80.000 chỗ cho nguyện vọng 2, 3: Rộng đường vào ĐH?

Ngày nộp đơn xét tuyển NV2 sắp đến gần (25/8). Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH cho biết, vẫn còn tới 80.000 chỉ tiêu cho đợt 2, 3. Lựa chọn thế nào để có tấm vé chắc chắn lọt cửa ĐH?

Sau khi công bố điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã xác định được hơn 300.000 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển, 150.000 em trong số này đã trúng tuyển NV1.

 

Như vậy, nếu so với tổng chỉ tiêu thì vẫn còn tới 80.000 chỗ cho nguyện vọng 2, 3. "160.000 thí sinh xét tuyển lấy 80.000 chỉ tiêu là một tỉ lệ tương đối dễ chịu", ông Đỗ Duy Dự, thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT cho biết.

 

Nhìn chung, số lượng trường và ngành tuyển nguyện vọng 2 năm nay "dồi dào" hơn năm trước, nhất là các ngành khối C, D.

 

ĐH Nông lâm TPHCM xét 380 chỉ tiêu cho 15 ngành hệ ĐH (năm ngoái có 13 ngành). ĐH Sư phạm TPHCM xét 275 chỉ tiêu cho 9 ngành, thêm một số ngành như Tâm lý giáo dục, Sư phạm giáo dục đặc biệt, Công nghệ thông tin... trong khi năm ngoái chỉ có các ngành ngoại ngữ.

 

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) năm ngoái, đợt 2 chỉ tuyển 10 ngành thì năm nay tăng lên 17 với trên 600 chỉ tiêu… Nghiêm chỉnh nhất về khoản thi hành "lệnh" của Bộ GD-ĐT, có lẽ phải kể đến ĐHQG Hà Nội với hơn 750 chỉ tiêu dành cho đợt 2 (thay vì 400 như đã từng dự kiến).

 

Thi ĐH lần 2!

 

Số trường ĐH tham gia tuyển đợt 2 khá đông, nhưng "soi" kỹ lại thì những ngành "ngon" cửa không còn rộng, nhất là với những thí sinh điểm tương đối cao đã từng trượt đợt 1 mà đích ngắm là các trường công lập.

 

Ví dụ,  ĐH Y Dược TPHCM, tuyển khối B, được dự báo là sẽ "hút" nhiều đơn, cũng chỉ thông báo xét tuyển NV2 đối với 3 ngành y tế công cộng, vật lý trị liệu và xét nghiệm, mỗi ngành không quá 30 chỉ tiêu, thậm chí có ngành chỉ tuyển 10 chỉ tiêu.

 

Các ngành của từng trường thành viên ĐHQG Hà Nội cũng vậy. Có những ngành chỉ xét tuyển chưa đầy… 10 chỉ tiêu. ĐH Luật TPHCM năm nay cũng xét  tuyển NV2 nhưng cũng chỉ có 100 chỉ tiêu khối C với mức điểm sàn 17 điểm.

 

Năm ngoái, mức điểm nhận đơn NV2 của Học viện Kỹ thuật Mật mã là 17 cho 50 chỉ tiêu. Với số hồ sơ nhận được khoảng chừng 800 bộ, điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 của trường lên tới 23.

 

Hay như ĐH Thuỷ lợi, nơi kỳ vọng là sẽ có một lượng chỉ tiêu nhất định cho NV2 thì cũng tuyển rất hạn chế, chủ yếu là hệ CĐ, với ưu tiên dành cho thí sinh trượt các ngành khác của trường.

 

Một số trường, dù ở hệ CĐ, nhưng cuộc đua sẽ khốc liệt còn hơn ĐH. CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương là một ví dụ. Năm ngoái, trường này tổ chức thi và số hồ sơ nhận được lên tới kỷ lục, thậm chí có ngành tỷ lệ chọi lên tới 1/100. Năm nay, các khối tuyển sinh theo đề chung của Bộ như A, B, C, D; trường không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển NV2. Trong tình cảnh khá hiếm các trường, ngành tuyển khối C, D; đây sẽ là điểm ngắm của không ít thí sinh các khối này.

 

Theo một cán bộ tuyến sinh ĐH SP TPHCM, thí sinh cần xem chỉ tiêu còn lại của từng ngành là bao nhiêu và mức điểm phải cao hơn điểm sàn trường đưa ra thì mới nên nộp hồ sơ.

 

Như năm ngoái, các ngành ngoại ngữ như Anh văn, điểm nhận đơn của NV2 xấp xỉ bằng điểm chuẩn NV1 (21 điểm), nhưng mức trúng tuyển lên tới 25. Vì thế, năm nay thí sinh của khối C, D có điểm cao hơn điểm sàn trường đưa ra xét tuyển ít nhất là 1, của khối A phải cao hơn 2-3 điểm thì mới nên nộp hồ sơ tham gia xét tuyển.

 

Hoặc như ĐH Thái Nguyên với 7 khoa và trường thành viên, vùng tuyển chỉ dành cho học sinh từ Hà Tĩnh trở ra và không dành cho học sinh phổ thông khu vực 3. ĐHDL Đông Đô, trường hiếm hoi xét tuyển khối V, cũng chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của những thí sinh có điểm thấp hơn điểm trúng tuyển vào các trường đã dự thi là 2.

 

Đủ điểm sàn là đỗ?

 

Ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết, với mức bằng và trên điểm sàn một chút, thí sinh còn cơ hội vào các trường ĐHDL có vẻ nhiều hơn.

 

“Những thí sinh có điểm từ điểm sàn của Bộ trở lên nộp đơn vào trường thì cơ hội trúng tuyển cũng rất cao”, ông Lâm Thành Hiến, trưởng phòng đào tạo trường ĐHDL Lạc Hồng nhận định. ĐHDL Văn Hiến đã không ngại ngần quảng cáo “dự kiến điểm trúng tuyển bằng với điểm sàn”.  

 

Năm ngoái, các trường ĐHDL phía Nam đã lâm vào tình trạng "khốn đốn" do không có nguồn tuyển. ĐHDL Lạc Hồng  năm ngoái, đợt 1 trường tuyển được 1/3, đợt 2 tuyển được 1/3 và đợt 3 còn lại 1/3 đều với mức điểm bằng điểm sàn của Bộ GD - ĐT.

 

Ông Lý Ngọc Đức, phó phòng đào tạo ĐHDL Ngoại ngữ Tin học: năm nay tình hình khác NV1 chỉ được có khoảng 30% (488 thí sinh/1.400 chỉ tiêu), trường còn gần 70% dùng để xét tuyển NV2, NV3 nên dự đoán nhiều cơ may cho những thí sinh điểm cao và bằng điểm sàn của Bộ.

 

Ông Đỗ Duy Dự lưu ý các thí sinh xem xét vào các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương hoặc các trường mới thành lập. Theo Điều 33 Quy chế tuyển sinh, các trường này được phép định điểm trúng tuyển theo tỉnh, huyện, vùng với mức chênh lệch điểm giữa các tỉnh, huyện (điểm chênh lệch khu vực) lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2.

 

Đây chính là các trường ĐH khu vực, ĐH vùng như ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐHDL Lạc Hồng, ĐHDL Bình Dương, ĐH Đà Lạt, ĐH Tây Nguyên, ĐHDL Phú Xuân (Huế), ĐH Tây Bắc... Năm ngoái, điểm trúng tuyển đợt 2 của hầu hết các trường ở mức "sàn".

 

Cần thận trọng và nắm rõ thông tin! 

 

Ông Trần Đình Lý, ĐH Nông lâm TPHCM khuyên thí sinh nên xem kỹ các thông tin và ưu tiên số 1 phải là ngành mình ưa thích. Một số ngành như Chế biến lâm sản ít người biết nhưng hiện nay thị trường đang khủng hoảng thiếu, làm việc với mức lương cao. Hay ngành Cơ khí nông lâm: làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư…

 

Thậm chí, một số ngành mới như công nghệ nhiệt lạnh, điều khiển tự động, kinh tế tài nguyên môi trường… thí sinh chưa biết. Nhưng thực ra, cơ hội tìm việc của những ngành này  khá dễ dàng…

 

Ông Nguyễn Vĩnh An, phó phòng giáo vụ ĐH Cần Thơ cho biết, khi xét tuyển NV2, cũng có trường hợp bị rớt không phải do không đủ điểm chuẩn mà  do thí sinh thiếu thông tin: không nắm rõ tiêu chí xét tuyển, điều kiện xét tuyển của ngành nghề của trường…

 

Trong nỗ lực cung cấp thông tin để thí sinh tham khảo trước khi nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2, trung tâm Tin học (Bộ GD-ĐT) đã làm thống kê các thí sinh trượt ở mức trên 18 điểm 3 môn, các dữ liệu tham khảo để chọn nguyện vọng 2 (tham khảo tại đây) Tất nhiên, để chọn được một suất trong cơ hội "một mất một còn này", thí sinh cũng phải đổ thời gian để lựa chọn, tham khảo và phân tích thông tin...

 

Theo Cam Lu - Song Nguyên

 Vietnamnet