6,2 triệu EUR từ Bỉ hỗ trợ giáo dục Việt Nam đã kết thúc
(Dân trí) - Dự án “Hỗ trợ Xây dựng năng lực” (Facility for Capacity Building project – FCB) từ Bỉ được khởi động từ tháng 7/2015 và sẽ kết thúc hoạt động vào ngày 30/6/2019 tới đây.
Dự án “Hỗ trợ Xây dựng năng lực” (FCB) là một phần trong chương trình định hướng hợp tác giữa Chính phủ Vương quốc Bỉ và Chính phủ Việt Nam.
Tổng ngân sách của Dự án gồm phần tài trợ của phía Bỉ là khoảng 6,2 triệu EUR và phần đối ứng của Việt Nam bằng nguồn nhân lực tham gia Dự án và chi phí văn phòng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT, giám đốc dự án cho biết, dự án FCB mục tiêu là góp phần cho việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, góp phần cải thiện năng suất lao động của Việt Nam so với khu vực và thế giới; đẩy mạnh đổi mới, căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Từ bối cảnh trên, dự án FCB đã xác định chiến lược hỗ trợ là thông qua chương trình học bổng dành cho các cá nhân giỏi của Việt Nam, hỗ trợ mạng lưới cựu lưu học sinh (LHS) VN sau khi học tập tại Bỉ trở về VN và các nghiên cứu của cựu LHS.
Đồng thời, hỗ trợ thông qua các khóa bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn, nâng cao nhận thức; hỗ trợ xây dựng kế hoạch và thực hiện việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị nhân sự; hỗ trợ ở cả mức độ cá nhân và tổ chức trong việc tăng cường kỹ năng quản lý và chuyên môn.
Ông Dũng cho biết, trong thời gian là 4 năm của Dự án, nhưng thời gian thực sự để triển khai hoạt động là khoảng hơn 2 năm, Dự án FCB đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể:
Với việc phát triển năng lực đổi mới, quản lý thông qua học bổng và hỗ trợ mạng lưới cựu sinh viên, tổng số 107 sinh viên đã hoàn thành chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Bỉ. Công tác tuyển sinh nghiêm túc, tuyển được các sinh viên giỏi cử đi học tại các cơ sở GDĐH có uy tín của Bỉ.
Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ việc xây dựng và phát triển chiến lược hoạt động của Hội hữu nghị Việt Bỉ, xây dựng phần mềm và lập dữ liệu LHS Việt Nam đã học tập tại Bỉ.
Dự án đã hỗ trợ 14 trường đại học, học viện Việt Nam về phát triển kỹ năng quản lý
Bên cạnh đó, Dự án đã cấp 17 gói hỗ trợ cho cựu LHS để thực hiện một số nghiên cứu trong những lĩnh vực ưu tiên hiện nay như y tế, ứng dụng sinh học công nghệ cao, quản lý nguồn nước, phòng ngừa thiên tai, kiến trúc công trình.
Đối với các khóa bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn, nâng cao nhận thức nâng cao năng lực quản trị nhân sự và phát triển tổ chức, Dự án đã tổ chức được 4 hội thảo về quản trị nhân lực, nâng cao năng lực theo hướng hiện đại cho hơn 400 cá nhân đại diện từ tất cả các tỉnh thành và các trường đại học công lập tại Việt Nam. Dự án đã phát triển một số sổ tay nhằm cung cấp công cụ cho các tổ chức và cá nhân.
Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ 14 trường đại học, học viện (trong đó có 8 đơn vị thuộc dự án ETEP) cùng với 3 sở nội vụ và 3 sở GD-ĐT trong việc phát triển kỹ năng quản lý cho cán bộ cấp trung và phát triển chuyên môn.
Ông Dũng cho hay, việc hỗ trợ được thực hiện theo 4 nhóm nội dung là Lãnh đạo và xây dựng chiến lược, quản lý nguồn nhân lực, phương pháp và chương trình đào tạo, kỹ năng chuyên môn cho công chức.
Hồng Hạnh