thân.